Học bổng "Đọt chuối non" và "Cơm có thịt": Tiếp sức đến trường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Sáng 7-1, tại Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai), Báo Tiền Phong phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và UBND huyện Ia Pa tổ chức chương trình học bổng "Đọt chuối non" và "Cơm có thịt" cho các em học sinh nghèo.
Chắp cánh ước mơ      
Có 64 em học sinh tiêu biểu hiếu học, hiếu thảo, vượt khó của 4 huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh đã được các thầy-cô giáo đưa về Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp để nhận học bổng. "Đây là lần thứ 12 Báo Tiền Phong tổ chức trao học bổng "Đọt chuối non" ở Tây Nguyên, nhưng là lần đầu tiên trao tại địa bàn tỉnh Gia Lai. Đây cũng là lần đầu tiên Quỹ Hỗ trợ tài năng trẻ Việt Nam của Trung ương Đoàn trao 4 suất học bổng đặc biệt trong chương trình này"-Nhà báo Phùng Công Sưởng-Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong-cho hay.
Nhà báo Phùng Công Xưởng-Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong trao học bổng “Tài năng trẻ” của Trung ương đoàn cho 4 học sinh xuất sắc. Ảnh: Đức Phương
Nhà báo Phùng Công Xưởng-Phó Tổng biên tập Báo Tiền Phong trao học bổng “Tài năng trẻ” của Trung ương đoàn cho 4 học sinh xuất sắc. Ảnh: Đức Phương
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Phòng GD-ĐT 4 huyện, thị xã phía Đông Nam tỉnh đã triển khai xét chọn 60 học sinh tiêu biểu hiếu học, hiếu thảo, vượt khó để trao tặng học bổng (2 triệu đồng/suất). 4 học sinh nổi bật cũng được bình bầu để nhận suất học bổng đặc biệt (5 triệu đồng/suất) gồm các em: Huỳnh Thị Thu Nghiệp (lớp trưởng lớp 7.1, Trường THCS Phan Bội Châu, huyện Ia Pa), Lê Thanh Yên (lớp 9, Trường THCS Nguyễn Du, huyện Phú Thiện), Rơ Ô H'Phia (lớp 9A, Trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Krông Pa), Nguyễn Lê Anh Vũ (lớp 9.2, Trường THCS Nguyễn Huệ, thị xã Ayun Pa). 
Em Huỳnh Thị Thu Nghiệp là học sinh có hoàn cảnh khá đặc biệt. Khi Nghiệp mới 3 tháng tuổi, cha em bỏ nhà đi biệt tích, hàng ngày mẹ con Nghiệp đùm bọc nhau trong căn nhà chật hẹp ở thôn Đoàn Kết (xã Ia Ma Rơn). Mỗi ngày, sau giờ học, Nghiệp đều ra vườn phụ mẹ trồng rau. Từ 3 giờ sáng, Nghiệp đã phải dậy sớm cùng mẹ cắt rau đem ra chợ bán kiếm sống. Cuộc sống rất vất vả, thiếu thốn nhưng em vẫn là học sinh giỏi nhiều năm liền, được thầy yêu bạn mến. Vinh dự nhận suất học bổng 5 triệu đồng, cả Nghiệp và chị Hoa-mẹ em-xúc động rơm rớm nước mắt. "Đây là số tiền lớn so với gia cảnh của tôi. Tôi sẽ gửi tiết kiệm để sau này cho cháu học lên đại học ngành Sư phạm Văn như mong mỏi của cháu"-chị Hoa nói.
Còn em Rơ Ô H'Phia (nhà ở buôn Nu B, xã Ia Rsươm, huyện Krông Pa) cũng là học sinh giỏi môn Lịch sử cấp huyện, thành viên đội tuyển dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2019. Sức khỏe kém nhưng H'Phia vẫn đi học đều ở Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện (thị trấn Phú Túc, cách nhà khoảng 20 cây số). Buổi chiều em lại học bồi dưỡng cùng đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh tại Trường THCS Lương Thế Vinh ở xã Phú Cần, cách nhà khoảng 4 km. "Em sẽ cố gắng học thật giỏi để sau này thi đậu đại học, theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ, giúp chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho mọi người"-Rơ Ô H'Phia bày tỏ.
Nuôi cơm trưa để duy trì sĩ số
Đúng 11 giờ 30 phút, khi chương trình trao học bổng kết thúc, 52 học sinh ở 2 lớp 1 của Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp trở vào lớp học để ăn cơm trưa. Đây là lần đầu tiên các em được ăn, ngủ bán trú tại trường. Qua sự "mai mối" của nữ nhà báo Hoàng Thiên Nga-Trưởng Văn phòng Đại diện khu vực Tây Nguyên (Báo Tiền Phong), chương trình "Cơm có thịt" đã đến được với những học sinh dân tộc Bahnar nghèo của huyện vùng xa này.
 Các em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp hào hứng với chương trình
Các em học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp hào hứng với chương trình "Cơm có thịt". Ảnh: Đ.P
Giờ ăn, các thầy-cô giáo cùng với lãnh đạo huyện, quan khách chung tay đưa từng phần ăn đựng trong khay inox đến tận tay các em. Mỗi em được chia khẩu phần khoảng 2 chén cơm trắng, 1 chén canh và 1 phần thịt heo băm nhỏ nấu với đậu khuôn. Cô cấp dưỡng Trần Thị Mai cho hay: "Chúng tôi cố gắng để đảm bảo các em ăn no và đủ dinh dưỡng. Ưu tiên lớn nhất là giữ vệ sinh và đảm bảo an toàn thực phẩm cho các bữa ăn".
Lần đầu tiên được ăn bữa cơm tại trường với đầy đủ dinh dưỡng, các em ăn rất ngon miệng. Em Đinh H'Phan, học sinh lớp 1/1, nói: "Nhà em ở làng Bi Yông. Ở nhà em cũng ăn cơm, nhưng thường là ăn với canh rau và lá mì xào, cá khô. Ít khi có thịt lắm. Hôm nay ăn có thịt và canh, rất ngon". 
Thầy Lê Công Tấn-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay, năm học 2018-2019, trường có 13 lớp với 343 học sinh. Trong đó, gần 100% học sinh là dân tộc Bahnar, đa phần đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Nhiều em ở bậc THCS một buổi đi học, một buổi đi làm phụ giúp gia đình. Các em bậc Tiểu học thì thường phải theo cha mẹ lên rẫy vào ngày mùa nên ảnh hưởng rất lớn đến việc học. Chính vì thế, nhà trường mong muốn tổ chức bữa ăn trưa cho các em để giữ học sinh ở lại trường. Để tổ chức thành công, trường đã được UBND huyện Ia Pa hỗ trợ dụng cụ phục vụ bếp ăn; phụ huynh ở 2 làng Bi Yông và Bi Ya (xã Pờ Tó) giúp thầy cô bằng cách trồng rau xanh phục vụ bữa ăn. Riêng các thầy-cô giáo thì tình nguyện cắt cử nhau ở lại buổi trưa để chăm sóc học sinh lớp 1 ăn ngủ tại trường.
Hưởng ứng việc làm ý nghĩa của nhà trường, nhà báo Hoàng Thiên Nga-Trưởng Văn phòng Đại diện Báo Tiền Phong tại Tây Nguyên-đã đưa chương trình "Cơm có thịt" do nhà báo Trần Đăng Tuấn (Tổng Giám đốc Truyền hình An Viên) khởi xướng đến với học trò nghèo xã Pờ Tó. Chứng kiến các em học sinh hào hứng ăn "bữa cơm có thịt" một cách ngon lành, nhà báo Nguyễn Anh Tú (Đài Truyền hình Việt Nam, Giám đốc quỹ "Vì học trò nghèo vùng cao", người thay mặt cho nhà báo Trần Đăng Tuấn đến tận nơi tài trợ cho học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp được ăn bữa trưa "Cơm có thịt" trong 2 năm  2018 và 2019) cho biết: Thời gian qua, quỹ "Vì học trò nghèo vùng cao" đã huy động được hơn 80 tỷ đồng để tổ chức chương trình "Cơm có thịt" cho học sinh nghèo ở các tỉnh miền núi khó khăn. Qua Báo Tiền Phong, đây là lần thứ 2 chương trình "Cơm có thịt" đến với học trò nghèo ở Gia Lai (lần đầu là tại Trường Tiểu học Kim Đồng, xã Ia Tul, huyện Ia Pa-P.V). "Hy vọng, với ý nghĩa thiết thực, chương trình sẽ huy động được sự chung sức ngày càng đông đảo của các nhà hảo tâm để không chỉ dừng lại ở việc tổ chức bữa cơm có thịt cho học sinh lớp 1 mà còn ở các lớp khác, các trường khác tại nhiều huyện, nhiều tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên"-nhà báo Nguyễn Anh Tú bày tỏ.  
Ông Ksor Suy-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: "Mấy năm nay, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo ngành GD-ĐT huyện tổ chức trường bán trú, bếp ăn bán trú để có điều kiện dạy 2 buổi/ngày nhằm hạn chế tình trạng bỏ học, vắng học dài ngày do theo cha mẹ lên nương rẫy. Tuy nhiên, vì điều kiện huyện nghèo, người dân còn khó khăn nên việc huy động nguồn lực xã hội để tổ chức bếp ăn bán trú chưa được nhiều. Vì vậy, có thể nói chương trình "Cơm có thịt" đến với học sinh nghèo Ia Pa thật đúng lúc và thật ý nghĩa".
Đức Phương

Có thể bạn quan tâm