Đổi công ngày mùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày gia đình chị Siu Hươn (làng Blang 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) thu hái cà phê, khu vườn rộn rã tiếng nói cười của tốp người làng đến đổi công ngày mùa.
Gia đình chị Hươn chỉ có hai vợ chồng là lao động chính, 3 đứa con nhỏ ở nhà học bài. Khu vườn trồng hơn 500 cây cà phê là nguồn thu nhập chính của cả nhà. Vào mùa thu hoạch, nếu hai vợ chồng tự thu hái cũng phải mất nhiều ngày mới xong. Để gọn việc, họ quyết định tham gia nhóm đổi công cùng một số gia đình trong làng.
“Từ cuối tháng 11 đến nay, vợ chồng mình đổi công cho các gia đình trong làng. Mỗi ngày, nhà mình góp 1-2 công hái giúp gia đình khác. Trong nhóm đổi công, vườn nhà nào cà phê chín trước sẽ hái trước, lần lượt cho tới khi trả đủ công và thu hái xong. Hôm nay, đến lượt vườn nhà mình. Nhờ đổi công nên chỉ mất 4 ngày đã hái xong toàn bộ vườn. Hái đồng loạt như vậy tiện lắm, chỉ vài ngày lo gọn xong một vườn, gia chủ cũng tiện phơi sấy và chăm sóc vườn cây cho vụ tới”-chị Hươn nói.
Anh chị em trong nhóm đổi công đa phần là người nhà nên nếu có dư hay hụt đôi ba ngày công cũng coi như giúp nhau, không ai tính toán chi ly. Chị Hươn cho biết: “Vườn nhà anh Jut có tới 1.000 cây cà phê, đất lại dốc nên hái lâu hơn. Nhưng Jut là anh em nhà mình nên mấy ngày dôi dư coi như hỗ trợ nhau. Phần còn lại nếu chưa thu hoạch, vợ chồng họ tự hái hoặc thuê thêm người nếu các thành viên trong nhóm bận không thu xếp hái giúp được”. 
Nông dân huyện Ia Grai thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Thụy
Nông dân huyện Ia Grai thu hoạch cà phê. Ảnh: Đức Thụy
Chuyện đổi công giữa các gia đình diễn ra khá phổ biến ở các làng người Jrai. Đây cũng là một nét đẹp trong sản xuất từ xưa đến nay. “Việc này giúp mùa vụ được canh tác đồng loạt, tránh kéo dài. Vào ngày mùa, ở làng Ngol (phường Trà Bá, TP. Pleiku), phần lớn bà con đổi công cho nhau hái cà phê, gặt lúa”-ông Rmah Chul (83 tuổi) cho biết. Theo già Chul, thường những gia đình họ hàng thân cận sẽ đổi công cho nhau, kéo dài từ vụ này sang vụ khác, lâu dần tạo thành thói quen trong sản xuất. “Đây cũng là biểu hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ trong cộng đồng người Jrai. Đổi công không phân biệt nam hay nữ, người già hay trẻ mà cứ 1 người đi làm một ngày sẽ được tính tròn công. Bởi vậy, các gia đình chỉ có người già hoặc hoàn cảnh neo đơn nếu đổi công cho các gia đình khác, khi quay lại làm việc cho nhà mình sẽ có đàn ông, thanh niên sang giúp việc nặng như: khuân vác, bốc xếp…”-già Chul nói thêm.
Trong sản xuất nông nghiệp, người Jrai thường không đi làm 2 buổi trong ngày như người Kinh mà thường làm “thông tầm” từ khoảng 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Cũng bởi đặc trưng này mà người đi làm đổi công thường mặc định tự đem theo phần cơm và nước uống của mình, gia chủ không phải lo lắng cơm nước cho nhóm người làm. Ngày nay, thói quen này ít nhiều có sự thay đổi. Để bày tỏ thịnh tình với người đổi công, gia chủ sẽ chuẩn bị cơm nước chăm lo cho mọi người. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã giúp giải phóng sức lao động, thời gian đổi công cũng rút ngắn đi nhiều.
Việc đổi công trong cộng đồng người Jrai không chỉ diễn ra trong sản xuất nông nghiệp, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác cần huy động công sức của nhiều người như: dựng nhà cửa, làm kho thóc, làm chuồng trại… “Năm 2018, vợ chồng mình cất nhà, anh em trong làng giúp công là chủ yếu vì nhà nhỏ. Mình và vợ ghi lại đầy đủ ai giúp bao nhiêu ngày, nhớ kỹ để khi gia đình họ có việc hay dựng nhà, vợ chồng mình sắp xếp đến “trả công”, như vậy mới có trước, có sau”-anh Siu Wên (làng Phung, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) chia sẻ. Vì vậy, đổi công đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt, sản xuất, là sợi dây gắn kết cộng đồng, níu giữ tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt.
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm