Học rất giỏi nhưng một cái ôm chân thành không biết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Một em nhỏ học rất giỏi nhưng cái ôm chân thành không biết, một người trẻ thành đạt trong sự nghiệp nhưng luôn cảm thấy cô đơn ở chốn đông người. Tình trạng này giờ không hề hiếm.
 

 Chị Kasara Di Benedetto và con gái Azya chia sẻ với các ông bố bà mẹ VN - Ảnh: Thúy Hằng
Chị Kasara Di Benedetto và con gái Azya chia sẻ với các ông bố bà mẹ VN - Ảnh: Thúy Hằng



Trong sự kiện về trí tuệ cảm xúc diễn ra ở Q.1 (TP.HCM) đầu tuần qua, ông Francis L.Kaya, Chủ tịch SCT, tổ chức phi lợi nhuận được chính phủ Thụy Sĩ công nhận, đã nêu ra thực trạng này. Theo ông Kaya, dư dả về vật chất những tưởng rằng sẽ khiến con người hạnh phúc hơn nhưng thực tế không ít người trầm cảm hơn. Con người cần được hạnh phúc ở gia đình, trường học và công sở, nhưng thực tế, IQ (chỉ số thông minh) cao không cho người ta tất cả thứ đó. Phát triển trí tuệ cảm xúc (EQ) là câu chuyện thử thách nhiều người trẻ.

Thời gian bữa cơm gia đình bị cắt xén

Ông Kaya chỉ ra thực trạng thời gian dành cho bữa cơm gia đình đang bị cắt xén khi công nghệ len lỏi. Người ta dán mắt nhìn màn hình. Bữa cơm nhà, nơi để phát huy EQ của con trẻ, để dạy con biết lắng nghe, san sẻ vui buồn sau một ngày dài đang bị chiếc điện thoại thông minh “cướp” mất. Lâu dài, con trẻ ngại chia sẻ với cha mẹ, không bày tỏ yêu thương, sống thờ ơ, chúng có thể học rất giỏi nhưng một cái ôm với mẹ cha thì không thể làm.

Anh Anthony, diễn giả người Pháp, chuyên gia về khoa học trí tuệ cảm xúc, cho hay nếu người có IQ cao EQ thấp thì nhìn mọi thứ quá lý trí, sống không thấu cảm, từ chối quan điểm của người khác, luôn lượm lặt và tích lũy giận dữ. Nhưng ngược lại, sẽ dễ bị cảm xúc dẫn dắt. Do đó, để cân bằng trí tuệ cảm xúc, mỗi người cần biết cộng - trừ cuộc sống của mình: “Mỗi ngày trở về nhà, bạn tự hỏi hôm nay mình có điểm cộng (tích cực) gì, điểm trừ (tiêu cực) gì, khi quan sát tổng thể, bạn sẽ có cách để cải thiện được sự tự tin, loại trừ dần những sự tiêu cực của chính mình”.

Không chỉ là những cái ôm

Để phát triển trí tuệ cảm xúc, cần sự mở lòng. Jeri Kha, 15 tuổi, cậu bé người Việt trải qua một nửa tuổi thơ ở Úc, một nửa ở Canada, không có nhiều ký ức tươi đẹp khi mẹ ở xa, còn người dượng ở chung nhà thì nghiện rượu. Cậu bé sống khép kín, bị bạn bè trêu chọc, càng trở nên rụt rè hơn. May mắn với Jeri Kha sau này em đã có mẹ đồng hành, hai mẹ con trao đổi với nhau nhiều hơn, để thấu hiểu những vấn đề ngoài cuộc sống.

Bác sĩ Trịnh Diệp Dạ Hằng kể lại vợ chồng chị đều là bác sĩ, tuy nhiên khi con gái bước vào tuổi dậy thì, cả nhà đều hoang mang. Cô bé luôn im lặng, ngay cả lúc phản ứng cũng đóng sập cửa phòng và không lên tiếng. Là lớp trưởng, học giỏi nhưng con không lắng nghe ý kiến trái chiều của các bạn, có một thời gian bị cả lớp tẩy chay. Bác sĩ Hằng đã chọn giải pháp, tìm một lớp học và cả hai mẹ con cùng đi học. Tình hình được cải thiện, con và mẹ cùng trao đổi nhiều hơn.

Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy, Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ, cho hay dạy trẻ quản lý phát triển trí tuệ cảm xúc của mình là công việc rất quan trọng. Các bà mẹ của hội quán đã bắt đầu công việc này hơn 10 năm trước, từ những buổi nói chuyện chuyên đề quản lý cảm xúc, tránh bạo lực học đường, làm sao để những bà mẹ đang mang thai có thể tránh cảm xúc tiêu cực…

Chị Thúy chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng dạy trẻ trí tuệ cảm xúc một cách tự nhiên. Con trẻ được vun bồi cảm xúc từ những hành động nhỏ hằng ngày, những mẩu chuyện nhỏ giàu cảm xúc của cha mẹ, một cuốn sách, bộ phim hay xem cùng con, đều là cách chúng ta có thể dạy trẻ về cảm xúc, yêu thương. Có thể không nhất thiết phải ôm để bày tỏ tình cảm, quan tâm tới ai. Nhưng ví dụ như biết mẹ bị ốm, con nấu cháo ân cần hỏi thăm, người mẹ nào cũng thấy mình hạnh phúc”.

Theo Thúy Hằng (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm