Độc đáo nhang làm từ vỏ thanh long

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Nhận thấy những tác hại nghiêm trọng của nhang sử dụng hóa chất đối với môi trường và sức khỏe con người, một nữ sinh tại TP.HCM tận dụng vỏ thanh long để làm nhang.

Linh tận dụng các vật dụng và máy móc ở trường để chế tạo bột thanh long làm nhang NỮ VƯƠNG
Linh tận dụng các vật dụng và máy móc ở trường để chế tạo bột thanh long làm nhang NỮ VƯƠNG
Nguyễn Ngọc Linh (22 tuổi), sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, là chủ nhân của sản phẩm nhang làm từ vỏ thanh long độc đáo này.
Ý tưởng đến từ tình thương em
Linh kể, nhà thờ cúng ông bà nên ngày nào mẹ cũng thắp nhang, nhưng mỗi lần hít phải khói nhang là em gái của Linh bị dị ứng, cảm thấy cay mắt, ho, thậm chí là khó thở, chóng mặt. Nhìn thấy em gái như vậy nên Linh bắt đầu tìm hiểu về các dòng nhang trên thị trường.
“Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dòng nhang từ bình dân đến cao cấp với nhiều mức giá khác nhau. Tuy nhiên, nhang giá rẻ có nhiều tác hại khi đốt sinh ra khí CO, SO2 lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như gây ung thư, viêm phổi, hen suyễn, dị ứng da... Trong khi đó, các dòng nhang cao cấp có nhiều tác dụng cho sức khỏe và môi trường nhưng giá thành lại rất cao. Mà đa phần các hộ gia đình đều chỉ ưa chuộng chọn nhang giá rẻ mà không quan tâm đến tác hại của chúng đối với sức khỏe”, Linh đau đáu.
Trong đợt dịch vừa qua, nhiều người trồng thanh long nhưng không bán được do dịch bệnh. Linh nhận thấy nguồn thanh long rất dồi dào và cứ đến mùa là y như rằng phải “giải cứu” vì tình trạng được mùa mất giá. Cũng vì các chiến dịch “giải cứu” này mà rất nhiều đề tài, dự án tận dụng phần ruột của thanh long để sản xuất thành nhiều sản phẩm khác nhau, còn phần vỏ lại bỏ đi.

Thành quả nhang thanh long của Linh
Thành quả nhang thanh long của Linh
“Nghỉ dịch, ở nhà cũng không có việc gì làm nên mình mới thử lấy vỏ thanh long mang đi phơi. Phơi xong thấy mùi hương của vỏ thanh long khi khô tỏa ra rất thơm, mình liền nảy ra ý tưởng tận dụng vỏ thanh long để làm nhang”, Linh nói và chia sẻ thêm: “Khi mình tìm hiểu về các thành phần của nhang thì biết trong nhang phải sử dụng chất làm cháy và chất tạo màu. Về phần màu thì mình khá an tâm vì khi xay vỏ thanh long khô, màu của vỏ dính vào tay mà để cả ngày rửa cũng không ra hết được, nên khi làm thành nhang sẽ giữ được màu rất tự nhiên của thanh long. Còn về chất cháy thì mình nghĩ đến các loại vỏ quả có tinh dầu, nên mình đi xin vỏ cam, vỏ bưởi từ các hàng quán bán nước trái cây rồi cũng đem phơi để kết hợp với vỏ thanh long làm nhang”.

Với dự án này, điều khiến mình hạnh phúc nhất là có thể tận dụng nguồn vỏ thanh long nhằm nâng cao giá trị kinh tế, hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, còn giải quyết được bài toán giá cả phù hợp mà chất lượng nhang lại không gây hại cho sức khỏe con người

 

Nguyễn Ngọc Linh, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

Dự án ý nghĩa
Để làm được nhang từ vỏ thanh long, Linh cho biết đầu tiên khi lấy vỏ thanh long về thì ngâm với muối để bớt phần nhớt của vỏ cũng như khi sấy phần vỏ sẽ giữ được màu đẹp hơn. Sau khi sấy xong, đến công đoạn xay và sau đó mới bắt đầu rây qua 3 loại rây có kích cỡ khác nhau để thu về được bột mịn nhất. Và cuối cùng là phối trộn với các loại bột thảo dược và bắt đầu gia công để làm thành nhang.
“Trong vỏ thanh long rất ít tinh dầu cháy nên cần phải bổ sung thêm thảo dược để tăng thời gian cháy của nhang. Không những thế, trong thảo dược còn có mùi hương giúp sảng khoái tinh thần, thư giãn và xua đuổi côn trùng”, Linh chia sẻ.
Nhắc về những ưu điểm nổi trội của nhang làm từ vỏ thanh long, Linh tự hào cho biết nhang này khi đốt sẽ ít khói, thời gian cháy lâu hơn (50 phút cho một cây nhang). Và vì kết hợp với các loại thảo dược nên tạo hương thơm tự nhiên và đặc trưng cho sản phẩm. Vì vậy, nhang thanh long không chỉ sử dụng để thắp mà còn có công dụng xua đuổi côn trùng, tạo hương thơm dễ chịu, thư giãn tinh thần.
“Với dự án này, điều khiến mình hạnh phúc nhất là có thể tận dụng nguồn vỏ thanh long nhằm nâng cao giá trị kinh tế, hạn chế tình trạng được mùa mất giá. Bên cạnh đó, còn giải quyết được bài toán giá cả phù hợp mà chất lượng nhang lại không gây hại cho sức khỏe con người. Từ nay, mình sẽ yên tâm hơn khi gia đình phải thắp nhang mỗi ngày, em gái cũng sẽ không còn bị dị ứng với khói và mùi hương của nhang nữa”, Linh tâm đắc.
Với sản phẩm độc đáo này, Linh cũng đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết của cuộc thi khởi nghiệp HUTECH Startup Wings 2020.
Dự án thiết thực và sẽ đi vào thị trường rất nhanh
Tôi đánh giá cao dự án nhang thanh long vì đây là ý tưởng trùng khớp với những điều mà hiện nay chúng ta đang hướng đến là thân thiện môi trường và giải quyết được những vấn đề cho nông sản của Việt Nam. Dự án đã tận dụng được phế phẩm của trái thanh long để ứng dụng vào cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, nhang là văn hóa tâm linh mà hằng ngày người dân chúng ta vẫn sử dụng, nhưng có những dòng nhang sử dụng hoàn toàn bằng hóa chất làm ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường. Vì thế đây là dự án rất thiết thực và sẽ đi vào thị trường nhanh nhất.
Nguyễn Ngọc Luận 
(Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn - ASEAN, thành viên Ban giám khảo cuộc thi HUTECH Startup Wings 2020)
Theo Nữ Vương (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm