Trong “cơn lốc” đô thị hóa, nhiều giá trị văn hóa truyền thống dân tộc bị mai một dần. Để giúp các bạn trẻ quay về với nguồn cội, Huyện Đoàn Tuy Đức (Đắk Nông) lập câu lạc bộ (CLB) “Duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc M’nông”, tạo sân chơi bổ ích.
Sau những lần cùng CLB “Duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc M’nông” trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chị Thị Rhu ở buôn Bu Koh, xã Đắk Rtih (huyện Tuy Đức) mới nhận ra những ý nghĩa mà từ trước tới giờ chị không hay biết. Cũng như bao chàng trai, cô gái M’nông khác, Thị Rhu lớn lên trong bối cảnh nhiều giá trị văn hóa dân tộc bị tác động bởi “cơn lốc” đô thị hóa.
Bạn trẻ ở Tuy Đức (Đắk Nông) tìm hiểu cách dệt thổ cẩm truyền thống |
Những bộ quần áo hiện đại, âm nhạc sôi động, lối sống nước ngoài… dần lôi cuốn, hấp dẫn nhiều bạn trẻ. Âm thanh vang vọng của cồng chiêng, làn điệu dân ca, chóe rượu cần mang hương vị đặc trưng hay những bộ thổ cẩm truyền thống của người M’nông dần thưa vắng trong buôn làng, chỉ còn xuất hiện trong lễ hội, sự kiện mang tính lễ nghi.
“Tận thấy nghệ nhân dùng đôi bàn tay tài hoa dệt nên những tấm vải đầy màu sắc, tinh xảo, mình rất ngưỡng mộ và nhận ra trang phục truyền thống của dân tộc rất đẹp. Cách dệt không quá khó nếu mình có tình yêu nghề và kiên trì. Qua những chuyến trải nghiệm này, mình dự định học nghề may để biến tấu những tấm thổ cẩm thành trang phục hiện đại, năng động nhưng vẫn giữ gìn, quảng bá được vẻ đẹp truyền thống”, Thị Rhu chia sẻ.
“Khi dịch bệnh được kiểm soát, CLB “Duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc M’nông” sẽ tổ chức nhiều chuyến trải nghiệm thực tế, mở rộng đối tượng tham gia, tiến tới hình thành một chương trình tham quan phục vụ khách du lịch, giới thiệu, quảng bá văn hóa bản địa”. Anh Điểu Đông, Phó Bí thư Huyện Đoàn Tuy Đức (Đắk Nông) |
Hơn nửa đời gắn bó với khung cửi, nghệ nhân Thị Ai (ở xã Đắk Rtih) rất mừng khi lớp trẻ bắt đầu quan tâm đến văn hóa truyền thống, nhất là nghề dệt thổ cẩm. Bà kể, trước đây, số người biết dệt trong buôn rất nhiều nhưng theo thời gian đã mai một dần. Hiện tại, người còn ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có nhiều lý do khiến nghề dệt mai một, trong đó, việc không tìm được đầu ra cho sản phẩm là nguyên nhân chính.
“Tôi dệt thổ cẩm chủ yếu bán cho người dân xung quanh và theo đơn đặt hàng nhưng số lượng ít lắm. Vì thế nhiều người bỏ nghề, lớp trẻ không mặn mà. Người trẻ nhất trong buôn đang cầm cự với nghề cũng gần 40 tuổi. Do đó, khi lớp trẻ đến tìm hiểu, có ý định học nghề dệt, tôi rất vui, sẵn sàng truyền dạy, hy vọng có người kế thừa”, nghệ nhân Thị Ai cho biết.
Anh Điểu Đông, Phó Bí thư Huyện Đoàn Tuy Đức (Đắk Nông), kiêm Chủ nhiệm CLB “Duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc M’nông” cho biết, CLB có 12 thành viên, được thành lập năm 2021 với mong muốn gìn giữ, giới thiệu, đưa các bạn trẻ trong buôn làng đến gần hơn với văn hóa dân tộc mình. Tham gia CLB, các bạn trẻ có cơ hội trải nghiệm văn hóa đặc sắc của đồng bào M’nông như: Diễn tấu cồng chiêng, làm quen các làn điệu dân ca, dân vũ, cách ủ rượu cần, dệt thổ cẩm, đan lát…Qua chuyến trải nghiệm, các bạn thêm hiểu và yêu hơn văn hóa truyền thống dân tộc. Từ đó, mỗi người sẽ có cách bảo tồn, phát huy, gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc mình.
Anh Điểu Đông cho hay, do tác động của dịch COVID-19 nên việc tổ chức các chuyến tham quan thực tế của CLB bị gián đoạn. Dù không tổ chức được các buổi sinh hoạt bài bản, nhưng Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên nhắc nhở các thành viên chú tâm tìm hiểu, học tập cách dệt, ủ rượu cần…từ người thân trong gia đình.
https://tienphong.vn/dua-nguoi-tre-tro-ve-van-hoa-nguon-coi-post1430595.tpo
Theo HUỲNH THỦY (TPO)