Học sinh trường huyện chế tạo thiết bị Ampli đèn từ rác thải điện tử

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Từ rác thải điện tử, nhóm học sinh Huỳnh Lâm Hương (lớp 10C1) và Phan Văn Trung Kiên (lớp 11B4, Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã chế tạo thành thiết bị Ampli đèn. 
Nói về mục đích tái chế rác thải điện tử, em Lâm Hương cho hay: “Theo số liệu của Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 100.000 tấn rác thải điện tử, trong khi khối lượng rác thải được thu gom chỉ hơn 10.000 tấn; ước tính rác thải điện tử sẽ tăng đến trên 250.000 tấn vào năm 2025. Rác thải điện tử đang được xếp vào nhóm chất thải nguy hại. Tại huyện Đak Đoa, rác thải điện tử chưa được thu gom và xử lý đúng cách, đa phần để chung với rác thải sinh hoạt”.
Linh kiện điện tử có các chất độc hại như: chì, thủy ngân, asen, cadimi, selen và các chất chống cháy không gây nguy hiểm trong quá trình sử dụng bình thường nhưng có thể làm ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước ngầm và không khí, tác động xấu đến sức khỏe con người khi xử lý không đúng cách như: chôn lấp hoặc đốt chung với rác thải sinh hoạt. “Sau khi có ý tưởng tái chế rác thải điện tử, chúng em đã tìm hiểu, nghiên cứu, chọn lựa các vật liệu để làm Ampli đèn-một dòng thiết bị khuếch đại âm thanh vận hành dựa vào nguyên lý hoạt động của bóng đèn. So với những thiết bị âm thanh khác trên thị trường thì âm thanh của Ampli đèn đặc biệt hơn, mang đậm chất cổ xưa, nổi bật là thanh âm Analog”-em Phan Văn Trung Kiên chia sẻ.
Em Huỳnh Lâm Hương (người ngồi, lớp 10C1, Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Đak Đoa) và cô Phạm Thị Thanh Tâm với thiết bị Ampli. Ảnh Thủy Bình
Em Huỳnh Lâm Hương (người ngồi, lớp 10C1, Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Đak Đoa) và cô Phạm Thị Thanh Tâm với thiết bị Ampli. Ảnh Thủy Bình
Cô Phạm Thị Thanh Tâm-giáo viên dạy Vật lý Trường THPT Nguyễn Huệ: Khi các em trình bày ý tưởng, tôi thấy rất hay và ý nghĩa. Trong quá trình tạo ra sản phẩm, tôi chia sẻ với các em một số kiến thức vật lý liên quan, còn lại do các em tự mày mò, sáng tạo. Ampli đèn là sản phẩm có bán ngoài thị trường, giá từ 10 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Việc tự nghiên cứu, chế tạo Ampli đèn từ rác thải điện tử thể hiện khả năng sáng tạo, vận dụng những kiến thức học được của học sinh, góp phần bảo vệ môi trường, rất xứng đáng được biểu dương, khích lệ”.
Để làm ra sản phẩm này, nhóm tác giả sử dụng các linh kiện: biến thế, cuộn Choke, biến thế xuất âm, bóng đảo pha, bóng công suất, dây điện... có trong tủ lạnh, máy tính, ti vi. Sản phẩm Ampli đèn được lắp ráp theo nguyên tắc vật lý và xử lý vấn đề nhiễu, ù của âm thanh. Ampli đèn vận hành chủ yếu dựa vào nguyên lý hoạt động của bóng đèn, cụ thể là sự khuếch đại dòng tín hiệu khi qua linh kiện này. Tương tự với bóng bán dẫn, bóng đèn chỉ cho dòng electron đi qua theo một chiều nhất định. “Chúng em bắt đầu nghiên cứu từ tháng 9 và hoàn thành sản phẩm vào tháng 11-2021. Trong quá trình thực hiện, chúng em cũng gặp những khó khăn nhất định, phải thử đi thử lại nhiều lần do lắp ráp không đúng, âm thanh không đạt chất lượng. Nhóm vừa vận dụng kiến thức vật lý đã học, vừa tìm tòi kiến thức trên mạng internet và nhờ sự hướng dẫn của cô giáo bộ môn để khắc phục từng lỗi, tìm ra được các thông số phù hợp nhất cho sản phẩm”-Kiên cho hay.
Nhóm tác giả dự án “Tái chế rác thải điện tử thành Ampli đèn” nhận giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vì đạt giải tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022. Ảnh: Thủy Bình
Nhóm tác giả dự án “Tái chế rác thải điện tử thành Ampli đèn” nhận giấy khen của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo vì đạt giải tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022. Ảnh: Thủy Bình
Trong khi đó, em Huỳnh Lâm Hương thì thông tin: “Vì sử dụng vật liệu tái chế nên thiết bị Ampli đèn vẫn chưa đảm bảo được tính thẩm mỹ. Ưu điểm của hệ thống Ampli đèn này là tạo ra âm thanh tự nhiên, mượt mà, dày dặn được rất nhiều người ưa thích. Hệ thống Ampli có nhiều bóng đèn, mỗi bóng đèn có hiệu điện thế, cường độ dòng điện hoạt động, âm thanh phát ra khác nhau. Đây là một trong những đặc điểm độc đáo và hấp dẫn người nghe nhạc của Ampli đèn”.
Nhóm tác giả đã hoàn thành 2 chiếc Ampli đèn theo thiết kế trên, tạo ra chất lượng âm thanh tốt, 1 chiếc bán cho quán cà phê, 1 chiếc dùng để phục vụ các chương trình phát thanh của Đoàn trường. Với tính ứng dụng cao và mục đích bảo vệ môi trường, Dự án “tái chế rác thải điện tử thành Ampli đèn” của 2 học sinh này đã đạt giải khuyến khích Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học năm học 2021-2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. “Sắp tới, chúng em sẽ tiếp tục cải tiến để sản phẩm có tính thẩm mỹ hơn. Đồng thời, nhóm cùng với Đoàn trường đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của rác thải điện tử nếu không được xử lý đúng cách. Nhóm đang dự định tổ chức hoạt động “đổi rác thải điện tử lấy quà” để thu gom, xử lý rác thải điện tử an toàn”-Huỳnh Lâm Hương hào hứng chia sẻ.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm