Học thủy lợi để quay về giúp quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đang bận rộn với lịch làm nghiên cứu sinh ngành thủy lợi tại Đại học Sydney (Úc), bạn Nguyễn Duy Duy (sinh năm 1991, quê Hà Tĩnh) vẫn luôn đồng hành với nhiều hoạt động tại quê hương.
 Chàng trai đa tài Nguyễn Duy Duy - Ảnh: NVCC
Chàng trai đa tài Nguyễn Duy Duy - Ảnh: NVCC
 
"Khi mình có sự tập trung và quyết tâm đủ lớn thì cuộc sống sẽ không bao giờ đóng sập cửa lại".
NGUYỄN DUY DUY
"Bởi tôi có quá nhiều trăn trở với nơi chôn nhau cắt rốn của mình" - Duy Duy tâm tình.
* Bạn từng chia sẻ khởi điểm về con đường đang theo đuổi bắt nguồn từ biển?
- Tôi vốn rất yêu biển - nơi từng là góc ký ức đẹp đẽ. Lúc bé, tôi được vui đùa trước biển, cùng chúng bạn chạy dọc bãi cát dài để thả diều... Lớn lên đôi chút, biển rộng bao la lại là nơi tôi tìm đến để trầm ngâm, lắng lòng và suy nghĩ về mọi thứ.
Nhưng biển cũng là nơi khởi nguồn của những đau thương, mất mát, nhất là khi bão lũ tràn về. Hà Tĩnh quê tôi thời tiết khắc nghiệt. Mùa hè nắng và gió Lào khô da, có khi đến hơn 45 độ C, còn từ tháng 7, tháng 8 âm lịch, thông tin báo về cơn bão đổ bộ từ biển, số 1, số 2, có những khi đến con số 13, 14... Bố tôi suýt gặp nạn trong một ngày đầu đông năm 2006 khi một cơn bão lớn đổ bộ vào miền Trung.
Những hình ảnh đó ăn sâu vào tâm trí, khiến tôi không ngừng suy nghĩ về nó. Càng lớn tôi càng quyết tâm tìm hiểu và tìm cách giảm nhẹ hệ lụy của thiên tai, vì vậy tôi chọn ngành thủy lợi.
* Hướng bạn đang nghiên cứu tại Úc như thế nào?
- Chúng tôi đang tập trung mô hình số để giải quyết các vấn đề trong thủy lực dòng chảy, đặc biệt là dòng chảy rối và sự hòa trộn. Có thể hiểu nôm na là nghiên cứu này giúp phát triển các mô hình thủy lực nguồn, qua đó ứng dụng vào những mô hình thương mại để giải quyết vào các bài toán môi trường nước, chẳng hạn như giải quyết vấn đề tảo xanh nở hoa hay ô nhiễm nguồn nước.
Mặt khác, mô hình này cũng được ứng dụng trong việc giải quyết xâm nhập mặn hay ao nhiệt (solar ponds), về khí hậu, việc sử dụng hiệu quả năng lượng trong hệ thống điều hòa của một tòa nhà. Đây đều là những trường hợp mà sự phân tầng nhiệt xảy ra rất rõ.
Quan trọng hơn hết, mô hình này đưa ra giải pháp cho bài toán xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, một vấn đề cấp thiết ở Việt Nam. Chính vì vậy tôi càng thêm động lực đào sâu vào đề tài để có thể giúp người dân miền Tây.
* Bạn khá trăn trở khi giáo dục Việt Nam ít đề cao tinh thần phản biện ở người học?
- Tôi nhận ra hạn chế này rất rõ sau khi đi du học. Chẳng hạn khi học một hiện tượng vật lý, thông thường tôi sẽ phải học thuộc công thức và làm bài tập... trong khi ở các nước có nền giáo dục phát triển thì khuyến khích và lắng nghe các câu hỏi, ý tưởng từ người học là ưu tiên hàng đầu.
Hạn chế ấy dẫn tới hệ lụy là phương pháp tiếp cận khoa học của tôi và một số bạn bè sau này khá thụ động. Tôi mất nhiều thời gian để thích nghi với cách tư duy, phương pháp nghiên cứu khi làm việc ở môi trường quốc tế, phòng thí nghiệm lớn...
Gần đây tôi quay về Việt Nam khá nhiều với mong muốn góp phần cải thiện điều này qua các dự án xã hội, giáo dục.
* Vậy bạn đã từng một lần "phản biện" trong cuộc sống?
- Bố mẹ từng muốn tôi học lên thẳng thạc sĩ, tiến sĩ ở Nga rồi về Việt Nam đi dạy, bởi đó là đường đi khá ổn định. Nhưng tôi lại khao khát được chinh phục chân trời tri thức tại Mỹ.
Thời điểm tôi học xong ở Nga và về nước là lúc căng thẳng nhất. Bố mẹ tôi trước giờ không cấm đoán, ép buộc điều gì nhưng phận làm con khiến tôi nhiều áp lực khi dám đi ngược lại.
Chưa kể, tôi phải mày mò học lại tiếng Anh, mở tiếng Anh nghe mọi lúc mọi nơi, thậm chí đến khi ngủ cũng mớ tiếng Anh.
Vượt qua rào cản tiếng Anh thì tôi lại chới với khi "cơn mưa" từ chối từ các trường đại học Mỹ ào ạt đến, đó cũng là lúc bạn bè cùng khóa lần lượt bay lại Nga để học tiếp thạc sĩ, trong khi tiền túi của tôi cạn dần vì phí nộp ứng tuyển. Dẫu vậy, điều may mắn là sau "cơn mưa" đó thì một loạt học bổng khác kéo đến. Tôi nộp hồ sơ 11 trường thì đậu 7 trường với học bổng toàn phần ở Mỹ. Tôi cho rằng khi hiểu rõ bản thân, đam mê và không ngừng nỗ lực thì hãy kiên định thuyết phục để được đi theo ước mơ của mình.
* Một điểm thú vị là bạn khá nhàn nhã trong cuộc sống hiện tại ở Úc, vẫn có thời gian vẽ và chơi đàn vào cuối tuần?
- Xã hội nào cũng tồn tại nhiều vấn đề. Lúc mới nhập học ở ngôi trường danh tiếng Notre Dame, tôi chưa bao giờ về nhà trước 2h sáng vì khối lượng việc giáo sư giao rất nặng và phòng thí nghiệm của tôi rất lớn, với nhiều bạn đến từ các trường top đầu thế giới.
Khu vực tôi ở miền bắc nước Mỹ hơi hiu quạnh, quanh năm chỉ thấy tuyết lạnh và các đồng ngô trải dài bất tận. Cuộc sống nói chung cô đơn và rất nhiều áp lực.
Nhưng tôi nỗ lực vượt qua, giải quyết lần lượt từng vấn đề và cuối cùng mọi chuyện dần tốt lên. Ở Úc, lịch làm việc của tôi vẫn hơn 12 tiếng trong phòng thí nghiệm mỗi ngày, song có lẽ vì bản thân đã đương đầu với quá nhiều khó khăn nên sau này cuộc sống của tôi nhẹ nhàng, dễ thở hơn, ít có gì làm khó mình được nữa.
 
Thông thạo 3 ngoại ngữ và biết nhiều nhạc cụ
Duy Duy tốt nghiệp ĐH loại ưu ngành xây dựng và môi trường tại ĐH Bách khoa Saint Petersburg (Nga), cao học tại ĐH Notre Dame (Mỹ) và đang là nghiên cứu sinh ở ĐH Sydney, Úc (tất cả đều với học bổng toàn phần). Bạn và nhóm nghiên cứu tại Úc đang tìm hiểu về các đề tài giải quyết vấn đề phân tầng nhiệt và xâm nhập mặn.
Duy có thể sử dụng tốt tiếng Anh, Nga, Pháp và chơi được nhiều nhạc cụ như guitar cổ điển, ukulele, harmonica, piano...
CÔNG NHẬT thực hiện (Dẫn nguồn: TTO)

Có thể bạn quan tâm