(GLO)- Qua 2 năm triển khai, dự án Phát triển trẻ thơ toàn diện (PTTTTD) đã mang lại hiệu quả rõ rệt tại 9 xã của 3 huyện Kbang, Mang Yang và Krông Pa. Nhờ đó, trẻ em nghèo vùng sâu được quan tâm chăm sóc, bảo vệ và phát triển toàn diện.
Quan tâm giáo dục trẻ vùng sâu
Sáng 9-6, bà Rana Jane Flowers-Trưởng đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam cùng các thành viên trong đoàn đã có chuyến khảo sát mô hình thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng tại Trường Mầm non Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Đây là một trong 9 thư viện được UNICEF tài trợ tại các xã triển khai dự án, qua đó giáo dục trẻ có ý thức tự học, có tư duy sáng tạo ngay từ ngày đầu đến trường.
Bà Rana Jane Flowers-Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam tham gia một giờ tự học của học sinh Trường Mầm non Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) tại thư viện thân thiện. Ảnh: Đinh Yến |
Báo cáo với đoàn công tác, Hiệu trưởng Lê Thị Hường cho biết: Mô hình thư viện thân thiện được UNICEF tài trợ thông qua dự án PTTTTD tỉnh đi vào hoạt động từ đầu năm học 2019-2020. Điều đặc biệt là mô hình có sự chung tay đóng góp về kinh phí và công sức của chính quyền địa phương cùng tập thể giáo viên, phụ huynh. Với 276 học sinh, trong đó có 81% là người dân tộc thiểu số, thư viện thực sự mang lại một hướng đi mới trong công tác giáo dục trẻ em của trường. Cô giáo Đinh Thị Dung cũng cho hay: “Từ khi thư viện thân thiện đi vào hoạt động, chúng tôi lên kế hoạch phối hợp với phụ huynh xây dựng nhiều hoạt động trải nghiệm giúp trẻ rèn luyện kỹ năng, tìm hiểu thêm về một số làng nghề truyền thống… Sau khi thực hiện hoạt động này, trẻ phát triển ngôn ngữ rất tốt, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số đã mạnh dạn và tự tin hơn”.
Có 2 con đang theo học tại trường, chị Đinh Thị Bua (làng Dơng) vui mừng: “Ngày đầu đi học, thấy người lạ là con khóc thét. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, con đã mạnh dạn, tự tin, hòa đồng với các bạn, sáng nào cũng đòi đi học sớm để đến thư viện xem cách dệt thổ cẩm, học vẽ tranh”.
Là đơn vị thành viên của Ban Quản lý dự án PTTTTD, bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo-chia sẻ: “2 năm qua, 9 thư viện thân thiện dựa vào cộng đồng được UNICEF hỗ trợ triển khai ở 9 trường mầm non trong tỉnh đã phát huy hiệu quả. Tại đây, các em được trải nghiệm, sáng tạo nhờ những phương pháp giáo dục mới. Từ hiệu quả của mô hình, thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng với mục tiêu 100% cơ sở giáo dục mầm non trong tỉnh đều có thư viện thân thiện”.
Trong chuyến khảo sát, bà Rana Jane Flowers chia sẻ: “Cách giáo dục giúp trẻ tự lập, tự học là phương pháp giáo dục mà thế giới đang hướng đến. Việc giáo dục qua mô hình thư viện thân thiện có ý nghĩa quan trọng trong những năm đầu đời của trẻ, là sự đầu tư bền vững cho xã hội. Trẻ càng tăng cường khả năng tự lập, tự học thì sau này sẽ có tư duy sáng tạo, năng động”.
Để trẻ thơ phát triển toàn diện
Cùng với việc định hướng phương pháp giáo dục mới cho trẻ thông qua mô hình thư viện thân thiện, 2 năm qua, dự án PTTTTD còn triển khai hiệu quả nhiều hoạt động như: chương trình “Làm cha mẹ không ai hoàn hảo”; các hoạt động về chăm sóc y tế và dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ. Ngoài ra, các bà mẹ mang thai cũng được cấp phát viên đa vi chất; trẻ em 6-23 tháng tuổi được cấp, khuyến khích sử dụng gói bột đa vi chất để phòng ngừa thiếu vi chất và suy dinh dưỡng. Cán bộ y tế, quản lý giáo dục, bảo vệ trẻ em, giáo viên... đều được tham gia các chương trình nâng cao năng lực.
Đoàn công tác của UNICEF, Ban Quản lý dự án PTTTTD tỉnh khảo sát mô hình thư viện thân thiện tại Trường Mầm non Kông Lơng Khơng (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: U.N |
Ông Phạm Công Thành-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiêm Giám đốc Ban Quản lý dự án PTTTTD tỉnh-cho biết: Sau 2 năm triển khai dự án, hệ thống bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp tỉnh, huyện và 9 xã triển khai dự án được hỗ trợ vận hành, duy trì chế độ giao ban hàng tháng. Tại 9 xã đều đã thành lập được câu lạc bộ PTTTTD, tỷ lệ trẻ học mẫu giáo đạt trên 99%. Đặc biệt, dự án đã tổ chức được 411 buổi thảo luận nhóm với sự tham gia của 5.450 phụ huynh, người chăm sóc trẻ về các chủ đề PTTTTD. Chương trình “Làm cha mẹ không ai hoàn hảo” cũng đã tổ chức được 84 buổi thảo luận nhóm cho 1.008 ông bố, bà mẹ. Đến nay, tại các xã dự án có trên 65% phụ huynh, người chăm sóc trẻ và các thành viên cộng đồng có kiến thức, kỹ năng tham gia sử dụng dịch vụ PTTTTD, biết thực hành chăm sóc trẻ tại gia đình.
“Việc lồng ghép các chỉ tiêu liên quan đến trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn 2016-2018, tỉnh ta đã lồng ghép được 21 chỉ tiêu; giai đoạn 2019-2020 bổ sung thêm 15 chỉ tiêu; đến cuối năm 2020 có 36 chỉ tiêu liên quan đến trẻ em được đưa vào hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của UNICEF, tỉnh ta đã tổ chức hiệu quả các hội thảo tham vấn, vận động để rà soát và đề xuất các chỉ tiêu liên quan tới trẻ em”-ông Thành nhấn mạnh.
Ở lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em với hợp phần “Vì sự sống còn và phát triển trẻ em” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thực hiện, bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc phụ trách Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-khẳng định: “Sau 2 năm triển khai dự án PTTTTD, các ngành, địa phương đã ngày càng quan tâm thực hiện đầy đủ quyền tham gia của trẻ em như: tổ chức chương trình “Tiếp xúc, đối thoại giữa đại biểu HĐND với trẻ em”; diễn đàn trẻ em; mô hình “Phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật dựa vào cộng đồng...”.
UYÊN NGUYÊN