Giờ ngoại khóa "chơi mà học": Sáng tạo, hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, các trường THPT trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã tích cực triển khai nhiều hoạt động ngoại khóa “chơi mà học” đầy sáng tạo, hiệu quả. Qua đó, giúp học sinh củng cố lại kiến thức trên lớp và tự tin vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.
Với tâm thế phấn khởi, hơn 250 học sinh khối 11 Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) đã cùng nhau tề tựu về Nhà đa năng của trường để tham gia buổi ngoại khóa với chủ đề “Kỹ năng mắc mạch điện trong gia đình” do Tổ Toán-Vật lý tổ chức. Bốn đội đại diện cho các lớp lần lượt tranh tài ở 2 phần thi: kiến thức và kỹ năng. Nếu ở phần thi đầu, đội chơi chứng tỏ sự hiểu biết của mình về điện và cách xử lý những sự cố đơn giản về điện trong đời sống thì đến phần thi thứ 2, các em được trình diễn kỹ năng về mắc mạch điện cơ bản trong gia đình dựa trên những kiến thức đã học.
Em Y Hồng (lớp 11A3) hào hứng nói: “Buổi ngoại khóa thật sự thú vị và bổ ích, giúp chúng em dễ dàng ghi nhớ những kiến thức đã được học trên lớp. Không chỉ thế, hoạt động này cũng có tính ứng dụng rất cao. Bởi lẽ, chúng em có thể giúp bố mẹ xử lý một số tình huống đơn giản về điện tại nhà. Trước đó, em cũng từng được tham gia buổi ngoại khóa “Hóa-Sinh với cuộc sống”. Ngoài củng cố kiến thức đã học, chúng em còn được trải nghiệm các phản ứng hóa học vui như: trứng tự chui vào lọ, không có lửa mà có khói, dung dịch nhiệm màu…; đồng thời, ứng dụng kiến thức môn Sinh học để tạo ra một số sản phẩm lên men lactic có lợi cho sức khỏe và làm đẹp”.
Buổi ngoại khóa với chủ đề “Kỹ năng mắc mạch điện trong gia đình” của Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh). Ảnh: Mộc Trà
Buổi ngoại khóa với chủ đề “Kỹ năng mắc mạch điện trong gia đình” của Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh). Ảnh: Mộc Trà
Năm học 2020-2021, Trường THPT Ya Ly có 17 lớp với 728 học sinh, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 50%. Thầy Dương Công Luật-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Chúng tôi đã phân công từng tổ chuyên môn xây dựng nội dung hoạt động ngoài giờ lên lớp theo chủ đề từng tháng gắn với chương trình học. Theo đó, từ tháng 9 đến nay, trường đã tổ chức được nhiều hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, thiết thực với các chủ đề: “Văn học dân gian”, “Hóa-Sinh với cuộc sống”, “Kỹ năng mắc mạch điện trong gia đình”, “Merry Christmas and Happy New Year”… thu hút đông đảo học sinh tham gia. Thông qua hoạt động này, nhiều học sinh, nhất là học sinh dân tộc Jrai, đã dần hình thành và rèn luyện cho mình những kỹ năng cơ bản liên quan đến kiến thức các môn học, từ đó ứng dụng vào phục vụ trực tiếp cho cuộc sống tại gia đình và cộng đồng trên một số lĩnh vực”.
Cũng với mục tiêu giúp học sinh có khả năng vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn, những năm qua, Trường THPT Pleiku thường xuyên tổ chức các chương trình ngoại khóa ý nghĩa. Trong số đó, cuộc thi “Viết thư gửi mẹ bằng tiếng Anh” là hoạt động nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía học sinh và đọng lại nhiều xúc cảm.
Cô Nguyễn Thị Đông Hải-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Để “đánh thức” giá trị của thư tay, Câu lạc bộ Tiếng Anh đã phối hợp với Đoàn trường tổ chức cuộc thi “Viết thư gửi mẹ bằng tiếng Anh” nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10). Sau khi phát động, Ban tổ chức nhận được 1.538 bức thư của học sinh toàn trường tham gia vòng sơ khảo, từ đó tuyển chọn ra 55 bức thư hay vào vòng chung khảo. 9 bức thư xuất sắc nhất ở cả 3 khối lớp đã được trao thưởng nhằm động viên, khích lệ tinh thần các em. Thông qua hoạt động này, nhà trường cũng muốn hiểu rõ hơn nhận thức, tính cách, tâm tư, nguyện vọng và hoàn cảnh gia đình của từng học sinh, từ đó có sự tư vấn và hỗ trợ kịp thời đối với những trường hợp bất ổn tâm lý, giúp các em lấy lại cân bằng, yên tâm học tập.
Bức thư của em Thiều Thị Phương Anh (lớp 10D1, Trường THPT Pleiku) đạt giải nhất tại cuộc thi “Viết thư gửi mẹ bằng Tiếng Anh” do trường tổ chức. Ảnh: Mộc Trà
Bức thư của em Thiều Thị Phương Anh (lớp 10D1, Trường THPT Pleiku) đạt giải nhất tại cuộc thi “Viết thư gửi mẹ bằng tiếng Anh” do trường tổ chức. Ảnh: Mộc Trà
Là 1 trong 2 học sinh đạt giải nhất tại cuộc thi, em Thiều Thị Phương Anh (lớp 10D1) chia sẻ: “Em khá bất ngờ khi bức thư của mình được trao giải nhất. Đây chính là động lực để em tiếp tục phấn đấu học tốt hơn nữa bộ môn này. Cuộc thi không chỉ giúp em được rèn luyện, nâng cao kỹ năng viết tiếng Anh và cải thiện lối hành văn của mình mà còn là cơ hội để bộc bạch tâm sự với mẹ về những điều mà trước đây em rất khó nói trực tiếp. Sau cuộc thi, em tự nhủ sẽ thường xuyên tâm sự với mẹ bằng cách viết thư. Em cũng mong nhà trường và các tổ bộ môn tiếp tục tổ chức thêm nhiều chương trình, hoạt động ngoại khóa thiết thực để chúng em có điều kiện được trải nghiệm và học tập từ chính thực tiễn”.
Theo cô Hải, thời gian đến, Trường THPT Pleiku tiếp tục duy trì hiệu quả các hoạt động ngoại khóa mang tính trải nghiệm tùy theo từng môn học. Chẳng hạn, tổ chức cho học sinh tham quan các di tích lịch sử, vườn ươm-cấy mô giống, thực hành quản trị tài chính cá nhân, tham gia phiên tòa giả định-giáo dục pháp luật…
Có thể nói, bằng việc cùng nhau thực hiện các hoạt động từ lớp học đến cộng đồng, từ sân trường đến các điểm hẹn văn hóa, lịch sử…, các trường đã xây dựng nên những giờ “học mà chơi-chơi mà học” đầy sinh động và hiệu quả. Chính sự sáng tạo trong các chương trình ngoại khóa đã giúp học sinh chủ động, hứng thú hơn trong việc tiếp nhận kiến thức mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở từng đơn vị, địa phương.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm