Cuộc thi viết về chủ đề "Thành phố Pleiku: Bản sắc và Hiện đại"

Ia Nueng quyết tâm xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làng Ia Nueng (xã Biển Hồ, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch khi ở cạnh thắng cảnh Biển Hồ. Làng còn lưu giữ nhiều phong tục tập quán và văn hóa truyền thống của đồng bào Jrai, hứa hẹn là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn.

Nhiều tiềm năng du lịch cộng đồng

Nói về tiềm năng du lịch của làng Ia Nueng, bà Đinh Thị Hoa-Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ-thông tin: Làng Ia Nueng nằm ngay cạnh khu Di tích thắng cảnh Biển Hồ. Làng hiện có 225 hộ với 1.087 khẩu, trong đó, người Jrai chiếm 96,89%. Năm 2019, làng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Dù ít nhiều ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa nhưng Ia Nueng vẫn còn nét mộc mạc, hoang sơ và lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống. Hiện Ia Nueng còn 6 nhà sàn truyền thống, 3 nhà rông, cụm cây đa hàng trăm năm tuổi và giọt nước. Nhiều gia đình vẫn giữ được một số nghề truyền thống như: đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm.

Làng có 5 bộ cồng chiêng, được bà con sử dụng trong một số nghi lễ như: cưới hỏi, ma chay, lễ trưởng thành… và một số hoạt động văn hóa. Đội cồng chiêng của làng có 35 người. Trong làng có 10 người lớn tuổi có khả năng trao truyền kỹ năng trình diễn cồng chiêng.

Vườn tượng gỗ Bahnar, Jrai tại làng Ia Nueng. Ảnh: N.N

Vườn tượng gỗ Bahnar, Jrai tại làng Ia Nueng. Ảnh: N.N

Bên cạnh đó, tại khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng của làng còn có mô hình “Vườn tượng gỗ Bahnar, Jrai” gồm 24 tượng gỗ và cột trang trí, trưng bày với các nhóm tượng mô tả đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, lễ hội, tình cảm gia đình. Mô hình này do Văn phòng Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với UBND xã Biển Hồ lắp đặt từ tháng 6-2022. Mục đích là nhằm giới thiệu sản phẩm nghề mộc tượng gỗ dân gian, góp phần quảng bá các sản phẩm điêu khắc gỗ truyền thống của 2 dân tộc Bahnar, Jrai; giới thiệu giá trị nghệ thuật, văn hóa của loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của dân tộc thiểu số tại TP. Pleiku đến đông đảo người dân và du khách.

“Về văn hóa ẩm thực, các món ăn truyền thống của đồng bào Jrai được làng bảo tồn, phát huy như: cơm lam, gà nướng, lá mì xào, cà đắng... Trong đó, có 2 quán ẩm thực được người dân và du khách yêu thích là nhà hàng Tơ Nưng và Cơm niêu 208. Điều này góp phần tạo sự thuận lợi trong việc tổ chức dịch vụ phục vụ du khách khi đến tham quan làng Ia Nueng”-bà Hoa cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã Biển Hồ, trước đây, du khách đến tham quan, trải nghiệm tại làng Ia Nueng chủ yếu là vãng lai, tự túc tham quan, nghỉ ngơi thông qua các homestay tại làng. Tháng 9-2023, UBND TP. Pleiku ban hành Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng đã mở ra cơ hội đầu tư, xây dựng, định hướng và phát triển nhằm đưa Ia Nueng trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn của xã Biển Hồ nói riêng, TP. Pleiku nói chung.

Người dân chung sức, đồng lòng

Để cụ thể hóa Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng, UBND xã Biển Hồ đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch năm 2024 trên địa bàn xã, chú trọng phát triển du lịch phù hợp với định hướng, quy hoạch phát triển du lịch của xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, xã tập trung khai thác đa dạng tiềm năng, lợi thế về du lịch, trọng tâm là du lịch cộng đồng. Phục vụ du khách tìm hiểu về văn hóa, phong tục tập quán, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số; xây dựng và phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với sự tham gia trực tiếp của người dân; góp phần phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Bà R'Cơm H'Myữ-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Biển Hồ-chia sẻ: “Khi UBND thành phố ban hành Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng, người dân hết sức phấn khởi, đồng thuận và mong muốn góp sức mình để cùng triển khai thực hiện đề án”.

Là một trong những người tâm huyết với việc triển khai du lịch cộng đồng, ông Rơ Châm Hmyơk-người uy tín của làng Ia Nueng-khẳng định: “Tôi ủng hộ và sẽ đồng hành cùng địa phương triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch cộng đồng. Hiện gia đình có 1 ngôi nhà sàn gỗ truyền thống và sẵn sàng đưa vào phục vụ du khách.

Trước đây, người dân trong làng chỉ làm du lịch tự phát. Bây giờ đã có chủ trương và được hướng dẫn thì bà con sẽ chung tay góp sức, phấn đấu đưa Ia Nueng thành điểm đến du lịch hấp dẫn”.

Làng Ia Nueng bảo tồn được cụm cây đa hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Như Nguyện

Làng Ia Nueng bảo tồn được cụm cây đa hàng trăm năm tuổi. Ảnh: Như Nguyện

Trong các buổi họp làng, khi được thông tin về chủ trương xây dựng làng du lịch cộng đồng, người dân đều bày tỏ sự phấn khởi và nhất trí cao. Già làng Hmrik cho hay: Dân làng vui lắm, ai cũng mong muốn được góp sức mình chung tay thực hiện đề án. Bà con cam kết tham gia từ việc nhỏ nhất như giữ gìn vệ sinh, cảnh quan để làng sạch đẹp, trồng hoa dọc đường làng tạo điểm nhấn…

“Với sự chung tay góp sức và có sự đầu tư, hỗ trợ của UBND thành phố, tôi tin rằng đề án sẽ có nhiều thuận lợi khi triển khai. Hy vọng khi phát triển làng du lịch cộng đồng, bà con có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống”-già Hmrik tin tưởng.

Mới đây, UBND TP. Pleiku đã tiến hành khảo sát và làm việc với Tổ quản lý du lịch cộng đồng và hệ thống chính trị xã Biển Hồ về tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng Ia Nueng. Qua khảo sát và lắng nghe ý kiến đóng góp từ các chuyên gia và các cơ quan, ban ngành của tỉnh, thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Sung đề nghị UBND xã Biển Hồ cần khẩn trương triển khai thực hiện Đề án làng văn hóa du lịch cộng đồng tại làng Ia Nueng.

Cùng với đó, tăng cường vận động, khuyến khích các hộ dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp với định hướng phát triển du lịch cộng đồng; kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn quan tâm đóng góp nguồn vốn, đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch; tập trung khai thác nét văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số tại địa phương như: dệt thổ cẩm, cồng chiêng, ẩm thực...

Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cộng đồng một cách chuyên nghiệp; tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch, kết nối các đơn vị lữ hành đưa du khách đến tham quan, trải nghiệm tại làng, sớm đưa Ia Nueng thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Có thể bạn quan tâm