Học sinh lớp 9 sáng chế máy sục khí chạy bằng năng lượng gió

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Với mong muốn tiết kiệm chi phí cho người nuôi trồng thủy sản, nhóm học sinh Trường THCS Chu Văn An (thành phố Hải Phòng) đã sáng chế ra máy sục khí chạy bằng năng lượng gió và pin mặt trời.

Máy khuấy, đảo khí cho đầm nuôi thủy sản bằng năng lượng gió có tính thực tiễn cao của nhóm học sinh lớp 9 ở Hải Phòng
Máy khuấy, đảo khí cho đầm nuôi thủy sản bằng năng lượng gió có tính thực tiễn cao của nhóm học sinh lớp 9 ở Hải Phòng



Phải mất hơn 2 năm manh nha ý tưởng rồi thực nghiệm nhiều lần, máy khuấy, đảo khí cho đầm nuôi thủy sản bằng năng lượng gió mới được nhóm nghiên cứu khoa học của Trường THCS Chu Văn An (quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng) gồm các em Đào Đình Bình, Trịnh Hoàng Giang, Nguyễn Ngọc Ánh, Nguyễn Hoàng Huy và Đặng Phương Nam hoàn thành.

“Các em học sinh đều sống gần nơi có nhiều đầm nuôi tôm nên được tiếp xúc với máy sục khí chạy bằng điện. Qua tìm hiểu, các em thấy máy đó có chi phí lớn, tốn kém nên khi được giao tìm đề tài nghiên cứu khoa học, các em đã nảy sinh ý tưởng chế tạo loại máy khuấy, đảo khí bằng năng lượng gió”, cô giáo Nguyễn Thị Đại, giáo viên Vật lý, người trực tiếp hướng dẫn nhóm tác giả trên thực hiện đề tài, cho biết.

Chia sẻ về sáng chế này, em Đào Đình Bình cho biết, ý tưởng ban đầu của nhóm là sử dụng năng lượng gió từ cấp 3 trở lên làm quay cánh quạt hình trụ đứng. Cánh quạt quay sẽ khiến hệ thống bánh răng quay và làm cần khuấy nước hoạt động, qua đó hòa tan ô xy vào nước như máy sục khí bề mặt chạy bằng điện.

“Hệ thống này được thiết kế theo tỷ lệ 1:4, tức là cánh quạt 1 vòng thì cần khuấy nước sẽ quay được 4 vòng”, Bình cho biết.



 

Máy sục bằng năng lượng gió hoạt động tốt trong điều kiện thực tế, gió cấp 3 trở lên (Ảnh do nhóm nghiên cứu khoa học Trường THCS Chu Văn An cung cấp)
Máy sục bằng năng lượng gió hoạt động tốt trong điều kiện thực tế, gió cấp 3 trở lên (Ảnh do nhóm nghiên cứu khoa học Trường THCS Chu Văn An cung cấp)



Tuy nhiên, do việc thiết kế cánh quạt giống như quạt điện thông thường nên lần đầu tiên đưa ra đầm tôm, máy đã không hoạt động. Không nản chí, cả nhóm lại mày mò nghiên cứu và thay đổi thiết kế cách quạt thành dạng nửa hình trụ, dựng đứng. Với thiết kế này, máy đã chạy ổn định khi gió thổi từ cấp 3 trở lên.

“Với mong muốn làm một thiết bị có thể áp dụng ngay được vào thực tế nên cả nhóm nghĩ phải làm sao cho máy chạy được trong mọi hoàn cảnh. Cuối cùng, chúng em quyết định lắp thêm một bộ phát điện bằng năng lượng mặt trời. Trong quá trình sản xuất, người dân có thể căn cứ vào tình hình thực tế để sử dụng năng lượng gió, hay năng lượng mặt trời để chạy máy. Tuy nhiên, năng lượng gió vẫn được ưu tiên”, Trịnh Hoàng Giang nói.


 

 Một bộ pin mặt trời được lắp thêm vào máy phòng trường hợp gió yếu (Ảnh Lê Tân)
Một bộ pin mặt trời được lắp thêm vào máy phòng trường hợp gió yếu (Ảnh Lê Tân)



Theo cô Đại, tổng chi phí cho chiếc máy khoảng 5 triệu đồng và không tốn chi phí vận hành hàng tháng như chạy bằng điện. “Khi đưa ra thực tế, máy sẽ cần thay đổi một số chỗ. Chân đế sẽ được đổ bê tông xuống đầm, thay vì khung sắt như hiện tại. Các cần trục sẽ dùng thép chống ô xy hóa. Chi phí cũng không đội lên nhiều”, cô Đại nói.

Anh Vũ Dũng, chủ đầm thủy sản ở huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, so sánh: “Một máy sục khí giống loại mà các học sinh trường Chu Văn An chế tạo bán ngoài thị trường có giá khoảng 7 triệu đồng. Ngoài ra, còn phải có chi phí xây dựng hệ thống điện. Như nhà tôi chạy 200 m hệ thống điện đã mất hơn 20 triệu đồng. Thêm vào đó là tiền điện hàng tháng nữa”.

Với tính năng thiết thực như vậy, sản phẩm máy khuấy, đảo khí cho đầm nuôi trồng thủy sản bằng năng lượng gió của nhóm học sinh Trường THCS Chu Văn An giành giải đặc biệt Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Hải Phòng năm 2018 và giải ba Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc năm 2018.

Đánh giá về sản phẩm trên, anh Đào Phú Thủy Dương, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, thành viên Ban giám khảo Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Hải Phòng năm 2018, cho biết: “Ban giám khảo đánh giá cao sản phẩm này vì nó thể hiện sự tìm tòi, đi vào thực tiễn trong học tập, sáng tạo của các em học sinh. Sản phẩm có tính thực tiễn rất cao. Chúng tôi hy vọng các nhà khoa học, doanh nghiệp, chủ đầm thủy sản mạnh dạn tiếp cận, phát triển sản phẩm để sáng tạo của các em không bị lãng phí”.

Lê Tân (thanh nien)

Có thể bạn quan tâm