Gia Lai đa dạng hóa hình thức tập hợp thanh niên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm qua, các tổ chức Đoàn-Hội trong tỉnh Gia Lai đã đa dạng hóa hình thức tập hợp thanh niên và tổ chức các phong trào, hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn.

Để chủ động nguồn quỹ sinh hoạt, năm 2015, Chi Đoàn làng Groi 1 (xã Glar, huyện Đak Đoa) mượn đất trống của làng để trồng 500 cây cà phê. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê phát triển xanh tốt. Hàng năm, Chi Đoàn có nguồn thu 40-60 triệu đồng. Năm 2021, đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trong làng còn nhận hái cà phê, gặt lúa thuê cho bà con để tăng nguồn quỹ. Chi Đoàn còn mua khung rạp, loa đài cho người dân thuê. Từ nguồn quỹ này, Chi Đoàn đã tổ chức các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao; tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ; giúp thanh niên khó khăn sửa chữa nhà; hỗ trợ vốn cho thanh niên phát triển sản xuất… Anh Thưi-Bí thư Chi Đoàn làng Groi 1-chia sẻ: “Chi Đoàn hiện có 125 ĐVTN, tham gia sinh hoạt thường xuyên. Thông qua hoạt động gây quỹ, Chi Đoàn đã tập hợp được ĐVTN, phát huy tinh thần đoàn kết”.

Đội cồng chiêng-múa xoang làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) thường xuyên luyện tập, tạo nơi giao lưu cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Phan Lài
Đội cồng chiêng-múa xoang làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) thường xuyên luyện tập, tạo nơi giao lưu cho đoàn viên, thanh niên. Ảnh: Phan Lài


Tại xã Glar, nhiều cơ sở Đoàn hiện có nguồn quỹ 30-50 triệu đồng. Hoạt động sôi nổi nên các tổ chức Đoàn thu hút nhiều bạn trẻ vào tổ chức. Trong năm 2021, toàn xã đã kết nạp 45 đoàn viên. Anh Hỡm-Bí thư Đoàn xã Glar-cho biết: “Đoàn viên thanh niên trong xã đa số là người dân tộc thiểu số. Trước khi tổ chức phong trào hay hoạt động, Ban Chấp hành Đoàn tổ chức họp, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng cũng như tìm hiểu những khó khăn của ĐVTN, từ đó bàn bạc và đưa ra giải pháp phù hợp. Chính vì thế, ĐVTN thêm tin tưởng, gắn bó với tổ chức Đoàn-Hội và tích cực tham gia phong trào, hoạt động”.

Nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống cũng như tạo môi trường để đoàn kết, tập hợp thanh niên, đầu năm 2021, Đoàn xã và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam xã Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng-múa xoang ở làng Ia Gri. Câu lạc bộ thu hút 35 ĐVTN tham gia. Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 2 lần/tuần. Dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, già làng, các thành viên Câu lạc bộ thường xuyên luyện tập và trình diễn những bài chiêng truyền thống của người Jrai.

Anh Đỗ Đức Thanh (bìa trái)-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh tặng mô hình sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo xã Hà Đông (huyện Đak Đoa). Ảnh: Phan Lài
Anh Đỗ Đức Thanh (bìa trái)-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tặng mô hình sinh kế cho thanh niên dân tộc thiểu số, tín đồ tôn giáo xã Hà Đông (huyện Đak Đoa). Ảnh: Phan Lài
Anh Đỗ Đức Thanh-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh: Năm 2021, các tổ chức Đoàn-Hội đa dạng hóa hình thức tổ chức, đổi mới nội dung phù hợp với điều kiện của từng địa phương, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động. Đặc biệt, các hoạt động, phong trào tình nguyện hướng về cơ sở, công tác Đoàn-Hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm tập hợp đông đảo ĐVTN vào tổ chức.

Thời gian qua, Tỉnh Đoàn và Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với các đơn vị thường xuyên mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật; tặng cây giống, vật nuôi giúp đoàn viên, hội viên thanh niên tiếp cận với kiến thức mới để phát triển sản xuất. Các tổ chức Đoàn-Hội ở cơ sở cũng chủ động xây dựng các mô hình giúp đỡ thanh niên yếu thế; hỗ trợ thanh niên tôn giáo thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Anh Nay Winh-Bí thư Huyện Đoàn Chư Sê-thông tin: “Để nâng cao hiệu quả các phong trào thì lãnh đạo Đoàn-Hội ở cơ sở phải “nói được, làm được”. Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam huyện thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ năng sinh hoạt cho đội ngũ cán bộ Đoàn-Hội cơ sở”.
 

 PHAN LÀI

 

Có thể bạn quan tâm