"Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng qua mạng xã hội"- 1 sáng chế từ trường cấp 3

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sáng kiến “Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng” của thầy trò trường THCS&THPT Đống Đa, TP.Đà Lạt có thể đo nhiệt độ, độ ẩm, nhận diện khói lửa, tiếng cưa máy, chụp ảnh người xâm nhập trái phép… để kịp thời cảnh báo bằng cách gửi tin nhắn lên Facebook, Gmail… của người dùng khi có nguy hiểm trong khu vực rừng giám sát.

Ý nghĩa của "giá như"

Đó là sáng kiến của thầy giáo Trần Quang Vĩnh Chánh - đoàn viên CĐCS trường THCS&THPT Đống Đa (TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) - đăng ký tham gia chương trình “1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động.

Vốn là giáo viên dạy Tin học, ông Chánh có niềm đam mê bất tận với việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ con người trong cuộc sống hàng ngày. Nói về lý do hình thành ý tưởng, ông Chánh chia sẻ: “Trong một lần đọc tin về đám cháy rừng ở Australia, tôi rất xót xa và nghĩ rằng, giá như được thông báo kịp thời thì biết đâu tổn thất sẽ không nghiêm trọng như thế, giá như có một thiết bị, máy móc hỗ trợ con người giám sát rừng 24/24 thì biết đâu… Vì diện tích rừng quá lớn mà sức người có hạn.”

“Giá như” trong cuộc sống thường thể hiện sự nuối tiếc những điều đã xảy ra hoặc ước ao về một thứ mình chưa có. Nhưng trong khoa học, “giá như” là động lực để những nhà nghiên cứu đặt câu hỏi và tìm ra giải pháp cho thắc mắc của mình. Cùng với sự tham gia của 2 người học trò là Nguyễn Lê Quang Trực và Nguyễn Đức Bảo Lâm (khi đó mới học lớp 8), 3 thầy trò trường THCS&THPT Đống Đa, TP.Đà Lạt đã cùng nhau đi tìm lời giải cho câu hỏi “giá như có một thiết bị hỗ trợ con người giám sát, bảo vệ rừng”.

 

 Mô hình hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng của thầy trò trường THCS&THPT Đống Đa, TP.Đà Lạt.
Mô hình hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng của thầy trò trường THCS&THPT Đống Đa, TP.Đà Lạt.


Được sự giúp đỡ của trạm Kiểm lâm Lạc Dương và lãnh đạo VQG Bidoup - Núi Bà, 3 thầy trò đã dành nhiều tháng trời “ăn dầm, nằm dề” trong rừng núi Langbiang khảo sát tình hình thực tế để đưa ra giải pháp.

Bảo vệ rừng ở bất cứ đâu

Theo ông Chánh, ban đầu, nhóm nghiên cứu hệ thống bằng nhận diện âm thanh tiếng cưa, máy nổ, lửa cháy để đưa ra cảnh báo. Nhưng khi thành hình, thiết bị quá to (hơn 0,5m) và cồng kềnh, hệ thống cảm biến âm thanh hoạt động chưa chính xác nên nhóm phải “dỡ ra làm lại”.

Sau 3 lần cải tiến, hệ thống hoàn thiện nhỏ gọn hơn (10 -15cm) có thể nguỵ trang tốt, pin chạy bằng năng lượng gió và mặt trời nên hoạt động được cả vào ban đêm, có thể đo được độ ẩm không khí (nguyên nhân khách quan gây cháy rừng), nhận diện được khói, lửa, tiếng cưa, máy nổ, chụp ảnh lại khi thấy người lạ xâm nhập, phá hoại… Tất cả những thông tin này sẽ được ghi nhận lại và khi có nguy hiểm sẽ lập tức gửi tin nhắn cảnh báo qua Facebook, Gmail của điện thoại được kết nối, ngay cả khi thiết bị lỗi hoặc không hoạt động.

Giải thích về lý do lựa chọn cài đặt thông báo qua mạng xã hội, Quang Trực cho biết: “Facebook đã quá phổ biến với mọi người và tính năng thông báo tin nhắn của Facebook cũng được đánh giá là ưu việt so với nhiều nền tảng khác, vừa nhanh, vừa nhẹ. Còn Gmail thì tính chính thống cũng như sự ổn định của nó rất cao nên chúng em sử dụng các nền tảng này cho dự án của mình, giúp con người có thể bảo vệ rừng tốt hơn dù ở bất cứ đâu".


 

Quang Trực - thành viên nhóm dự án - mong muốn sáng kiến sẽ giúp con người bảo vệ được rừng dù ở bất cứ đâu.
Quang Trực - thành viên nhóm dự án - mong muốn sáng kiến sẽ giúp con người bảo vệ được rừng dù ở bất cứ đâu.


Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng của nhóm ông Chánh đã được thực nghiệm 1 năm tại VQG Bidoup - Núi Bà và được các cán bộ kiểm lâm, lãnh đạo vườn đánh giá cao về giá trị ứng dụng trong công tác bảo vệ rừng.  

Quyết định gửi sáng kiến của nhóm tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Chánh bày tỏ: “Chương trình 1 triệu sáng kiến thực sự đã tạo ra một làn gió đổi mới, sáng tạo trong lao động, sản xuất trên cả nước. Tôi mong rằng, những sáng kiến hay sẽ được Tổng Liên đoàn tạo điều kiện phát triển để ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống, góp phần giúp xây dựng đất nước, con người Việt Nam tiến bộ, giàu mạnh hơn”.

Được biết, ngoài đề tài Hệ thống cảnh báo bảo vệ rừng, ông Chánh còn đăng ký thêm rất nhiều sáng kiến khác, đều là những đề tài do thầy và trò trường THCS&THPT Đống Đa nghiên cứu để tham gia chương trình 1 triệu sáng kiến của TLĐ. Qua đó, phần nào cho thấy, tinh thần khoa học và sức sáng tạo mạnh mẽ, không ngừng nghỉ của trí thức lao động Việt Nam.

https://laodong.vn/cong-doan/he-thong-canh-bao-bao-ve-rung-qua-mang-xa-hoi-1-sang-che-tu-truong-cap-3-1044561.ldo

Theo PHƯƠNG NHIÊN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm