Học bổng nghị lực đến trường: Khao khát đi học của Đức mồ côi cha

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dù hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha nhưng chưa lúc nào Đào Đình Đức ngừng cố gắng. Không chỉ có thành tích học tập tốt, em tham gia nhiều hoạt động tình nguyện của trường lớp...
 
Đào Đình Đức với khát khao được đến giảng đường đại học ẢNH: LÊ NAM
Đào Đình Đức với khát khao được đến giảng đường đại học ẢNH: LÊ NAM
Trong gian phòng nhỏ được ở nhờ nhà người thân tại Q.3 (TP.HCM), Đức rất nhớ những lúc mình còn có ba. Khi đó, dù chỉ là đi ở nhà thuê, nhưng những khoảnh khắc thấy mẹ, ba và em gái, Đức đều cảm thấy mình thật hạnh phúc.
Đào Đình Đức, vừa tốt nghiệp Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), chững chạc, rắn rỏi hơn tuổi 18 của em. Từ ngày ba mất, mẹ đi làm từ 5 giờ sáng tới khuya mới về, Đức vừa đi học, đi làm thêm, vừa thay mẹ chăm sóc, bảo ban em gái.
Sự ra đi đột ngột của ba
Đức chưa quên ngày đau buồn tột cùng của gia đình mình cách đây 2 năm. Ba Đức, người trụ cột, lao động chính trong nhà, qua đời vì đột quỵ. Công việc quá nặng nhọc, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, cộng với căng thẳng về kinh tế gia đình đã khiến cha em bất ngờ qua đời khi tuổi còn rất trẻ.
Ngày chúng tôi tới thăm nhà, mẹ của Đức đang làm giúp việc ở một quán cơm tại Q.Tân Phú từ sáng sớm tới tối muộn mới về. Ngôi nhà nhỏ ở trong hẻm đường Pasteur mà 3 mẹ con Đức đang ở nhờ của người thân có tới hơn 10 người chung sống.
Cô Đỗ Thúy Lan, giáo viên Trường mầm non Tuổi thơ 8, P.8, Q.3, người mợ của Đức, kể: “Trước đây, ba của Đức làm vất vả lắm, gia đình cháu phải ở trọ mỗi lúc một nơi khác nhau. Công việc làm ăn không thuận lợi, kinh tế càng chật vật hơn. Năm Đức học lớp 11, gia đình dọn về đây để có anh em hỗ trợ. Nhưng ở chưa được bao lâu thì ba của Đức ra đi vĩnh viễn. Ngày đó, một lúc ba của Đức phải làm nhiều việc khác nhau, từ bảo vệ tới bốc xếp hàng, mỗi ngày chỉ được ngủ chừng 4 tiếng nên kiệt sức. Mẹ của Đức trước đây không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu làm nội trợ chăm sóc con cái, nhưng sau khi ba em qua đời, mẹ em đi làm thuê mướn kiếm 3 triệu đồng/tháng để nuôi hai con ăn học. Lương thấp nhưng được nuôi cơm 3 bữa, chủ quán cơm thương tình nên ngày nào có đồ ăn còn dư cũng cho mang về, vậy là các con không phải lo chuyện cái ăn”.
Mọi sự giúp đỡ, xin bạn đọc gửi về Báo Thanh Niên theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 14710000000115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển VN - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM. Nội dung ghi: Giúp đỡ em Đào Đình Đức. Hoặc Báo Thanh Niên sẽ nhận trực tiếp tại tòa soạn, các văn phòng đại diện trong cả nước. Chúng tôi sẽ chuyển đến em Đào Đình Đức trong thời gian sớm nhất.
Đức ngậm ngùi: “Ba em mất đột ngột quá. Cũng vì cuộc sống quá khó khăn nên ba phải làm việc vất vả. Trước đây dù ở nhà thuê, gia đình em phải đổi chỗ ở không biết bao nhiêu lần nhưng còn đủ đầy cả ba lẫn mẹ, dù khó khăn đến mấy vẫn thấy ấm áp. Khi ba mất, mẹ đã buồn đi nhiều lắm. Ngày nào mẹ cũng đi làm từ 5 giờ sáng tới 9 giờ tối mới về. Em từng đến quán cơm nơi mẹ làm, thấy mẹ lúc nào cũng luôn tay chân. Những nồi nấu cơm, canh ở quán rất lớn, mẹ khệ nệ bê, rửa, rồi cắt gọt rau quả, lau bàn, lau rửa sàn nhà liên tục không ngơi nghỉ…”.
Mơ ước lo được cho mẹ và em gái
Đức chững chạc, rắn rỏi, bởi những biến cố trong cuộc sống đã khiến em phải mạnh mẽ hơn để là chỗ dựa cho mẹ và em gái. Mẹ đi làm không có một ngày nghỉ trong tuần, Đức cho em ăn uống, đưa đi học, đón về. Tranh thủ ngoài giờ học, Đức đi làm thêm.
Theo Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM, dù hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa lúc nào Đức ngừng cố gắng. Không chỉ có thành tích học tập tốt, em tham gia nhiều hoạt động tình nguyện của trường lớp, như Chủ nhật xanh do Đoàn trường tổ chức, mua quà tặng trung thu cho các em nhỏ ở Bệnh viện Nhi đồng 2…
Mới đây khi vừa thi tốt nghiệp THPT xong, Đức xin việc tại căn tin một trường ĐH ở Q.Bình Thạnh. Khoản tiền nhỏ kiếm được mỗi tháng cũng giúp em có tiền chuẩn bị cho năm học mới.
Điểm thi tốt nghiệp THPT khối D đạt 24,25 điểm, Đức mong mỏi trúng tuyển ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM để có thể đi tiếp đam mê về ngoại ngữ của mình.
Nam sinh mồ côi cha bộc bạch: “Một khoảnh khắc mà tới giờ em vẫn nhớ nhất, chưa thể quên được. Đó là nụ cười của ba, mẹ và em gái trong ngày cả gia đình có thể đi du lịch chung với nhau một chuyến ở Nha Trang trước đây, khi ba còn sống và gia đình không tới nỗi quá chật vật. Lúc đó, cả nhà ai cũng thức khuya thật khuya, nói với nhau bao nhiêu chuyện vui. Mọi thứ giờ là kỷ niệm hết rồi. Em chỉ mong mỏi có thể học hết 4 năm ĐH, đi làm và lo được cho mẹ và em gái em, để một lúc nào đó có thể cho mẹ đi du lịch, để thấy mẹ cười trở lại”.
Theo Thúy Hằng (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm