Đội S.O.S y tế phản ứng nhanh chỉ có 2 người nhưng hỗ trợ nhiều người chống dịch...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đội S.O.S y tế phản ứng nhanh chuyên hỗ trợ người dân, đặc biệt người nước ngoài sống ở P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức, TP.HCM) chống dịch, chỉ có 2 người tuy nhiên mọi chuyện ở địa phương đều nhiệt tình đáp ứng.
 
Chị Linh và Lâm trong một lần lên đường hỗ trợ người nước ngoài. Ảnh: Phạm Hữu
Chị Linh và Lâm trong một lần lên đường hỗ trợ người nước ngoài. Ảnh: Phạm Hữu
Gần 2 tháng qua, mỗi ngày tình nguyện viên Trần Thị Tuyết Linh và Từ Huy Lâm đều tham gia hỗ trợ những người nước ngoài chống dịch.
Tình cờ về cùng một đội
Cùng là cư dân sống ở P.Thảo Điền, chị Linh và Lâm đều muốn đăng ký tham gia tình nguyện chống dịch ở UBND P.Thảo Điền. Huy Lâm đang là sinh viên, chỉ học trực tuyến nên thời gian rảnh rất nhiều. Còn chị Linh đã có chồng con nhưng mỗi lần có hoạt động nào chị cũng hăng hái tình nguyện xông pha.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Bùi Quang Đức, Trưởng trạm y tế P.Thảo Điền, cho biết đội phản ứng nhanh P.Thảo Điền hoạt động theo phương pháp đường dây nóng sẽ trực tiếp đến nhà người dân thực hiện các công tác y tế. Nếu phát sinh các trường hợp nặng sẽ đưa bác sĩ đến khám, chuyển tuyến hoặc đưa vào khu thu dung P.Thảo Điền. Cũng theo bác sĩ Đức, đội S.O.S Linh và Lâm là thành viên trực thuộc tổ phản ứng nhanh của phường, thường xuyên tham gia công tác lấy mẫu và nhiệt tình với công việc, bất kể ngày đêm đều lên đường làm nhiệm vụ chống dịch.
Chị Linh và Lâm là những người không chuyên về ngành y, chỉ được huấn luyện theo một số chương trình sơ cấp. Cả hai cho rằng không ngại dịch bệnh, nên cũng đã chuẩn bị tâm lý mình sẽ là F0 bất cứ lúc nào, miễn sao giúp ích cho cộng đồng là được. Ban đầu, Lâm và chị Linh làm kết hợp cùng với nhiều lực lượng đi tuyên truyền về dịch cho người nước ngoài. Sau đó, cả hai tham gia đi lấy mẫu, hỗ trợ tiêm vắc xin và phát lương thực cho người dân.
 
Tình nguyện viên Trần Thị Tuyết Linh và Từ Huy Lâm có mặt khi người nước ngoài cần. Ảnh: NVCC
Tình nguyện viên Trần Thị Tuyết Linh và Từ Huy Lâm có mặt khi người nước ngoài cần. Ảnh: NVCC
“Hai tuần sau, phường lại thành lập thêm tổ S.O.S phản ứng nhanh ở trạm y tế, tôi lại về đó. Đội này chuyên trực phục vụ 24/24 cho người dân và người nước ngoài bị F0 khi cần hỗ trợ về y tế, sơ cấp cứu hay lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Tôi chọn Lâm về đội của mình, bởi Lâm thành thạo tiếng Anh và cách lấy mẫu cộng đồng. Cuối cùng đội này chỉ có 2 người túc trực”, chị Linh chia sẻ.
Theo Lâm, việc hỗ trợ, tư vấn cho người nước ngoài cần có năng lực ngoại ngữ tốt và hiểu biết về văn hóa các nước. Tuy nhiên, người nước ngoài ở P.Thảo Điền như một Liên Hiệp Quốc thu nhỏ, cho nên việc tiếp cận với từng nhóm người cũng gặp nhiều trở ngại về ngôn ngữ. Song chị Linh thông thạo tiếng Anh, Pháp, lắm lúc sử dụng được tiếng Hàn, Tây Ban Nha để đối đáp. Còn Lâm chỉ có tiếng Anh là nổi trội khi giao tiếp với người nước ngoài.
“Thường người nước ngoài không thích đeo khẩu trang, chúng tôi thường xuyên phải nhắc nhở. Thậm chí, nhiều người không hợp tác, cự cãi khi lấy mẫu. Tôi nhẫn nại nói chuyện từ tốn về chính sách của Chính phủ, thế là họ chấp hành”, chị Linh cho hay.
Lên đường bất kể giờ giấc
Đội S.O.S thành lập không có văn phòng, chỉ sử dụng đường dây nóng từ chính số điện thoại cá nhân. Chị Linh là người nhận mọi thông tin từ nhiều nguồn, sau đó sàng lọc rồi thông báo đến Lâm. Mỗi người được trang bị một thùng vật tư y tế, dùng xe máy len lỏi khắp các con đường lớn nhỏ ở P.Thảo Điền.
Lâm nói: “Vì hỗ trợ y tế là phải cấp thiết, chúng tôi lắm lúc không có giờ nghỉ trưa. Có những ca khẩn như đo huyết áp, SpO2, hay cấp cứu đơn giản chúng tôi đều làm được. Nếu cấp cứu khó quá, chúng tôi sẽ gọi đội y tế khác xuống để hỗ trợ. Ngồi ở nhà vậy chứ có cuộc gọi khẩn là chúng tôi chạy ngay”.
Không những đến nhà F0 phát thuốc, lấy mẫu, hỗ trợ nhu yếu phẩm mà đội phản ứng nhanh còn làm những việc không tên khác như tư vấn, hỗ trợ giấy tờ.
Mỗi ngày làm việc của đội là mỗi ngày tiếp cận với nguy hiểm, không chỉ gặp F0 được phát hiện sau lấy mẫu mà đội còn tiếp xúc hàng trăm người F0 ở khu thu dung.
Vừa tình nguyện nhưng Lâm vẫn vừa học trực tuyến trong mùa dịch. Có khi những cuộc gọi đột ngột, Lâm dừng học giữa chừng chạy đi giúp người. Đến khi về nhà, cậu lại tự mình tìm tài liệu rồi hì hục học tiếp. “Những lần Lâm cần tập trung không thể bỏ học giữa chừng, tôi là người thay Lâm lên đường. Bởi tôi nghĩ tuổi trẻ cần nhất là việc học. Còn tình nguyện là việc cả đời nên khi nào Lâm bận quá, tôi sẽ là người làm giúp Lâm”, chị Linh nói.
“Tôi mong rằng khi tiếp cận những ca nghi nhiễm, hy vọng đó không phải là F0. Điều tôi vui nhất là khi xét nghiệm tại nhà cho người nước ngoài không xuất hiện ca dương tính mà đó chỉ là tâm lý lo lắng quá mức mà thôi”, chàng trai tham gia đội S.O.S chống dịch nói.
Theo Phạm Hữu (TNO)

Có thể bạn quan tâm