Thời sự - Bình luận

Giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cần bảo vệ các thầy cô để giữ sự tôn nghiêm của nghề giáo, nhưng làm thế nào để đảm bảo cơ chế giám sát của xã hội, cơ chế bảo vệ tự thân của chính nhà giáo cả về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức của nghề đặc biệt này ?

Dự thảo luật Nhà giáo quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, trong đó không công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền…

Không ít nhà giáo chia sẻ trong bối cảnh mọi thông tin, hình ảnh đều được đưa lên mạng xã hội dù được kiểm chứng hay chưa như hiện nay cộng với các quy định mới của ngành về khen thưởng, kỷ luật học sinh (HS) theo hướng "lấy HS làm trung tâm", nhiều giáo viên (GV) phải chịu áp lực không đáng có, dẫn đến đôi khi bất lực khi HS không tích cực học tập, thiếu lễ phép, tôn trọng thầy cô.

Trong một số trường hợp GV thấy cần thực hiện biện pháp giáo dục, kỷ luật HS lại rất khó, phần vì không có quy định cụ thể, phần vì e ngại có thể phải đối diện với phản ứng tiêu cực từ dư luận xã hội. Hậu quả là không ít GV lựa chọn cách ứng xử tiêu cực, buông xuôi, làm việc cầm chừng… Lâu dần nhiều GV trở nên chán nản, cảm thấy không được thực sự tự chủ trong công việc, thiếu sự tôn trọng, hợp tác, chia sẻ của HS và cha mẹ HS.

Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới không ít GV muốn chuyển nghề, bỏ nghề.

Tuy nhiên, tại nghị trường Quốc hội, cũng có không ít đại biểu cho rằng cần xem xét lại quy định không công khai thông tin trong quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của nhà giáo. Bởi hoạt động của nhà giáo không phải là bí mật quốc gia và nhà giáo cũng như mọi công dân trong mọi lĩnh vực khác của xã hội, trong quá trình hoạt động phải tuân thủ mọi quy định pháp luật và phải chịu sự giám sát của nhân dân, của phụ huynh và của cả HS về hoạt động của mình.

Nếu nhà giáo sai phạm thì người dân có quyền phản ánh và trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các cơ quan thông tấn, báo chí có quyền đưa tin cũng là một hình thức công khai trước dư luận và cả quá trình giám sát, quá trình kiểm tra và thanh tra.

Có ý kiến cho rằng để có hành lang pháp lý đủ mạnh, luật Nhà giáo cần có chương riêng về mối quan hệ giữa nhà giáo với HS và phụ huynh, bảo đảm quy định đầy đủ, rõ ràng hơn quyền hạn được làm gì và không được làm gì của từng chủ thể trong mối quan hệ này.

Dù đồng tình hay băn khoăn về quy định nhằm bảo vệ nhà giáo, phần lớn ý kiến đều cho rằng cách tốt nhất để giữ sự tôn nghiêm của nghề cũng như để nhà giáo có thể tự bảo vệ mình đó là củng cố chuyên môn và giữ gìn chuẩn mực đạo đức của người thầy từ muôn đời nay.

Có lẽ vì tâm tư đó, dịp 20.11 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhắn nhủ với các nhà giáo: "Thách thức càng lớn nhà giáo lại cần quay về đứng chắc, củng cố với nơi các giá trị cốt lõi của người thầy. Đó là tinh thần bao dung, vị tha, hy sinh, sự yêu thương con người rộng lớn sâu xa, tinh thần luôn đổi mới mình, vượt qua các giới hạn để dẫn dắt người học, tinh thần đổi mới từng ngày, tự học, tự thích ứng để dẫn dắt cho học trò. Đó là các giá trị vĩnh hằng để người thầy xứng đáng là người thầy trong mọi thời đại".

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm