Gia Lai: Cảnh sát Truy nã Tội phạm tâm huyết với nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm Công an tỉnh được thành lập theo Quyết định số 961/QĐ-PX13 ngày 30-8-2010 của Giám đốc Công an tỉnh. Nhận sự phân công, điều động của lãnh đạo Công an tỉnh, Đại tá Trần Quang Huy giữ chức vụ Trưởng phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm từ năm 2010 đến nay.

Phát huy sức mạnh tập thể

Qua sự giới thiệu, tôi tìm gặp Đại tá Trần Quang Huy trong một buổi chiều muộn, khi anh cùng đồng đội vừa “đánh án” trở về. Sau cái bắt tay chặt, biết tôi muốn viết về mình, Đại tá Huy từ chối: “Viết về tôi thì chẳng có gì nhiều, nếu muốn đồng chí nên viết về tập thể đơn vị”. Tuy nhiên, tôi vẫn xin được viết về anh. Bởi lẽ, anh đã gắn liền với từng bước trưởng thành của một lực lượng chiến đấu nhiều cam go, thử thách.


 

 Đại tá Trần Quang Huy-Trưởng phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm Công an tỉnh (người ngoài cùng bên trái) nhận bằng khen của Tổng cục Cảnh sát. Ảnh: L.A
Đại tá Trần Quang Huy-Trưởng phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm Công an tỉnh (người ngoài cùng bên trái) nhận bằng khen của Tổng cục Cảnh sát. Ảnh: L.A

Đại tá Trần Quang Huy từng giữ chức vụ Trưởng phòng Cảnh  sát Bảo vệ và Cơ động Công an tỉnh 16 năm-quãng thời gian khá dài của một đời đã hiện diện “chất thép” ở người chỉ huy dày dặn ấy. Để rồi, kinh nghiệm nghiệp vụ là hành trang quý khi anh nhận nhiệm vụ tại Phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm.

Anh tâm sự: “Những ngày đầu thành lập, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, lực lượng mỏng… Tôi cùng với cấp ủy, lãnh đạo đơn vị hướng dẫn, chỉ đạo cán bộ, chiến sĩ phát huy tinh thần đoàn kết để vượt qua hoàn cảnh, lập nhiều chiến công, bắt giữ hàng trăm đối tượng trốn nã ra chịu tội trước pháp luật”.

Đại úy Bùi Ánh Sáng-cán bộ Phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm Công an tỉnh, cho biết: “Cấp ủy, lãnh đạo đơn vị luôn nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ nêu cao nhận thức, tầm quan trọng của lực lượng trong công tác đấu tranh, truy bắt tội phạm. Đối tượng trốn nã thường rất manh động, liều lĩnh, xảo quyệt, sẵn sàng chống trả, sử dụng mọi thủ đoạn hòng thoát thân. Sẽ rất nguy hiểm cho cán bộ thực hiện nhiệm vụ và người dân nếu phương án theo dõi, tấn công, trấn áp đối tượng không được tính toán kỹ lưỡng. Dó đó, trinh sát khi nhận nhiệm vụ phải nắm rõ địa bàn, phối hợp chặt chẽ với Công an địa phương và thường xuyên báo cáo, tuân thủ nghiêm sự chỉ đạo từ cấp trên”.

Bên cạnh công tác chỉ đạo, Đại tá Huy còn nhiều lần trực tiếp tham gia cùng trinh sát, tổ chức truy bắt hàng chục đối tượng truy nã nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm lẩn trốn tại nhiều địa phương trên cả nước. Còn nhớ, vào tháng 10-2011, sau khi lập kế hoạch, Đại tá Trần Quang Huy dẫn đầu tổ công tác gồm 4 đồng chí tiến hành truy bắt các đối tượng tại các tỉnh phía Nam. Nhờ sự chỉ đạo sát sao từ cấp trên và công tác xác minh, phương án truy bắt cụ thể, trong vòng 1 tuần, 3 đối tượng truy nã lâu năm đã nhanh chóng bị bắt giữ tại Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, gồm: Nguyễn Ngọc Châu (SN 1952) bị truy nã về tội “Tham ô tài sản” từ năm 1997; Tạ Quang Luận (SN 1984) bị truy nã về tội “Cố ý gây thương tích” từ năm 2001 và Phùng Kim Hùng (SN 1963) bị truy nã về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trộm cắp tài sản” từ năm 1996.

Thức tỉnh lương tri tội phạm

Trong công tác đấu tranh với tội phạm truy nã thì “vận động đầu thú” là cách hữu hiệu nhất để đối tượng phạm tội được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước. Nắm vững yếu tố đó, Đại tá Huy đã thường xuyên quán triệt, hướng dẫn cán bộ, chiến sĩ làm tốt công tác vận động, thuyết phục, kêu gọi đầu thú. “Có rất nhiều đối tượng truy nã trong quá trình lẩn trốn đã lập gia đình, sinh con, là trụ cột gia đình. Vì vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tùy vào đối tượng, hoàn cảnh cụ thể mà có phương án đấu tranh hiệu quả, thấu tình, đạt lý…”-Đại tá Huy chia sẻ.

Anh kể: Vào tháng 3-2012, đơn vị tiến hành truy bắt đối tượng Phạm Văn Dũng (SN 1970) bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh ra quyết định truy nã về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” từ năm 2004. Biết tin bố đẻ của Dũng mới qua đời tại xã Ia Băng (huyện Chư Prông) chuẩn bị đưa về chôn cất tại huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên-Huế), tôi chỉ đạo 2 trinh sát thực hiện các quy trình vận động đầu thú. Phạm Văn Dũng nhận ra lỗi lầm và chủ động liên lạc với cơ quan Công an xin về dự tang bố, sau đó sẽ lên trình diện.

Sau khi bàn bạc thống nhất trong cấp ủy, chỉ huy đơn vị, anh đã đồng ý với đề nghị của Dũng. Mặt khác, anh trực tiếp thăm viếng, động viên gia đình Dũng, nắm bắt diễn biến, tâm lý đối tượng và chỉ đạo các trinh sát bí mật theo dõi, giám sát chặt chẽ. Đồng thời, 1 tổ trinh sát phối hợp với Phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tiến hành các biện pháp nghiệp vụ trong thời gian Dũng ở huyện Phú Vang. Nhờ sự quan tâm và khéo léo trong chỉ đạo, ngày 28-3-2012, Phạm Văn Dũng đã đến đầu thú.

Một trường hợp khác, vào ngày 15-12-2015, anh chỉ huy tổ công tác truy bắt thành công đối tượng Nguyễn Viết Thường (SN 1977) bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Chư Pah ra quyết định truy nã về tội “Trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa” từ năm 1999. Qua xác minh, biết Thường đang làm cán bộ y tế tại xã Ia Krai (huyện Ia Grai) và đã lấy vợ, có một con nhỏ. Trong quá trình lẩn trốn và làm việc tại đây, Thường thay đổi bản tính, là người hiền lành, được lòng bà con lối xóm, chính quyền xã ghi nhận. Bên cạnh đó, vợ Thường đang mang thai, gần đến ngày sinh. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Sau khi bắt giữ đối tượng, anh đã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền xã Ia Krai tổ chức thăm hỏi, động viên, đề nghị Bệnh viện Binh đoàn 15 tạo điều kiện giúp đỡ sản phụ.

Do hành vi của Nguyễn Viết Thường ít nguy hiểm cho xã hội, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và để thể hiện tính nhân văn của pháp luật, ngày 17-12-2015, Thường được tại ngoại. Cảm động trước sự quan tâm của lực lượng Công an, Thường đã đến Phòng Cảnh sát Truy nã Tội phạm Công an tỉnh cảm ơn.

 Lê Ánh

Có thể bạn quan tâm