Học sinh trường huyện ở Chư Păh thiết kế phần mềm tra cứu lịch sử Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Với mong muốn giúp các bạn có thêm hứng thú khi học môn Lịch sử, 2 em Trương Thị Thúy An và Nguyễn Dương Diệp Linh-học sinh lớp 9A, Trường THCS thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai đã cùng nhau nghiên cứu và thiết kế phần mềm “Tra cứu lịch sử Việt Nam”. Phần mềm đã đạt giải ba Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 10-2022.
Trò chuyện cùng tôi, An cho biết: “Hiểu được sự khó khăn của việc học môn Lịch sử, chúng em đã bắt tay tìm hiểu, nghiên cứu để tạo ra một công cụ học tập có thể tóm tắt các sự kiện, thông tin về nhân vật một cách ngắn gọn, giúp người học dễ nắm bắt và ghi nhớ lâu hơn”.
Thực hiện khi đang học lớp 8, vì thế, An và Linh phải bao quát lượng kiến thức lớn, đọc trước lịch sử, tóm lược các sự kiện phù hợp, chính xác. Lúc đầu, 2 em dựa vào nhiều nguồn tài liệu khác nhau nhưng một số mốc lịch sử giữa các tài liệu không đồng nhất. Do đó, nhóm quyết định chọn thông tin chuẩn ở sách giáo khoa bậc THCS để viết thành dữ liệu hoàn chỉnh. Quá trình sáng tạo phần mềm, các em gặp phải những khó khăn nhất định nhưng nhờ sự hỗ trợ của giáo viên môn Lịch sử và Tin học nên đã hoàn thiện sản phẩm với chất lượng tốt. 
Em Trương Thị Thúy An (bìa trái) và em Nguyễn Dương Diệp Linh đang bổ sung dữ liệu vào phần mềm “Tra cứu lịch sử Việt Nam”. Ảnh: Minh Nhật
Em Trương Thị Thúy An (bìa trái) và em Nguyễn Dương Diệp Linh bổ sung dữ liệu vào phần mềm “Tra cứu lịch sử Việt Nam”. Ảnh: Minh Nhật
Phần mềm được thiết kế theo trục thời gian, gồm 6 thư mục: thời đại nguyên thủy, thời kỳ dựng nước (2000-258 trước Công nguyên), thời kỳ Bắc thuộc và chống Bắc thuộc, thời đại phong kiến dân tộc, thời Pháp thuộc, giai đoạn 1945 đến nay. Mỗi thư mục được nhóm tác giả đầu tư kỹ lưỡng. Ví dụ, ở thư mục thời Pháp thuộc (1883-1945) là những thông tin về các vị vua trị vì trong từng giai đoạn, những thăng trầm của thời kỳ đó kèm theo hình ảnh minh họa. Đối với giai đoạn 1945 đến nay, nhóm tác giả cũng thiết kế 3 thư mục nhỏ: 1945-1954, 1954-1975, từ 1975 đến nay với nhiều thông tin, dữ liệu liên quan đến từng giai đoạn.
Với cách làm này, khi muốn tìm hiểu về một sự kiện lịch sử, các em học sinh chỉ cần click chuột vào phần mềm để tra cứu thông tin. Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn nghiên cứu, tạo ra một chuỗi câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến các sự kiện lịch sử, được minh họa bằng những hình ảnh sinh động, giúp người xem, người học thêm hứng thú. Trước khi chính thức đưa vào sử dụng, nhóm tác giả còn nhờ thầy-cô giáo trong trường khảo sát, lấy ý kiến để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện sản phẩm.
Những thư mục trong phần mềm “Tra cứu lịch sử Việt Nam” của nhóm tác giả Trương Thị Thúy An và Nguyễn Dương Diệp Linh (lớp 9A, Trường THCS thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Minh Nhật
Những thư mục trong phần mềm “Tra cứu lịch sử Việt Nam” của nhóm tác giả Trương Thị Thúy An và Nguyễn Dương Diệp Linh (lớp 9A, Trường THCS thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh). Ảnh: Minh Nhật
Từ  phần mềm này, An và Linh nhanh chóng nắm bắt, ghi nhớ sâu các sự kiện lịch sử. Trong năm học 2021-2022, điểm tổng kết môn Lịch sử của An là 9,4; còn Linh là 9,3. Tháng 3-2022, nhóm tác giả đã giới thiệu phần mềm với các bạn học sinh trong trường. Em Lê Phạm Khánh Linh (lớp 8B, Trường THCS thị trấn Phú Hòa) bày tỏ: “Em thấy phần mềm học lịch sử này rất ý nghĩa. Nhờ phần mềm này, em ghi nhớ nhanh các sự kiện ở phần lịch sử Việt Nam”.
Là người trực tiếp hỗ trợ nhóm tác giả thực hiện phần mềm, cô Nguyễn Thị Tú Mai-giáo viên môn Tin học Trường THCS thị trấn Phú Hòa-cho biết: “Phần mềm này được 2 em thực hiện liên tục trong 6 tháng. Khi có phần mềm hỗ trợ học lịch sử, các em học sinh ghi nhớ sâu hơn những kiến thức căn bản. Việc làm của An và Linh rất ý nghĩa, góp phần khơi gợi lòng yêu nước trong mỗi học sinh”.
Phần mềm này đã đạt giải ba tại Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh lần thứ 10-2022, được Ban giám khảo đánh giá cao vì tính thiết thực và ý nghĩa. Nói về dự định sắp tới, Linh bày tỏ: “Phần mềm khá đơn giản nhưng giúp chúng em rất nhiều trong việc học lịch sử. Thời gian tới, nhóm tiếp tục thêm hình ảnh đại diện cho các sự kiện và nhân vật lịch sử để phần mềm đa dạng hơn; sắp xếp theo trục thời gian hợp lý; tính toán, thiết kế phần mềm theo từng khối lớp. Chúng em hy vọng, phần mềm không chỉ được áp dụng tại trường mà còn lan tỏa, nhân lên tình yêu lịch sử trong các bạn học sinh”.
MINH NHẬT
 

Có thể bạn quan tâm