Gặp gỡ những "nhà khoa học" trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trở thành sân chơi hấp dẫn, bổ ích dành cho học sinh trung học trong toàn tỉnh. Không chỉ mang đến một hình thức học tập mới mẻ, đây còn là nơi giúp các em thỏa sức thể hiện niềm đam mê của mình.
Tham gia tranh tài ở cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2019-2020 diễn ra từ ngày 18 đến 20-6 tại TP. Đà Nẵng, 4 học sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Hùng Vương đã xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ “nặng ký” trên cả nước để mang về 1 giải nhì và 1 giải tư cho tỉnh nhà. Hai dự án đạt giải lần lượt gồm: “Nghiên cứu khả năng đánh dấu và ức chế tế bào gốc ung thư từ hệ nano phát quang đất hiếm-kháng thể (TMC), định hướng điều trị đích căn bệnh ung thư” (gọi tắt là dự án về ung thư) thuộc lĩnh vực y học chuyển dịch của 2 em Lê Nhật Minh (lớp 10C2A) và Võ Trọng Nhân (lớp 10C5A); “Nghiên cứu phản ứng ghi nhớ stress hạn ở đậu tương Glycine Max (L.), định hướng tạo giống mới thích nghi với biến đổi khí hậu” (gọi tắt là dự án về đậu tương) thuộc lĩnh vực sinh học tế bào và phân tử của em Phạm Hoàng Bảo Vy (lớp 10C5B) và em Trịnh Thị Thanh Huyền (lớp 10C3B). Cả 2 dự án đều do TS. Phùng Thị Kim Huệ-giáo viên Trường THPT chuyên Hùng Vương hướng dẫn.
Đề tài giàu tính khoa học và thực tiễn
Nếu Huyền và Vy là đôi bạn thân từ khi học THCS thì Minh và Nhân lại quen biết rồi chơi thân trong khoảng thời gian cùng luyện thi vào lớp 10. Hiểu sở thích, khả năng của nhau nên khi biết đến cuộc thi khoa học kỹ thuật, các em đã không ngần ngại rủ bạn mình đăng ký tham gia để thỏa sức chinh phục đam mê. Tuy nhiên, vấn đề khiến 2 nhóm luôn trăn trở là làm thế nào để chọn được đề tài nghiên cứu vừa phù hợp với năng lực vừa mang tính thời sự, có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Minh và Nhân đã quyết định thực hiện một dự án liên quan đến bệnh ung thư. Lý giải về việc chọn đề tài này, Nhân cho hay: “Ung thư là loại bệnh nan y, khó điều trị và có tỷ lệ tử vong rất cao. Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số bệnh nhân ung thư mới trong năm 2035 sẽ là 24 triệu người, tăng 70% so với năm 2012. Năm 2018, Việt Nam có 165 ngàn ca mắc ung thư mới với hơn 70% trường hợp tử vong. Cả em và bạn Minh đều có người thân bị căn bệnh này nên rất mong muốn tìm ra cách điều trị dứt điểm. Vì thế, chúng em đã tìm gặp cô Huệ để được tư vấn và định hướng cho ý tưởng nghiên cứu này”.
Nhóm học sinh đạt giải (từ trái sang gồm Thanh Huyền, Bảo Vy, Trọng Nhân, Nhật Minh) trao đổi kinh nghiệm về quá trình nghiên cứu khoa học sau khi trở về từ cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: M.T
Nhóm học sinh đạt giải (từ trái sang gồm Thanh Huyền, Bảo Vy, Trọng Nhân, Nhật Minh) trao đổi kinh nghiệm về quá trình nghiên cứu khoa học sau khi trở về từ cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: M.T
Tiếp lời bạn đồng hành, Minh thông tin thêm: “Qua tìm hiểu, chúng em được biết, mức độ nguy hiểm của ung thư là do tế bào gốc ung thư gây ra, liên quan trực tiếp đến sự kháng thuốc, di căn, ung thư tái phát. Y học hiện đại vẫn đang tìm kiếm các phương thức hiệu quả để có thể phát hiện và ức chế chúng. Trong điều trị ung thư có nhiều liệu pháp nhưng hầu hết người bệnh được hóa-xạ trị để diệt tế bào ung thư, do đó phải chịu tác động trên toàn thân, gây ra nhiều tác dụng ngoại ý; hiệu quả điều trị vì thế thường rất thấp, dẫn đến tử vong. Do vậy, dự án chúng em hướng đến một phương pháp điều trị trực tiếp vào tế bào gốc ung thư mà không làm ảnh hưởng đến các tế bào lành còn lại dựa trên nền tảng của công nghệ nano và liệu pháp miễn dịch”.
Được sự hỗ trợ của Viện Khoa học Vật liệu và Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), Viện Nghiên cứu sức khỏe và Phát triển giáo dục Tây Nguyên cùng các chuyên gia đầu ngành, Nhân và Minh đã tiến hành thực nghiệm tìm kiếm kết quả. Qua đó, chế tạo thành công tổ hợp vật liệu nano Tb3+ từ đất hiếm và 2 loại kháng thể đơn dòng tạo hệ nano phát quang TMC; cho thấy tính hướng đích hiệu quả trong đánh dấu và ức chế tế bào gốc ung thư, thể hiện ưu thế vượt trội so với những vật liệu đang có trên thị trường.
Trong khi đó, Vy và Huyền lại chọn đề tài nghiên cứu gắn liền với cây đậu tương và nền sản xuất nông nghiệp. Huyền chia sẻ: “Đậu tương là thực phẩm duy nhất chứa hàm lượng protein như thịt, nhưng lại hơn thịt ở chỗ có thêm Isoflavones, vitamin, axit béo Omega… giúp hạn chế được các bệnh như béo phì, ung thư. Hội thảo khoa học quốc tế do Vinasoy tổ chức vào năm 2019 cũng đã khẳng định rằng đậu tương chính là thực phẩm vàng của thế kỷ XXI. Tuy nhiên, năm 2018, Việt Nam phải nhập khẩu 1,7 triệu tấn hạt đậu tương do sản xuất chỉ đáp ứng được 18% nhu cầu tiêu dùng. Việc giảm năng suất này chủ yếu là do biến đổi khí hậu liên quan đến yếu tố cực đoan (stress hạn) và đây cũng là mối nguy cho nhiều quốc gia. Chính vì thế, chúng em muốn thực hiện dự án này để tạo ra một giống đậu tương mới thích nghi với biến đổi khí hậu, góp phần tăng năng suất và sản lượng cây trồng”.

Cô Mai Thị Vui-Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hùng Vương: “Thành tích mà các em đạt được đã góp phần khẳng định thế mạnh của trường trong phong trào nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Thời gian qua, nhà trường đã dành nhiều sự quan tâm cho lĩnh vực này, luôn khuyến khích, khơi dậy đam mê sáng tạo nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đồng hành cùng học sinh trong mọi hoạt động thực hiện dự án. Bên cạnh đó, nhà trường còn tuyên truyền, vận động phụ huynh, các tổ chức và cá nhân tạo điều kiện để học sinh thực hiện thành công dự án; kịp thời động viên, khích lệ, tuyên dương những học sinh đạt thành tích cao”

Dưới sự hướng dẫn trực tiếp của TS. Phùng Thị Kim Huệ, sau 5 tháng nghiên cứu và tiến hành thực nghiệm tại phòng thí nghiệm sinh học thuộc Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Vy và Huyền đã chỉ ra sự biến động của các yếu tố sinh lý, hóa sinh và hệ gen biểu hiện của cây đậu tương trong điều kiện stress hạn; trong đó, hệ gen có vai trò quyết định. Đây được xem là một phát hiện quan trọng trong định hướng tạo ra giống mới thích nghi với biến đổi khí hậu, giúp tăng năng suất và chất lượng cây đậu tương.

Vượt khó để chinh phục đam mê
Với giá trị khoa học và khả năng ứng dụng thực tiễn cao, 2 dự án của các em đã giành được thứ hạng xứng đáng tại cuộc thi cấp trường, cấp tỉnh và mới đây là giải nhì, giải tư cấp quốc gia. Để đạt được thành tích ấy là cả một quá trình lao động sáng tạo nghiêm túc, với không ít khó khăn và thử thách phải vượt qua bằng chính bản lĩnh của những người làm khoa học.
“Mới chỉ là học sinh lớp 10, lại lần đầu tiên làm nghiên cứu khoa học, với chúng em không phải là chuyện dễ dàng. Chúng em đã khá vất vả trong quá trình nghiên cứu vì lượng kiến thức về lĩnh vực này rất sâu và rộng; tài liệu chủ yếu bằng tiếng Anh; thậm chí có nhiều khái niệm chuyên ngành chúng em không hiểu, phải nhờ đến giáo viên hướng dẫn hay các cố vấn khoa học. Thêm vào đó, thời gian được thực nghiệm cũng quá ít, trong khi phải tiến hành hơn 20 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm ít nhất 3 lần, chưa kể những lần thất bại buộc phải làm đi làm lại”-Minh tâm sự.
Hai em Lê Nhật Minh và Võ Trọng Nhân (thứ 7, 8 từ phải sang) nhận giải nhì tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Ảnh: Hà Ngọc Dư
Hai em Lê Nhật Minh và Võ Trọng Nhân (thứ 7, 8 từ phải sang) nhận giải nhì tại cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Ảnh: Hà Ngọc Dư
Tương tự, Vy cho hay, đề tài mà nhóm chọn để nghiên cứu tương đối khó, nhiều thí nghiệm phải thực hiện ở Seoul (Hàn Quốc). Ngoài ra, nhóm còn phải cân đối giữa thời gian làm dự án với học tập trên lớp sao cho hợp lý, hiệu quả. “Có những lúc rơi vào trạng thái thất vọng, chán nản khi liên tiếp thất bại, song vì đam mê, chúng em lại động viên nhau tiếp tục cố gắng và cuối cùng đã hoàn thành dự án”-Vy nhớ lại.
Trao đổi với P.V, TS. Phùng Thị Kim Huệ cho biết: “Khi tiếp nhận ý tưởng từ học trò, tôi thấy 2 đề tài này khá thú vị và đã từng bước giúp các em hình thành, hoàn chỉnh dự án. Các em đều rất đam mê, tự tin và đầy bản lĩnh; luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi trong quá trình nghiên cứu để bù đắp cho lượng kiến thức và kỹ năng còn thiếu hụt của bản thân. Tuy vậy, khó khăn mà cô trò phải đối mặt cũng không ít. Chẳng hạn: nơi thực nghiệm quá xa nên khó sắp xếp thời gian đi thực nghiệm; không được gặp gỡ chuyên gia tư vấn; một số thí nghiệm phải huy động sự hỗ trợ từ nhiều viện nghiên cứu khác nhau; kinh phí để thực hiện các dự án phải huy động từ gia đình và giáo viên hướng dẫn… Riêng dự án về ung thư là một nghiên cứu rất mới nên cô trò phải tự mày mò tìm hiểu, phải hội ý từ nhiều chuyên gia của Việt Nam”.
Cũng theo cô Huệ, giá trị khoa học, tính sáng tạo của 2 đề tài đã được chứng minh qua những bài báo công bố trên các tạp chí Việt Nam và quốc tế với hệ số ảnh hưởng rất cao. Đối với dự án về ung thư, phản biện từ bài đăng trong nước và quốc tế (tạp chí Applied Sciences), các nhà khoa học cho rằng, nếu nghiên cứu này hoàn thiện qua một số giai đoạn nữa thì sẽ là niềm vui cho những bệnh nhân ung thư. Họ còn so sánh dự án này với một dự án liên quan đã từng đạt giải Nobel Y học năm 2018 của 2 nhà khoa học người Mỹ và Nhật Bản. Còn dự án về đậu tương cũng đã được 1 doanh nghiệp đề nghị chuyển giao lại để họ tiếp tục nghiên cứu giống và đưa vào sản xuất tại Gia Lai.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm