Nhóm “Chung tay” phối hợp với Công đoàn Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai trao nhà cho ông Puih Yot (xã Ia Tô). Ảnh: T.B |
Mỗi năm, nhóm có những hoạt động thiện nguyện nổi bật như: Trung thu cho em, Tết ấm áp yêu thương, Bữa cơm từ thiện... được chính quyền địa phương đánh giá cao. Ngoài ra, nhóm còn trao tặng cây giống cho các hộ gia đình khó khăn, kêu gọi hỗ trợ cho các bệnh nhân đang cần kinh phí điều trị. Trong quá trình đi tổ chức chương trình tình nguyện ở các làng, nhóm “Chung tay” đã khảo sát các gia đình khó khăn về nhà ở để kêu gọi giúp đỡ. Vào tháng 5-2019, nhóm “Chung tay” đã phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Grai xây dựng nhà tình nghĩa rộng 24m2 với kinh phí 40 triệu đồng cho gia đình ông Puih Yot (SN 1944, làng Nang, xã Ia Tô, huyện Ia Grai). Ngoài ra, nhóm còn tặng gia đình giường ngủ, đào giếng và tặng máy bơm nước; những phần quà này đã tiếp thêm động lực để gia đình ông Yot vươn lên cải thiện đời sống trong tương lai.
Dù không thể nhìn thấy căn nhà, nhưng ông Puih Yot vẫn mò mẫm sờ tay vào bức tường mới xây và không giấu được niềm xúc động. “Mình bị mù 2 mắt, sống cùng vợ chồng người con gái nhưng hoàn cảnh quá khó khăn, cả đời mình không bao giờ dám mơ đến một ngôi nhà xây vững chãi thế này. Được sự giúp đỡ của nhóm tình nguyện, gia đình mình từ nay không còn phải lo lắng mỗi khi trời mưa bão”-ông Puih Yot chia sẻ.
Ngoài căn nhà đã trao tặng gia đình ông Puih Yot, hiện tại, nhóm Chung tay đang kêu gọi các Mạnh Thường Quân hỗ trợ kinh phí xây nhà cho ông Puih Tiếu (làng Krung, xã Ia Tô, huyện Ia Grai), ông Rơ Mah Phí (làng Châm, xã Ia Grăng, huyện Ia Grai)… Những hoạt động của nhóm tình nguyện đã được chính quyền địa phương đánh giá cao; đặc biệt, với những người được giúp đỡ, họ cảm thấy hạnh phúc khi nhận được sự yêu thương, quan tâm của mọi người.
“Hạc giấy Tây Nguyên” cũng là một trong những nhóm thiện nguyện có nhiều hoạt động nổi bật tại các làng khó khăn của 2 huyện Chư Sê và Chư Pưh. Thành lập từ năm 2013, nhóm có 50 thành viên chính thức và hàng trăm thành viên khác. Mỗi năm, nhóm tổ chức khoảng 6-7 chương trình, kinh phí tổ chức mỗi chương trình 10-15 triệu đồng. Định kỳ hàng tháng, nhóm họp lấy ý kiến các thành viên về hoạt động sắp tới. Đồng thời, nhóm chủ động kết nối với tổ chức Đoàn cấp xã khảo sát địa điểm tình nguyện để lên danh sách đối tượng cần hỗ trợ, tránh bị trùng lắp hoặc bỏ sót. Cách thức gây quỹ của nhóm khá đa dạng như: đăng tải thông tin về hoạt động sắp tới trên trang Facebook để kêu gọi sự giúp đỡ, tổ chức đêm nhạc gây quỹ, vận động sự đóng góp của các doanh nghiệp trên địa bàn từ mối quen biết của các thành viên…
Sau 6 năm đi vào hoạt động, nhóm đã đến trao quà tại tất cả các xã trên địa bàn 2 huyện Chư Pưh và Chư Sê. Tùy vào từng chương trình, phần quà có thể là xe đạp, sách vở, quần áo, gạo… cho các em học sinh và gia đình có hoàn cảnh khó khăn. “Tất cả thành viên của nhóm đều tham gia với tinh thần tự nguyện, mong muốn sẻ chia, giúp đỡ những em nhỏ, bà con còn khó khăn trong cuộc sống. Niềm vui, nụ cười hạnh phúc của bà con khi nhận được quà chính là động lực để chúng tôi cố gắng nhiều hơn trong những hoạt động kế tiếp”-anh Nguyễn Đại Nguyên-Trưởng nhóm thiện nguyện “Hạc giấy Tây Nguyên”-chia sẻ.
Ngoài những nhóm tình nguyện nói trên, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều nhóm thiện nguyện tự phát khác như: “Gia đình yêu thương”, “Tuổi trẻ Chư Pah”, “Tương lai xanh”… Mỗi nhóm có một phương thức hoạt động khác nhau nhưng đều ý nghĩa, qua đó cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương quan tâm, động viên kịp thời những hoàn cảnh khó khăn, tiếp thêm niềm tin trong cuộc sống.