Họ như những... đóa hoa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Suốt 5 năm qua, chương trình 'Chia sẻ cùng thầy cô' đã tuyên dương hơn 270 tấm gương thầy cô giáo. Họ như những đóa hoa, lan tỏa những điều tốt đẹp đến với cộng đồng.

 Cô Nguyễn Thị Ái Vân - Ảnh Thảo Ly
Cô Nguyễn Thị Ái Vân - Ảnh Thảo Ly



Khi nghĩ về học sinh khuyết tật đầu tiên trong sự nghiệp giáo dục của mình, cô Nguyễn Thị Ái Vân, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái, đã bật khóc. Một lần trách móc vì không hiểu rõ câu chuyện của cậu học sinh khuyết tật đã khiến cô ân hận cả đời, để rồi gắn bó với con đường này suốt 16 năm qua.

“Đó là tiết học đầu tiên khi dạy tại Trường THCS xã Cảm Ân, H.Yên Bình, Yên Bái của tôi. Vì hồi hộp, lo lắng khi thấy một học sinh đi khập khiễng vào lớp, tôi nghiêm giọng nhắc em “nghiêm túc”, “đi thẳng người lên”. Khi lớp trưởng nói em bị khuyết tật, nỗi dằn vặt dâng lên trong lòng tôi khi đã vô tình chạm vào nỗi đau của người khác”.

Từ trải nghiệm đó, cô Ái Vân đã xin chuyển công tác về Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Yên Bái, bất chấp nhiều người can ngăn vì biết công việc ở ngôi trường của trẻ khuyết tật sẽ khó khăn trăm bề. Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy những đứa trẻ khuyết tật càng khó hơn trăm lần.

Mỗi năm trôi qua, nhiều lứa học sinh đã rời ngôi trường đặc biệt này, có một cuộc sống tốt đẹp hơn và tìm được công việc phù hợp. Chỉ có cô Ái Vân vẫn còn ở lại, cần mẫn với công việc dạy dỗ học sinh khuyết tật. Khi được hỏi rằng nếu biết trước những khó khăn trong công việc như vậy từ 16 năm trước, liệu cô có tiếp tục chọn con đường này không? Cô Vân không đắn đo quá lâu mà nói: “Nếu quay lại 16 năm trước, tôi vẫn sẽ chọn các con”.
Năm nào chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” cũng tìm được những gương mặt mang lại nguồn cảm hứng to lớn.

Năm 2019, gương cô Vàng Thị Ghếnh (34 tuổi), giáo viên Trường mầm non xã Mản Thẩn, H.Si Ma Cai, Lào Cai, với bảng thành tích gói gọn trong một dòng “đã có công vận động 100% trẻ đến lớp trong gần 10 năm trời”.

Hay cô Nguyễn Thị Hợi (53 tuổi), giáo viên gần 30 năm gắn bó với Trường phổ thông cơ sở Bản Sen, xã đảo Bản Sen, H.Vân Đồn, Quảng Ninh. Mỗi năm, gia đình cô Hợi chỉ sum họp đông đủ vào những dịp lễ, tết vì cô thường xuyên phải công tác xa nhà. Vượt qua tất cả, cô Hợi đã để lại nhiều đóng góp cho ngôi trường ở đảo tiền tiêu này, trong đó nổi bật với việc bồi dưỡng nhiều học sinh cho đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.

Hay như thầy giáo Nguyễn Xuân Việt (34 tuổi) ở TP.Đà Nẵng. Với tình yêu trẻ tha thiết, thầy Việt có nghiệp vụ vững vàng, có thể can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật trí tuệ ở Trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu.
Đa số trẻ dưới 6 tuổi ở đây mắc các chứng tự kỷ, thiểu năng, tăng động khác nhau, nhưng thầy luôn biết cách chủ động điều chỉnh, sáng tạo bài giảng cho phù hợp với các em bằng cái tâm của một người làm cha.



 

Ông Nguyễn Đình Tâm, Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, xúc động: “Thành công của chương trình cũng đến từ chính tên của chương trình, đấy là “Chia sẻ”. Chia sẻ hoàn toàn khác với biếu hay tặng. Chúng ta có thể biếu, tặng hay cho người khác nhiều món quà vật chất, nhưng chỉ có thể “chia sẻ” khi có tình yêu thương, sự cảm thông, trân trọng và đồng điệu về tâm hồn. Chương trình của chúng tôi hướng tới điều đó, những tấm lòng, những trái tim, kết nối, cảm thông và đồng điệu để có thể chia sẻ với nhau. Các thầy cô trên, cùng nhiều giáo viên khác, như những đóa hoa đẹp, nét đẹp bình dị nhưng tô điểm cho mọi miền Tổ quốc”.

 

Chương trình đã tuyên dương 277 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu

- Năm 2015, tuyên dương 64 thầy cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ ở 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

- Năm 2016, tuyên dương 42 thầy cô giáo tại các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo.

- Năm 2017, tuyên dương 60 giáo viên là cán bộ chiến sĩ bộ đội biên phòng làm công tác dạy học, giúp đỡ học sinh đến trường.

- Năm 2018, tuyên dương 48 thầy cô giáo tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ LĐ-TB-XH, Bộ GD-ĐT.

- Năm 2019, tuyên dương 63 thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy tại các lớp học thuộc các trường mầm non, tiểu học và THCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; các lớp học có trên 50% học sinh là người dân tộc thiểu số đang theo học.



Theo Thảo Ly (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm