Giờ ra chơi trải nghiệm, sáng tạo: Góp phần giảm áp lực cho học sinh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với mục đích tạo ra những giờ ra chơi vui vẻ, tràn ngập tiếng cười, vơi bớt áp lực học tập cho học sinh, nhiều trường học đã triển khai hiệu quả mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm, sáng tạo”.
Để kích thích sự sáng tạo và khéo léo của đội viên, từ đầu năm học 2019-2020, Liên đội Trường Tiểu học Nay Der (xã Ia Kênh, TP. Pleiku) đã triển khai hoạt động ghép tranh bằng lá cây vào giờ ra chơi (kéo dài 20 phút). Do được thông báo về hoạt động này từ trước, các đội viên đã chuẩn bị những vật liệu dễ kiếm như: lá cây, cành khô, màu vẽ và 1 tờ giấy trắng khổ A3 hoặc A4. Tùy vào sự sáng tạo, khéo léo, các em được hướng dẫn để tạo thành bức tranh con vật, phong cảnh... tùy sở thích và cảm nhận. Cứ thế, những chú cá đang bơi lội, những chú chim nhiều màu sắc, những cây xanh đang đâm chồi nảy lộc… dần dần hiện ra thật sinh động, bắt mắt.
 Những bức tranh được ghép bằng lá cây của học sinh Trường Tiểu học Nay Der (xã Ia Kênh, TP. Pleiku). Ảnh: T.B
Những bức tranh được ghép bằng lá cây của học sinh Trường Tiểu học Nay Der (xã Ia Kênh, TP. Pleiku). Ảnh: T.B
 
Anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-cho hay: “Mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” được triển khai từ năm học 2018-2019. Theo đó, Hội đồng Đội các huyện, thị xã, thành phố lựa chọn 1 liên đội tiểu học và 1 liên đội THCS để triển khai thí điểm mô hình. Bên cạnh đó, chúng tôi khuyến khích các liên đội thường xuyên đăng tải những bài viết, hình ảnh về mô hình lên mạng xã hội để tạo sự lan tỏa, nhân rộng. Vì vậy, ngoài các trường thí điểm, nhiều liên đội đã chủ động triển khai mô hình giúp đội viên có cơ hội vui chơi, trải nghiệm những hoạt động thú vị. Nhờ những giờ ra chơi này, các em đội viên giảm được căng thẳng, thoải mái tinh thần để tiếp thu kiến thức trên lớp tốt hơn”.

Với hoạt động được tổ chức 2 lần/tháng này, các đội viên rất háo hức, mong chờ, không khí giờ ra chơi vì thế cũng sôi nổi hơn hẳn ngày thường. Say sưa cắt tỉa những chiếc lá để trang trí hình con thuyền trên biển, em Rơ Châm Pyuch (lớp 5/2) chia sẻ: “Những vật liệu dùng để ghép tranh rất dễ kiếm, chúng em không phải tốn tiền mua. Giờ ra chơi ý nghĩa này giúp chúng em thể hiện sự hiểu biết về thế giới xung quanh. Em rất thích và mong hoạt động này sẽ được tổ chức thường xuyên”.
Ngoài trường chính, Liên đội Trường Tiểu học Nay Der cũng triển khai hoạt động này ở 3 điểm trường lẻ. Với những giờ ra chơi khác, đội viên có thể tập thể dục, nhảy dân vũ, chơi trò chơi dân gian, chăm sóc bồn hoa hay đánh cờ vua. Cô Lê Thị Xuân-Tổng phụ trách Đội-chia sẻ: “Trường có 515 học sinh. Trước khi triển khai hoạt động, Ban Chỉ huy Liên đội đã lấy ý kiến của các em. Với hoạt động ghép tranh từ lá cây, những sản phẩm đẹp sẽ được lựa chọn để trưng bày trong phòng truyền thống Đội và trong mỗi lớp học”.  
Bắt đầu triển khai mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm, sáng tạo” vào học kỳ II năm học 2018-2019 và duy trì đến nay, Liên đội Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Mlah, huyện Krông Pa) cũng đã kích thích sự khéo léo của đội viên với hoạt động trồng cây trong chai nhựa, ly nhựa. Từ những chai nhựa bỏ đi, các em cắt và tạo hình chậu cây, trang trí bằng những hình vẽ yêu thích rồi trồng cây xanh. Em nào cũng cẩn thận, chăm chút cho sản phẩm của riêng mình. Các chậu cây sau khi hoàn thành sẽ được sắp xếp trên hành lang của mỗi lớp hoặc treo lên cây xanh trong khuôn viên của trường. Hoạt động này vừa giúp các em nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tạo ra nhiều sản phẩm điểm tô cho không gian trường học thêm xanh-sạch-đẹp, vừa là cơ hội để các em phát huy sự khéo léo. “Em rất vui vì thấy những cây xanh lớn lên mỗi ngày. Hoạt động này giúp chúng em thoải mái tinh thần để bước vào tiết học mới”-em Đồng Thị Thu Hồng (lớp 9) bày tỏ.
Mô hình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” được Liên đội Trường THCS Lê Lợi triển khai 2 lần/tháng. Để tránh nhàm chán, hoạt động trải nghiệm thường xuyên thay đổi, có thể chơi trò chơi dân gian, nhảy dân vũ hay đọc sách... Cô Trần Thị Thu Thúy-Tổng phụ trách Đội-chia sẻ: “Khi đổi mới giờ ra chơi, các em học sinh đều cảm thấy rất thích thú. Đặc biệt, hoạt động trồng cây giúp các em thay đổi thói quen vứt rác bừa bãi và biết phân loại rác thải nhựa”.
Tùy vào điều kiện thực tế của từng trường học, các liên đội có thể sáng tạo mô hình, cách làm phù hợp, hiệu quả. Trường THCS Lê Lợi (xã Ia Broăi, huyện Ia Pa) tổ chức thi vẽ tranh, nhảy sạp; Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) triển khai các trò chơi dân gian; Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pah tổ chức thi kéo co, nhảy dây, chăm sóc cây xanh; Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Krông Pa cho các em chăm sóc vườn rau sạch của trường…
 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm