Học sinh Đà Lạt và sáng kiến cải tạo môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Xuất phát từ các ý tưởng bảo vệ môi trường sống xung quanh, nhóm học sinh chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Thăng Long (TP Đà Lạt, Lâm Đồng) đã tận dụng vật liệu có sẵn để tạo ra sản phẩm có tính ứng dụng cao.

 
Phạm Thu Phương và Nguyễn An Cát Uyên thực hiện đề tài nghiên cứu trồng nấm từ phế thải hoa cúc và mùn cưa
Phạm Thu Phương và Nguyễn An Cát Uyên thực hiện đề tài nghiên cứu trồng nấm từ phế thải hoa cúc và mùn cưa



Đạp xe làm sạch không khí

“Vừa đạp xe vừa giúp lọc không khí xung quanh, người đạp xe cũng được tận hưởng không khí sạch. Thiết bị của nhóm chúng em hướng đến điều đó”, em Trần Hoàng Phi Bảo (lớp 12 chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Thăng Long) giới thiệu sản phẩm vừa đạt giải nhì tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học lần thứ XI năm học 2018 - 2019. Đây là “Thiết bị lọc khí trên xe đạp khi tham gia giao thông” do Trần Hoàng Phi Bảo, Tăng Bảo Khánh (cùng lớp 12) và Cao Thị Khánh Hòa (lớp 11 chuyên Vật lý) nghiên cứu chế tạo. Hệ thống thiết bị lọc khí của nhóm khá đơn giản, phần lớn sử dụng các vật dụng tái chế với 6 cánh quạt nhỏ được lắp song song hai bên bánh xe trước. Những cánh quạt này khi quay sẽ tạo ra điện giúp sạc bình ắc quy nhỏ gắn trên khung xe. Điện cung cấp cho bộ phận lọc bụi, lọc khí hoạt động và đẩy khí “sạch” lên mặt của người đạp xe. “Tại trái tim của hệ thống, chúng em dùng 3 lớp lọc, gồm bông gòn ở lớp đầu tiên để lọc hạt bụi lớn, lớp thứ hai là loại vải thường dùng làm khẩu trang lọc những hạt bụi nhỏ hơn cũng như kháng khuẩn và lớp vải than hoạt tính sẽ có khả năng lọc được hầu hết các loại khí thải trong môi trường giao thông”, em Trần Hoàng Phi Bảo giới thiệu.

“Kết quả thử nghiệm của nhóm học sinh rất khả quan, khả năng lọc bụi được 86%, lọc được 63% khí NO2. Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng) đọc kết quả trên sau những lần nhóm học sinh thử nghiệm thực tế nên có độ tin tưởng rất cao”, thầy Phạm Gia Sâm, giáo viên bộ môn Vật lý, Trường THPT chuyên Thăng Long, cho biết.

Thiết bị lọc khí của nhóm chỉ nặng khoảng 4kg, bao gồm cả bình ắc quy gắn lên xe đạp, đây cũng là phương tiện thân thiện với môi trường. Cả nhóm mong muốn, nếu ứng dụng được phát triển thì có thể gắn trên hầu hết các phương tiện khi cùng di chuyển trên đường sẽ giúp không khí được lọc sạch phần nào.

Trồng nấm bào ngư từ phế thải

Đề tài nghiên cứu trồng nấm bào ngư trên hỗn hợp giá thể phế thải hoa cúc và mùn cưa của 2 học sinh Nguyễn An Cát Uyên (lớp 11 chuyên Vật lý) và Phạm Thu Phương (lớp 12 chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Thăng Long, TP Đà Lạt) cũng ra đời từ thực tế có nhiều nhà vườn tại Đà Lạt sau mỗi vụ thu hoạch hoa cúc thường thải ra rất nhiều rác (thân và rễ). “Có lần em qua nhà chị gái, thấy sau khi thu hoạch hoa cúc, phần thân và gốc cắt bỏ chất đống ở góc vườn mùi khó chịu, để lâu sẽ gây ô nhiễm môi trường. Từ kiến thức học được ở trường là trong thành phần cấu tạo của thân cây hoa cúc có nhiều chất phù hợp cho cây nấm phát triển, em và chị Phương đã lấy một lượng nhỏ thân hoa cúc về phơi khô, cắt nhỏ trộn với mùn cưa và chất dinh dưỡng. Hỗn hợp trên được đưa vào hấp khử trùng trong khoảng 70 phút rồi đem ra trồng nấm”, Nguyễn An Cát Uyên kể.

Sau đó, 2 nữ sinh chọn giống nấm bào ngư xám và nấm bào ngư hoàng kim - giống nấm cao sản, có giá trị dinh dưỡng, kinh tế cao, trồng vào 5 lọ hỗn hợp phế thải hoa cúc, mùn cưa. “Chúng em cùng lúc trộn hỗn hợp với các tỷ lệ thành phần khác nhau để theo dõi hỗn hợp nào sẽ cho kết quả tốt nhất. Cuối cùng, sau 23 ngày trong phòng nuôi, hỗn hợp tỷ lệ 70% thân hoa cúc, 30% mùn cưa thu được sợi nấm mọc rất tốt, không bị nhiễm mốc và vi khuẩn, chiều dài phát triển của sợi nấm và kết quả nấm thu được là tương đương nhau giữa các nghiệm thức. Sau khoảng 30 ngày thu được quả thể nấm, từ đó phát triển nhanh, mọc thành chùm và có thể thu hoạch được 2-3 đợt”, em Phạm Thu Phương hào hứng phân tích. 2 nữ sinh còn dí dỏm cho biết, toàn bộ số nấm sau khi nghiệm thu đã được đưa về nhà để nấu ăn.

“Với diện tích hàng trăm hécta trồng hoa cúc trên địa bàn TP Đà Lạt, mỗi năm các nhà vườn sau khi thu hoạch hoa cúc đã vứt bỏ số lượng khổng lồ phần còn lại của cây hoa. Trong tương lai, nếu đề tài của các em được hoàn thiện và phát triển, đây là một giải pháp rất có ý nghĩa về mặt môi trường”, thầy Lê Thanh Hải, giáo viên hướng dẫn đề tài cho 2 nữ sinh, chia sẻ.

ĐOÀN KIÊN (sggp)

Có thể bạn quan tâm