Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Điều quý giá nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Cúp điện lúc nửa đêm. Trong căn phòng đóng kín cửa, điều hòa tắt, chẳng còn bất cứ luồng gió nào có thể len lỏi vào, anh cảm giác như mình sắp chết ngạt nếu điện không có trở lại kịp.

Anh đoán chừng màn trời đêm lúc này cũng đã dịu xuống, chẳng còn nóng hừng hực như lúc tối. Trời nóng gì mà nóng khiếp. Anh nghe ra rả các thông tin về biến đổi khí hậu, băng tan, nhiệt độ trái đất tăng cao, hiệu ứng nhà kính… đến thuộc nằm lòng. Thậm chí, người ta nói về điều này bằng giọng vô cảm.

Ở tuổi ngót nghét bốn mươi, anh đoán chừng nếu thảm họa thiên tai có diễn ra, thì anh cũng chẳng còn sống trên cuộc đời này. Cái ý nghĩ ấy tuy nhuốm màu tiêu cực nhưng ít ra có tia sáng của tích cực là nó khiến anh không quá lo lắng đến cái chết. Bởi vì nếu mọi thứ diễn ra theo đúng dự báo, khi ấy, mình may mắn sống sót thì liệu có vui vẻ gì? Có khi, việc chọn lựa cái chết còn dễ dàng hơn cả sống.

Anh nhớ, hồi học tiểu học, anh sợ môn thể thao đến độ trước ngày nó diễn ra, anh chỉ ước mình có thể chết đi. Chỉ khi ấy, anh mới không phải đến trường, không phải thực hiện những cú nhảy xa trên cát mà kết thúc bao giờ cũng là sự chế giễu của chúng bạn. Càng nhảy, anh càng thấy thân thể mình nặng như đeo cục tạ, có cố nhấc bổng lên thì nó cũng chỉ nhích được vài bước chân rồi đáp xuống.

Tiếng cười hùa theo những câu nói nhộn nhạo của đám học sinh thành thứ tạp âm nối dài bất tận. Anh quay cuồng với mớ tạp âm đó, suốt những giờ học thể dục.

Minh họa: KHỀU

Minh họa: KHỀU

Anh đã ước mình có sức mạnh như những vị thần, lao tới, bóp nghẹt những ánh mắt, tiếng cười... Nhưng tất cả chỉ tồn tại trong tưởng tượng, không lối thoát, khi mà mọi thứ anh muốn hành động, diễn đạt đều bị chặn đứng, nghẹn lại nơi lồng ngực. Rồi anh đẩy ý nghĩ mình sang hướng có lối thoát hơn: sau này lớn lên, anh sẽ gặp lại từng đứa để "tính sổ" tụi nó.

Rồi anh gặp lại thật. Có ai ngờ những mối quan hệ từ thời còn nhe hàm răng sún ra cười cợt nhau ấy, nhờ mạng xã hội mà gặp lại nhau. Trong số đó, thằng Hải anh gặp lại trong bối cảnh dễ khiến con người ta là "người" nhất: phòng cấp cứu. Cả anh và thằng Hải đứng bên ngoài ngóng tin người thân. Chẳng may, người thân của thằng Hải đẩy ra trên băng ca đã trùm lớp vải trắng đã ố vàng.

Thằng Hải khi ấy đã ngoài 30, chạm đến nỗi đau quá lớn: Mất đi người vợ sau vụ tai nạn mà chính nó là người cầm lái. Nó không gào khóc nhưng mặt nó nhăn nhúm lại, bước thấp bước cao cố chạm lấy những ngón tay của vợ đã chẳng còn bất cứ sự kết nối nào. Anh nhìn theo dáng cao khòm như một dấu chấm lửng của nó, hình dung ra chuỗi ngày khốn khổ của nó ở phía trước, tự dưng thấy thương.

Rồi anh gặp lại Mai. Con bé ngồi bàn sau anh ngày xưa, vừa xấu vừa hay cười hố hố mỗi khi trêu chọc anh. Tiếng cười của nó như thể những mụ béo nhà giàu ưa ức hiếp kẻ ăn người ở trong nhà mà anh xem trong phim, gây ức chế kinh khủng. Lúc anh gặp lại, vẫn là tình thế chẳng khiến anh trả thù cho hả dạ được: Mai xin vào văn phòng anh làm việc, với vị trí là tạp vụ.

Mai kể, cô ấy lấy chồng lần thứ 2, vẫn rơi vào vết xe đổ như lần trước: chồng vũ phu, nghiện ngập… Cô ấy phải mang đứa con nhỏ đi thật xa, đến thành phố khác sinh sống. Không chuyên môn, nghề nghiệp, lại lạ nước lạ cái, có biết làm gì đâu, may sao có bà hàng xóm ở trọ mách thông tin chỗ anh đang tuyển tạp vụ, chẳng cần điều kiện gì ngoài siêng năng, mà còn trợ cấp ăn uống, xăng xe…

Anh định hỏi Mai về những gương mặt mình còn ghi nhớ, lạ thay, chỉ là những đứa từng gây ra tổn thương cho anh, nên thôi, hỏi để làm gì?

Một ngày, anh gọi Mai, hỏi xem cô ấy có muốn làm công việc gì khác không, nếu được, anh sẽ tạo điều kiện. Mai lắc đầu rất nhanh. Lúc ra khỏi phòng, cô ấy lưỡng lự một chút rồi nhả từng lời vừa chậm vừa nhỏ: "Hôm nào, Mai mời Thiên ly cà phê được không?". Đương nhiên là được.

Nhưng anh vẫn chưa đi cà phê với Mai, hay nói đúng hơn, cuộc sống còn cả dãy ưu tiên khác nằm trên cuộc hẹn ấy. Và những ý nghĩ từng muốn thiêu đốt anh rằng phải thực hiện việc trả thù của thời tuổi thơ, giờ cũng chẳng quan trọng gì.

Những ý nghĩ miên man trong mớ hỗn loạn của tiềm thức, tưởng đã vùi chôn mà giờ đây anh nhớ lại từng chút một. Thì ra, mọi thứ còn nằm yên đó, chỉ là mình đã xếp chúng lại, thẳng thướm rồi cho vào ngăn kéo ký ức. Cứ tưởng chỉ cần đóng ngăn kéo lại chúng sẽ biến mất không còn tồn tại chứ?

Nóng quá. Anh nằm thêm năm phút, chờ xem điện có lại không. Nhưng anh không thắng nổi cơn nóng của căn phòng quá kín.

"Cháy, cháy rồi" - có tiếng đập cửa rất mạnh. Những ý nghĩ xâu chuỗi nhau rất nhanh trong đầu anh: mùa nóng, cúp điện, khói, ngọn lửa.

Anh bật dậy như chiếc lò xo đang ở độ nén mạnh. Mở bung cửa sổ căn hộ chung cư, một cảnh tượng nháo nhào ngoài hành lang. Bà Tư đã xách sẵn chiếc giỏ chứa đầy đồ trong ấy, quay lại nói với anh: "Lấy những thứ quan trọng thôi, rồi xuống đất ngay, nhanh lên!".

"Những thứ quan trọng?" - anh lơ mơ nghĩ, có thể là giấy tờ, những thứ đó làm lại rất phức tạp, lại mất thời gian. Nhưng anh không biết giấy tờ Quỳnh - vợ anh - để ở đâu.

Giờ này Quỳnh đã chìm vào giấc ngủ sau chương trình đêm khuya vào lúc 23 giờ. Cô ấy tắt máy ngủ luôn ở đài vì không tiện ra đường vào giờ đó.

Với Quỳnh, công việc và sức khỏe là trên hết. Khi ngủ, cô ấy không muốn bị đánh thức dù cho có chuyện gì xảy ra. Một người chăm lo cho bản thân như vậy, hẳn là có lý do để sống lắm! Một lần, anh hỏi Quỳnh như vậy, rất chân thành. Quỳnh cũng trả lời chân thành rằng: "Sống vì điều gì ư? Em nghĩ không cần phải vì điều gì cả, vì mình được sinh ra, vì mình còn hơi thở mỗi ngày, nên sống và sống cho tốt!".

Anh nhớ ra đã lâu rồi anh với Quỳnh không trò chuyện đúng nghĩa. Cô ấy lên chức, công việc ngập đầu. Mối quan hệ cũng nhiều hơn, những cuộc gặp gỡ cũng chiếm thời gian không nhỏ. Anh đọc được rằng, khi cả hai không còn cùng tần sóng năng lượng, từ từ cũng sẽ tách biệt nhau.

Mỗi đêm, anh vẫn nghe giọng Quỳnh qua radio. Càng ngày, giọng nói Quỳnh càng khác đi, hay hơn, đến độ nếu không biết đó là Quỳnh, anh sẽ không nhận ra nữa.

Đúng như anh dự đoán, máy Quỳnh đã tắt nguồn. Anh tần ngần chạm vào danh bạ điện thoại. Có đến vài trăm số được lưu trong máy, những số mới liên lạc hầu hết là liên quan công việc. Anh nhớ ra người thân duy nhất của mình: chị gái.

Từ khi mẹ không còn trở về trong những giấc mơ, anh cũng không còn chuyện gì để nhắn tin chia sẻ với chị. Anh nhìn lên bàn thờ, lâu lắm rồi mẹ không trở về gặp anh nữa…

"Sao còn đứng đó, đi nhanh" - bà Tư trở lại phòng để lấy thêm đồ đạc. Thật là, anh không biết sẽ mang theo thứ gì khi rời khỏi căn phòng này? Thứ gì là quý giá nhất với anh?

Thật may, đám cháy không lan ra các căn hộ lân cận, và lính cứu hỏa đã làm việc cật lực để dập tắt thành công ngọn lửa.

Điện có lại. Đèn hành lang sáng trắng. Mọi người trở về phòng. Ai nấy được một phen hú vía, nhưng đều vui mừng vì đám cháy chẳng để lại hậu quả gì to tát.

Anh vừa ngả lưng xuống thì có tiếng gõ cửa phòng. Anh lấy làm lạ, đã hơn bốn giờ sáng. Chẳng lẽ lại có đám cháy và ai đó đến báo cho anh?

Anh ra mở cửa. Là Quỳnh. Một đồng nghiệp ban thời sự đã lay Quỳnh dậy trong đêm, khi biết tin có đám cháy ở chung cư vợ chồng Quỳnh đang sống. Và cô ấy đã lập tức bắt xe trở về.

Trong căn phòng ngủ quen thuộc, Quỳnh nằm bên cạnh anh. Không quá gần cũng không quá xa. Anh biết rằng cả anh và Quỳnh chẳng thể ngủ lại ngay được. Anh hỏi Quỳnh: "Điều quan trọng nhất cần mang theo, khi có báo cháy, với em là gì?". Quỳnh trầm ngâm một lúc, rồi trả lời: "Không gì cả, chỉ là tính mạng mình. Đó đã là điều quý giá nhất rồi!".

Anh vẫn vặn hỏi: "Anh thấy ai cũng mang đồ đạc của họ theo, những thứ quan trọng". Quỳnh có một câu trả lời khác: "Em sẽ không mang theo gì, vì khi ấy, bàn tay em đã bận nắm thật chặt tay của người thân mình. Em không muốn có một sự xa cách nào, nhất là khi tình huống tồi tệ nhất!".

Anh mỉm cười, lần tìm bàn tay Quỳnh nắm trọn trong tay mình!

Tác giả La Thị Ánh Hường

Năm sinh: 1981. Quê quán: Tỉnh Kiên Giang. Hiện sống ở TP HCM.

Bắt đầu sáng tác từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Truyện ngắn đầu tiên được in trên Báo Mực Tím năm 1999.

Tác phẩm đã xuất bản:

"Người nổi tiếng", tập truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 2001.

"Vụng dại tuổi 17", tập truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 2003, tái bản lần 3 năm 2010.

"Như áng mây chiều", tập truyện ngắn, NXB Kim Đồng, 2005.

"Những kẻ lãng mạn", tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 2008.

"Ngoan nào, anh sẽ luôn bảo vệ em", tập truyện ngắn, NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2013.

"Ô mai ướp nắng", tập truyện ngắn, NXB Dân Trí, 2017.

"Cô đơn rực rỡ", tập truyện ngắn, NXB Tổng hợp, 2021.

Và nhiều tác phẩm đăng trên các báo, tạp chí ở trung ương và địa phương.

Có thể bạn quan tâm