H'Uyên Niê: Rời sân khấu làm người con của làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trước khi trở thành Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), chị H'Uyên Niê có 5 năm là ca sĩ của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San. Vì lý do gia đình, chị rời phố xá và ánh đèn sân khấu để về làm cán bộ xã. Ở vai trò mới mẻ này, chị luôn hết mình với công việc nên được dân quý, dân tin như người nhà.  

Hết mình với văn hóa truyền thống Jrai

Chị H'Uyên là người Ê Đê, sinh ra và lớn lên ở huyện Krông Bông (tỉnh Đak Lak). Trong thời gian theo học chuyên ngành Thanh nhạc tại Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, chị gặp anh Siu Thúp khi ấy đang là sinh viên Học viện Quân y. Ra trường, chị về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San, rồi lập gia đình với anh Thúp. Chồng là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Mơ Nông, công việc yêu cầu phải trực đêm nhiều, bản thân chị thường đi công tác xa. Vì vậy, đến khi có thêm con nhỏ thì chị buộc phải đưa ra lựa chọn mang tính quyết định. Tháng 5-2017, chị bỏ biên chế và xin về công tác tại Hội LHPN xã Ia Mơ Nông. “Thời gian đầu về đây, mình cũng có chút tủi thân. Nhưng rồi mình mau chóng vượt qua vì đã xác định phải hy sinh. Chuyện ăn mặc, trang điểm cũng phải khác đi chứ không còn như lúc đứng trên sân khấu”-chị H'Uyên bộc bạch.

Lúc mới về “làm dâu”, chị H'Uyên gặp nhiều khó khăn bỡ ngỡ vì phong tục, tập quán Ê Đê và Jrai có nhiều khác biệt, cách sinh hoạt và lễ nghi cũng có nhiều nét không tương đồng. Tuy nhiên, sau đó, chị hòa nhập với môi trường mới rất nhanh. Chị học tiếng Jrai để giao tiếp với bà con, mua bánh trái xuống làng để vận động phong trào Hội. Nhờ sự gần gũi, giản dị, đi đến đâu chị cũng được bà con trân quý.

 Chị H'Uyên (bìa phải) rất tích cực tìm đầu ra cho CLB Dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông. Ảnh: Phương Duyên
Chị H'Uyên Niê (bìa phải) tích cực tìm đầu ra cho CLB Dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông. Ảnh: Phương Duyên


Về công tác được 1 năm, chị H'Uyên nhận thấy nhiều phụ nữ trong xã vẫn duy trì dệt thổ cẩm truyền thống. Đọc sách báo, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều nơi, chị bàn bạc với Ban Chấp hành Hội LHPN xã vận động thành lập Câu lạc bộ (CLB) Dệt thổ cẩm. Chị chia sẻ: “Sau chuyến trải nghiệm tại xã Tơ Tung (huyện Kbang) và học hỏi cách thức bà con nơi đây làm ra các sản phẩm du lịch, tôi cũng muốn giúp phụ nữ trong xã làm ra các sản phẩm tương tự, vừa gìn giữ văn hóa truyền thống, vừa phát triển kinh tế”.

Tháng 8-2019, CLB ra mắt với 30 thành viên tuổi từ 19 đến 60. Ngoài tiền bán thổ cẩm và các mặt hàng lưu niệm từ thổ cẩm (ví, túi xách, khăn quàng cổ…), các thành viên CLB còn có nguồn thu từ du lịch cộng đồng. Cụ thể, du khách hoặc nhiếp ảnh gia đến chụp ảnh và trải nghiệm hoạt động dệt thổ cẩm, CLB thu 100 ngàn đồng/người. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã thu về tổng cộng 120 triệu đồng. Ngoài một phần được giữ lại để gây quỹ, số tiền còn lại CLB chia đều cho các thành viên. Riêng hộ khó khăn còn được CLB trích quỹ hỗ trợ chỉ dệt. Cứ thế, CLB tự vận động và tìm kiếm nguồn tiêu thụ. Chị Siu Thỏi-Chủ nhiệm CLB Dệt thổ cẩm xã Ia Mơ Nông-bày tỏ: “Chị H'Uyên là người nhiệt tình giúp bà con giữ lại nét văn hóa truyền thống mà ông bà xưa để lại, từ đó truyền cho con cháu mình. Chị được bà con yêu quý lắm. Chị chẳng ngại khó khăn, đêm hôm mưa gió gì cũng lặn lội đến nhà vận động, giúp đỡ bà con”. Thêm một hoạt động khác mà chị H'Uyên triển khai nhằm góp phần phát triển du lịch cộng đồng là cùng người dân trong xã nhận nấu ăn phục vụ cho các đoàn du khách với các món đặc sản: cơm lam, gà nướng, lá mì xào, rau rừng…

Cán bộ phụ nữ đa năng

 

Ông Nguyễn Văn Hiệu-Chủ tịch UBND xã Ia Mơ Nông: “Chị H'Uyên Niê là cán bộ phụ nữ rất năng nổ, nhiệt tình, tâm huyết trong các phong trào Hội cũng như hoạt động chung của xã. Gắn bó với bà con dân làng, chị đã đưa nhiều phong trào đi lên, đóng góp chung vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội của xã”.

Thông qua mạng xã hội Zalo, Facebook, chị H'Uyên còn nhanh nhạy hỗ trợ bà con tiêu thụ nông-lâm sản phụ trên địa bàn, từ những sản phẩm phổ biến như đậu đen, đậu phộng cho đến mật ong, măng rừng, hạt kơ nia… Nhờ sự mau mắn của chị mà các loại trái cây sạch như: mít Thái, bơ, sầu riêng, thanh long ruột đỏ… cũng đắt hàng khi bán ra các thị trường lớn như: TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội. Chưa hết, chị còn vận động hội viên làm rượu ghè để bán như một sản phẩm du lịch. Chị Ksor H'Ying vui vẻ cho hay: “Từ khi chị H'Uyên về đây, người dân các làng được giúp đỡ nhiều lắm. Nhờ chị mà một số mặt hàng nông sản của bà con có đầu ra ổn định hơn, bán được giá hơn. Mình rất quý tính cách của chị H'Uyên”.

Với ngành học được đào tạo bài bản, chị H'Uyên còn góp sức rất lớn trong phong trào văn hóa-văn nghệ của xã Ia Mơ Nông. Năm 2017, chương trình văn nghệ của xã do chị dàn dựng đạt giải nhất toàn đoàn tại Hội thi văn nghệ quần chúng huyện Chư Păh. Tham gia Hội thi tuyên truyền viên giỏi về Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII khu vực miền Trung-Tây Nguyên do Trung ương Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) tháng 11-2017, tiết mục đàn trưng do chị thể hiện trong phần thi năng khiếu đã góp phần giúp đội thi của Hội LHPN tỉnh giành giải ba toàn đoàn. Năm 2020, tại cuộc thi “Tiếng hát đồng quê” do Hội Nông dân huyện tổ chức, chị cũng được trao giải A song ca.  

Phải yêu thương vùng đất, con người Ia Mơ Nông lắm thì mới có thể dốc hết tâm sức để tổ chức những hoạt động như chị H'Uyên đang làm. Nói về những dự định của mình, người cán bộ Hội năng động, sáng tạo này chia sẻ: Câu lạc bộ Dệt thổ cẩm đã cử một thành viên đi học may, dự kiến giữa tháng 6 sẽ ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới. Đồng thời, tận dụng nguồn nguyên liệu tre nứa có sẵn trên địa bàn, xã sẽ ra mắt CLB đan lát gồm 6 thành viên nhằm duy trì nghề truyền thống với các mặt hàng lưu niệm như gùi nhỏ, rổ rá… “Mình cũng đang lên kế hoạch để xin đầu tư cho xã 1 nhà sàn truyền thống làm nơi trưng bày thổ cẩm, các sản phẩm du lịch, quà lưu niệm, nông sản địa phương… Đây còn là nơi trải nghiệm dành cho khách du lịch. Nếu có thể chúng tôi cũng sẽ phát triển thành homestay để du khách có nơi nghỉ qua đêm, tìm hiểu thêm về văn hóa bản địa”-chị H'Uyên cho hay.

 

 PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm