Gia Lai: Điểm sáng giáo dục học sinh dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Phú Thiện (Gia Lai) là đơn vị “sinh sau đẻ muộn” nhưng đã nhanh chóng vươn lên vị trí tốp đầu toàn tỉnh về chất lượng giáo dục dân tộc. Sau 5 năm kiên trì xây dựng môi trường giáo dục chuyên biệt toàn diện, năm học 2018-2019, ngôi trường này đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
“Một phút nhặt rác trong giờ ra chơi”
Suốt 3 năm nay, nhóm bạn của Rơ Mah Siu Anh Duy (lớp 9.1) đã quen với việc dành thời gian nhặt rác, nhổ cỏ trong các bồn hoa vào giờ ra chơi. Dưới bóng cây rợp mát, Duy và các bạn cùng nhau lao động, chuyện trò vui vẻ. Duy nói: “Sân trường ngày càng sạch sẽ, các bạn trong trường ai thấy rác cũng nhặt ngay và ít xả rác hơn”. Không chỉ giữ vệ sinh trường lớp, thói quen nhặt rác còn giúp các em học sinh ý thức hơn về việc bảo vệ môi trường sống tại gia đình.
 Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Phú Thiện tham gia phong trào “Một phút nhặt rác trong giờ ra chơi”. Ảnh: N.G
Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Phú Thiện tham gia phong trào “Một phút nhặt rác trong giờ ra chơi”. Ảnh: N.G
“Một phút nhặt rác trong giờ ra chơi” là cách mà Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Phú Thiện giáo dục học sinh ý thức tự giác giữ vệ sinh chung từ sân trường đến khu nội trú. Chỉ một phút nhặt rác, việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa lớn đã giúp môi trường giáo dục ở đây sạch sẽ, mang lại nhiều thiện cảm cho người ghé thăm. Phong trào này được Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh nhà trường phát động và duy trì suốt 3 năm qua. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho các em trồng rau, làm giàn trồng bầu, mướp để cải thiện bữa ăn, qua đó biết yêu lao động.
Môi trường giáo dục xanh-sạch-đẹp-an toàn là một trong những yếu tố giúp học sinh hoàn thiện các kỹ năng sống để học tập tốt hơn. 98,6% học sinh toàn trường đạt hạnh kiểm khá-tốt; gần 43% học sinh đạt học lực khá-giỏi hàng năm với nhiều giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, giúp ngôi trường này vượt xa tiêu chuẩn về chất lượng giáo dục trong tiêu chí đánh giá trường đạt chuẩn quốc gia. Thầy Nay Yel-Hiệu trưởng nhà trường-bày tỏ: “Nhà trường rất tự hào về học sinh khi các em ngoan ngoãn và phát huy được tinh thần hiếu học. Cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, chúng tôi đã hoàn thành mục tiêu xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện”.
Khuyến khích bảo tồn, phát huy bản sắc
Thầy Lê Văn Tàu-Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở Giáo dục và Đào tạo): “Tuy là đơn vị mới được thành lập nhưng đến nay Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Phú Thiện đã đảm bảo các tiêu chí về xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, trở thành trường thứ 11 đạt chuẩn quốc gia trong số 15 trường phổ thông dân tộc nội trú THCS trên địa bàn tỉnh. So với các đơn vị khác trong hệ thống, ngôi trường này phát triển khá nhanh, khẳng định được thương hiệu bằng chất lượng giáo dục và môi trường xanh-sạch-đẹp-an toàn”.

Với em Vi Thị Hà Phú (lớp 7.3), niềm vui lớn khi theo học tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Phú Thiện là được mặc bộ váy truyền thống của dân tộc Thái vào thứ hai hàng tuần. “Em tự hào về dân tộc mình và em cũng rất thích ngắm các bạn khác mặc trang phục truyền thống. Các bộ trang phục dân tộc khiến trường em thêm nhiều màu sắc, nhìn sinh động, rất thích” 
Với mong muốn giáo dục học sinh tình yêu và niềm tự hào dân tộc, nhiều năm qua, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Phú Thiện đã đưa quy định mặc đồ truyền thống dân tộc vào nội quy nhà trường. Có hơn 70% học sinh dân tộc Jrai, 10% học sinh dân tộc Bahnar và 20% học sinh các dân tộc khác nhưng trường đã tạo ra khối đoàn kết, biến ngôi trường nhiều dân tộc anh em trở thành một gia đình thực sự.
Bên cạnh đó, nhà trường còn là đơn vị đi đầu trong các phong trào văn hóa-văn nghệ, thể dục thể thao. Trò chuyện cùng P.V, thầy Nguyễn Nhật Trường-Tổng phụ trách Đội của trường-nói thêm: “Chú trọng giữ gìn và phát huy truyền thống các dân tộc, chúng tôi khuyến khích các em học tập, tìm hiểu văn hóa bản địa thông qua những hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt nội trú. Hiện tại, nhà trường rất mong có một bộ cồng chiêng để các em có điều kiện tập luyện, biểu diễn. Qua theo dõi, tôi thấy nhiều em rất đam mê loại hình nghệ thuật truyền thống này”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm