Hết lòng với học trò vùng biên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhận công tác ở nơi cách điểm trường chính gần 10 cây số, những giáo viên đứng lớp thôn Cửa Khẩu của Trường Mầm non Hoa Pơ Lang (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ) phải vượt qua nhiều khó khăn để nuôi dạy các cháu nhỏ vùng biên.
6 giờ sáng, 2 cô giáo Ngô Thị Hồng và Cao Thị Duyên đã hoàn thành việc xách nước từ nhà dân về lớp để cô trò sử dụng trong ngày. Sau đó, 2 cô tranh thủ sơ chế đồ ăn khi học trò chưa đến. Năm học này, lớp học ở đây được phụ huynh thống nhất xây dựng bếp ăn tạm và nhờ các cô giáo lo công việc cấp dưỡng. Thêm một việc là thêm phần vất vả nhưng các cô không nề hà. Cô Hồng nói: “Những năm trước, lớp học ở đây duy trì mô hình bán trú dân nuôi theo hình thức phụ huynh mang cơm theo cho con. Tuy nhiên, cách làm này cũng có nhiều hạn chế khi điều kiện kinh tế các gia đình học sinh không đồng đều. Hơn nữa, phụ huynh bận việc nên nhiều khi không chuẩn bị được cơm trưa cho các em”. Để 20 học sinh có bữa cơm trưa an toàn và đảm bảo dinh dưỡng, các cô đã được tập huấn về dinh dưỡng học đường và an toàn vệ sinh thực phẩm.
   Cô giáo Ngô Thị Hồng chăm sóc học trò thôn Cửa Khẩu trong từng bữa ăn.  Ảnh: N.G
Cô giáo Ngô Thị Hồng chăm sóc học trò thôn Cửa Khẩu trong từng bữa ăn. Ảnh: N.G
Yêu nghề, 2 cô xung phong đứng lớp ở thôn Cửa Khẩu. Khí hậu nơi đây vô cùng khắc nghiệt, vậy nhưng các cô vẫn bám trụ, tất bật chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho “những đứa con” ở độ tuổi khó bảo (3-5 tuổi). Xác định nghề chăm trẻ là vất vả nhưng cũng có lúc các cô không khỏi áp lực khi cùng lúc phải đảm đương nhiều việc. Tuy nhiên, khi nhìn các cháu say trong giấc ngủ ngoan, các cô lại nhắc nhau phải cố gắng để làm tốt hơn công việc của mình. Để bù đắp thiệt thòi cho học sinh điểm trường vùng biên giới, các cô đã nỗ lực thực hiện các hoạt động, phong trào do nhà trường tổ chức. Học trò vì vậy ngày càng mến cô, càng chăm ngoan đến trường.
Nói về lớp học thôn Cửa Khẩu và 2 cô giáo trẻ tuổi, cô Đỗ Thị Thư-Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Pơ Lang-đánh giá: “Khi giao lớp học thôn Cửa Khẩu cho cô Hồng và cô Duyên, tôi rất yên tâm. Tuy chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa làm mẹ nhưng chính nhờ lòng yêu nghề và sự nhiệt tình mà các cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cháu ngày càng tiến bộ. Các cháu rất thích đến trường và lớp học lúc nào cũng duy trì gần 100% trẻ đi học chuyên cần”. Cũng theo cô Thư, sau 4 năm kể từ khi lớp học ở thôn Cửa Khẩu mở ra, công tác duy trì sĩ số, vận động học sinh ra lớp và chất lượng giáo dục của toàn trường được nâng lên rõ rệt.
Nỗ lực của nhà trường, của giáo viên khiến nhiều phụ huynh ý thức cần chung tay cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập cho con em mình. Chị Hà Thị Lan chia sẻ: “Dù lớp học còn nhiều khó khăn nhưng các cô giáo rất nhiệt tình, yêu thương trẻ nên chúng tôi rất yên tâm. Thương cô trò phải dạy và học trong điều kiện khắc nghiệt, phụ huynh đã lắp hệ thống làm mát trong lớp học, xây dựng bếp ăn. Chúng tôi rất mong lớp học được trang bị thêm nhiều đồ chơi ngoài trời và cây xanh để các cháu sinh hoạt, học tập thuận lợi hơn”.
Ông Võ Công Dương-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện-nhận xét: “Đối với những trường vùng khó, các lớp học ở điểm trường có ý nghĩa rất quan trọng. Do vậy chúng tôi cùng chính quyền địa phương rất quan tâm đến các lớp học này. Đến nay, lớp học thôn Cửa Khẩu đã được hỗ trợ nhiều mặt nhưng vẫn còn thiếu thốn. Sắp tới, với dự án đưa nước giếng khoan về lớp học, tôi tin rằng môi trường học tập ở đây sẽ tốt hơn, đảm bảo yêu cầu xây dựng trường lớp xanh-sạch-đẹp-an toàn”.
Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm