Dịch bệnh kéo dài đã khiến nhiều bạn trẻ đang sống và làm việc tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam không thể về quê đón tết cùng gia đình.
Thời gian vừa qua, khi phải đối mặt với dịch Covid-19, nhiều người trẻ quyết định rời thành phố trở về quê. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bạn trẻ cố gắng ở lại phố thị, tiếp tục chống chọi với khó khăn kiếm sống. Một cái tết mới đang đến gần, họ lại tiếp tục đón tết xa quê và chỉ biết hứa hẹn qua điện thoại “Mẹ ơi, xuân sau con sẽ về!”.
Ông bà, ba mẹ già đi…
Hơn 10 năm qua, chị Lê Hồng Quyên, 31 tuổi, giáo viên mầm non và anh Nguyễn Trọng Phú, 32 tuổi, công nhân cùng quê Hà Tĩnh, đang sống tại Đồng Nai, ít khi được về quê dịp tết.
Vợ chồng chị Quyên chụp ảnh dịp tết 2021. Ảnh: NVCC |
“Trong lúc giãn cách căng thẳng vì dịch Covid-19, tôi nhận tin mẹ ốm nặng phải phẫu thuật, lòng như lửa đốt nhưng không thể làm được gì, tôi thấy mình có lỗi với mẹ vô cùng. Giờ cũng muốn về thăm mẹ vào dịp tết nhưng nghĩ lại suốt nhiều tháng không thể đi làm, không có lương nên hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau và mong mẹ thông cảm”, chị Quyên bộc bạch.
Dẫu không phải là lần đầu tiên tết xa nhà, thế nhưng với vợ chồng chị Quyên nó đặc biệt hơn khi năm vừa qua cả gia đình đi qua trận chiến với Covid-19. “Chúng tôi đã rất may mắn khi nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các y bác sĩ và chính quyền địa phương để chiến thắng Covid-19”, chị chia sẻ.
Tương tự, dịch bệnh kéo dài cũng đã ngăn cản Trần Nhân Tình, 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM trở về quê dịp tết.
“Vào dịp Tết Nguyên đán 2021, tôi đã ở lại TP.HCM, chỉ biết quẩn quanh với bốn bức tường, nhớ không khí rộn ràng, ấm cúng cùng cả nhà sửa soạn, nấu bánh chưng và cúng giao thừa. Năm nay có lẽ vẫn như thế”, Tình chia sẻ.
Hai năm không về quê thăm nhà, Tình cảm thấy có lỗi với gia đình, nhất là mẹ của mình. “Cả cuộc đời mẹ lam lũ, vất vả nên tôi luôn hy vọng làm mẹ vui ở tuổi xế chiều, trước là cuộc sống mình ổn định, sau có thể là những chuyến đi để mẹ thấy thoải mái. Thế nhưng, năm nay, mẹ già thêm nhưng mình vẫn chưa làm được gì”, cô nói.
Đợt bùng phát dịch bệnh vừa qua làm ảnh hưởng đến công việc khiến Tình gặp nhiều khó khăn hơn về tài chính. Chính vì thế, cô phải tạm gác lại kế hoạch trở về quê đón tết, nén lại nỗi nhớ mẹ để mạnh mẽ bước qua năm mới.
Phan Hiếu Nghĩa, 26 tuổi, trú tại Q.6, TP.HCM, quê Nghệ An hụt hẫng khi hai năm liên tiếp không thể về quê đón tết cùng ông bà ngoại.
“Tôi sống cùng ông bà cho đến lúc ba mẹ ổn định tại thành phố nên có nhiều kỷ niệm bên ông bà. Tết đến cũng là lúc ông bà già đi một tuổi thế nên gia đình tôi luôn cố gắng về đón tết cùng ông bà. Nhưng hai năm nay vì công việc và dịch bệnh, tôi không về được, rất nhớ những bữa cơm bà nấu, nhớ lúc được cùng ông nấu bánh chưng và ngồi canh bánh cùng các em trong nhà”, Nghĩa chia sẻ.
“Gọi điện thoại về, thấy ông bà mắt kém đi, tai nghe không còn rõ, mình xót lắm. Mình chỉ mong ông bà thật khỏe mạnh để những cái tết về sau vẫn được về quê thủ thỉ, gói bánh, nấu bánh cùng ông bà”, Nghĩa cho biết thêm.
Tình và mẹ vào dịp tết năm 2019. Ảnh: NVCC |
"Nhất định năm sau con sẽ về…"
Không thể về quê, gia đình chị Quyên lên kế hoạch gói bánh chưng cùng anh chị em trong xóm trọ. “Dù không về quê nhưng tôi vẫn mong các con cảm nhận được hương vị tết cổ truyền để các con luôn hướng về cội nguồn của mình. Chắc chắn, nhà tôi sẽ gọi về cho bố mẹ hai bên thăm hỏi và chúc tết họ hàng và hẹn tết sang năm nhất định sẽ về”, chị Quyên nói.
Đối với Tình, cô sẽ kiếm việc làm thêm dịp tết để có thêm thu nhập cũng như vơi bớt nỗi nhớ giữa những ngày tết ở nơi xa. Thời gian này, Tình cũng dành thời gian chuẩn bị chào đón năm mới với những kế hoạch chi tiết trong công việc và dành nhiều thời gian thăm hỏi mẹ nhiều hơn.
“Tôi chỉ mong năm mới dịch bệnh biến mất, cuộc sống trở lại như trước đây để có công việc ổn định, cả gia đình có nhiều sức khỏe để có thể cùng mẹ đi nhiều nơi hơn. Và chắc chắn, trước tiên mình muốn nói: Mẹ ơi, năm tới con sẽ về!”, cô khẳng định.
Bên cạnh đó, Nghĩa quyết định tranh thủ những ngày tết để bày tỏ tình cảm với ông bà ngoại ở xa và những người mình yêu thương - điều mà trước nay anh luôn e ngại.
“Tôi sẽ gọi về cho ông bà nhiều hơn trong dịp tết và bày tỏ tình cảm của mình với họ. Tôi hy vọng những lời chia sẻ, quan tâm có thể giúp tinh thần ông bà tốt hơn, tai nghe rõ hơn và mắt sẽ sáng hơn nhiều năm nữa. Năm sau, tình hình dịch bệnh ổn hơn, tôi cố gắng thu xếp công việc, về sớm để cùng ông bà chuẩn bị và ghi lại thật nhiều hình ảnh, khoảnh khắc bên ông bà”, Nghĩa nói.
Theo Di Yên (TNO)