'Hot girl' làm giảng viên dẫn dắt sinh viên nghiên cứu khoa học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sau 2 năm từ cuộc gặp gỡ tình cờ, Võ Hoàng Kim An trở thành giảng viên bộ môn kinh doanh và thương mại quốc tế, Trường ĐH Ngoại thương cơ sở tại TP.HCM.

30 tuổi, Võ Hoàng Kim An là cái tên được nhiều sinh viên nhắc đến không chỉ với vẻ ngoài xinh xắn mà còn là sự tận tâm cùng sinh viên trong hoạt động giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

 

Nữ giảng viên xinh đẹp, tài năng. Ảnh: NVCC
Nữ giảng viên xinh đẹp, tài năng. Ảnh: NVCC


“Vô tình” trở thành giảng viên

Năm 2014, Kim An tốt nghiệp cử nhân ngành kinh doanh quốc tế, Trường Kinh tế TP.HCM. “Thời điểm chuẩn bị tốt nghiệp, tôi lựa chọn tiếp tục theo đuổi học thuật để có thể phục vụ tốt hơn cho công việc kinh doanh sau này. Trong thời gian ngắn chuẩn bị hồ sơ, tôi may mắn nhận được học bổng 50% cho ngành học kinh doanh quốc tế của ĐH La Trobe (Úc). Thực sự, đến khi kết thúc khóa học Thạc sĩ, tôi vẫn chưa bao giờ nghĩ sẽ trở thành cô giáo”, An cho biết.

Cuối năm 2015, cô trở về nước với tấm bằng tốt nghiệp danh dự và có các trải nghiệm liên quan đến chuyên ngành, nhưng vẫn chưa thực sự tìm được công việc phù hợp với bản thân.

 

Kim An (áo hồng, giữa) cùng các bạn sinh viên đạt giải Đặc biệt cuộc thi Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng lần thứ 7 năm 2022 toàn quốc. Ảnh: NVCC
Kim An (áo hồng, giữa) cùng các bạn sinh viên đạt giải Đặc biệt cuộc thi Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng lần thứ 7 năm 2022 toàn quốc. Ảnh: NVCC


“Trong một lần tham gia chương trình tại Trường ĐH Ngoại thương cơ sở tại TP.HCM, tôi được gặp gỡ và giao lưu với các thầy cô, được lắng nghe chia sẻ về hoạt động giảng dạy, nghiên cứu. Giữa lúc mới về nước, vẫn còn hoang mang với những dự định của bản thân, nghe được những lời chia sẻ chân thành, bỗng nhiên tôi cũng muốn được trở thành giảng viên. Tôi quyết định tìm kiếm cơ hội việc làm tại các trường ĐH, dành thời gian tự bồi dưỡng thêm để có những trải nghiệm ban đầu với nghề thật đáng quý”, Kim An nhớ lại.

Đầu năm 2016, Kim An là giảng viên tại Trường CĐ Kinh tế đối ngoại TP.HCM. Với sự nỗ lực của bản thân, năm 2017, cô trở thành giảng viên của Trường ĐH Ngoại thương cơ sở tại TP.HCM và là giảng viên thỉnh giảng tại Trường ĐH Tài chính - Marketing.

Sau khi tìm được điểm đến trong hành trình sự nghiệp, Kim An cố gắng trau dồi kiến thức học thuật, năm 2018 cô chinh phục học bổng toàn phần cho chương trình nghiên cứu sinh tại Đài Loan.

“Đến bây giờ, động lực lớn nhất để mình theo đuổi học thuật chính là sinh viên. Nguồn năng lượng tích cực, sự thông minh và giỏi giang từ các bạn đã tiếp sức để mình nỗ lực, hoàn thiện bản thân nhiều hơn với mong muốn đồng hành cùng các bạn trên chặng đường trưởng thành”, cô nói.

Dẫn dắt sinh viên nghiên cứu khoa học

Sau 5 năm đến với nghề giáo, nữ giảng viên đã bước đầu gặt hái được những thành công trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Cụ thể, Kim An có các bài đăng trên tạp chí lớn của lĩnh vực kinh tế thuộc danh mục SSCI, SCOPUS, đến các quốc gia để tham dự Hội thảo quốc tế và hướng dẫn nhiều nhóm sinh viên đạt thành tích cao trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Đáng chú ý, tháng 6 vừa qua, nhóm sinh viên do cô hướng dẫn đã đạt giải Đặc biệt cuộc thi Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng lần thứ 7 năm 2022 toàn quốc.

“Lúc mới về trường, được làm việc với các thầy cô có đam mê, xuất sắc trong nghiên cứu khoa học đã tạo động lực cho mình đồng hành cùng sinh viên. Tôi hy vọng từ nghiên cứu khoa học, các bạn trau dồi hơn kiến thức chuyên ngành thông qua các kỹ năng phân tích, nghiên cứu, làm mạnh hơn lối tư duy và kỹ năng giao tiếp để có thể giải quyết được tốt hơn các vấn đề thực tiễn, hay đơn giản tốt là chuẩn bị nền tảng cho việc làm khóa luận tốt nghiệp”, cô nói về lý do tích cực tham gia hướng dẫn các nhóm sinh viên nghiên cứu.

Là một thành viên trong nhóm nghiên cứu cô Kim An, sinh viên Phan Thị Mỹ Hằng, lớp 59D ngành kinh tế đối ngoại, cho biết: “Đây là lần đầu tiên em và các bạn cùng tham gia nghiên cứu khoa học với đề tài "Tác động của tâm lý chú trọng kết quả tài chính của cấp lãnh đạo đến hành vi phi đạo đức có lợi cho tổ chức của cá nhân: Áp dụng Lý thuyết tương tác về căng thẳng và may mắn" đạt được giải Đặc biệt toàn quốc. Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, tụi em gặp không ít trở ngại bởi những khái niệm này tương đối mới. Tuy nhiên, với sự tận tình của cô Kim An, nhóm em đã xác định được đúng mục tiêu, tìm ra những giải pháp để khắc phục cho bài nghiên cứu được hoàn thiện hơn và có kết quả tốt như vậy”, Hằng chia sẻ.

 

Nhân vật (hàng 2, ngoài cùng trái qua) cùng các giảng viên và sinh viên tại ĐH Ngoại thương TP.HCM tham gia giao lưu văn hoá tại ĐH Quốc gia Trung Sơn Đài Loan năm 2018. Ảnh: NVCC
Nhân vật (hàng 2, ngoài cùng trái qua) cùng các giảng viên và sinh viên tại ĐH Ngoại thương TP.HCM tham gia giao lưu văn hoá tại ĐH Quốc gia Trung Sơn Đài Loan năm 2018. Ảnh: NVCC


“Hướng dẫn sinh viên không phải là một câu chuyện khó nhưng cũng chẳng dễ. Có nhiều lúc tôi cảm nhận được sự mệt mỏi, áp lực của sinh viên khi đối mặt với những vấn đề phát sinh, nhưng lại chẳng dám nói với giảng viên. Vì thế, tôi chủ động mở lời, chia sẻ với sinh viên để cùng tìm cách giải quyết. Thực sự hành trình giảng dạy và nghiên cứu không chỉ cho mình có cơ hội gặp gỡ, học hỏi từ các Giáo sư mà còn từ cả các bạn sinh viên trẻ tài năng”, Kim An tâm sự.

Một trong những điều hạnh phúc của nữ giảng viên trẻ là được đồng hành cùng sinh viên từ lúc còn lạ lẫm về phương pháp nghiên cứu đến khi hiểu rõ và có thể giải thích hiện tượng xung quanh cuộc sống bằng khoa học.

Nói về kế hoạch sắp tới, nữ giảng viên cho biết cô sẽ tiếp tục đồng hành cùng sinh viên trong nghiên cứu khoa học, nâng cao chuyên môn bằng cách tham gia nhiều hơn Hội thảo quốc tế liên quan đến chuyên ngành và hoàn thành nghiên cứu sinh của mình.

 

Theo Di Yên (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm