Khi người trẻ trở thành... già làng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhiều già làng ở xã Hà Tây (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) có tuổi đời còn khá trẻ. Họ được ví như “trung tâm đoàn kết”, đại diện cho ý chí của cộng đồng.
Già làng trẻ nhất Kon Sơ Lăl
Sau cái chết đột ngột của già làng Hyưnh hồi tháng 7-2020, làng Kon Sơ Lăl như mất một đại thụ. Không có già làng, không khí những cuộc hội họp cũng trầm lắng hẳn vì thiếu người cầm trịch. Không thể để tình trạng ấy kéo dài, tháng 4 vừa qua, Kon Sơ Lăl tổ chức họp làng để tìm ra vị già làng mới. Gần 300 người dân quây quần trong ngôi nhà rông bề thế trong cuộc họp quan trọng, bình bầu xem ai xứng đáng nhất. Mỗi người được phát 1 hạt bắp, lần lượt bỏ vào chiếc lọ có ghi tên người mình tin cậy, kính trọng nhất. 7 người được giới thiệu vào vị trí già làng, nhưng cuối cùng, anh Yưuh (SN 1979) nhận được nhiều “hạt bắp niềm tin” nhất. Người được nhiều hạt bắp thứ 2 là anh Dưu cũng mới sinh năm 1984, làm phó già làng. Họ trở thành những già làng trẻ nhất từ trước tới nay của Kon Sơ Lăl.
Ngồi trong ngôi nhà rông to đẹp nhất vùng, già làng Yưuh vẫn chưa thể quen với vai trò mới mẻ này. Với anh, đây là trọng trách quá lớn, không ngờ tới. Anh Yưuh chia sẻ: “Chỉ sau một đêm, mình bỗng trở thành già làng. Mình lo lắng không yên, lúc nào cũng tự hỏi không biết có đảm đương nổi không. Từ nhỏ đến lớn, mình chưa bao giờ thấy làng bầu người trẻ như vậy làm già làng. Nhưng nếu mọi người đã tin tưởng bầu rồi thì mình không thể từ chối, mình lo nhiều lắm”. Nhưng không ngồi yên để lo lắng, anh tới gặp các thế hệ già làng trước đó hỏi kinh nghiệm vì họ còn nắm giữ cả kho tri thức sống, am hiểu luật tục, cách ứng xử giữa con người với con người, con người với tự nhiên. Từ vốn sống phong phú và kho tri thức ấy mà họ đã giữ cho cuộc sống của người dân bình yên. Già làng Yưuh muốn lĩnh hội những tri thức quý báu ấy để làm tốt vai trò mới này.
Già làng Hyưnh (làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) kiểm tra tài sản chung của làng để ở nhà rông. Ảnh: Hoàng Ngọc
Già làng Yưuh (làng Kon Sơ Lăl, xã Hà Tây, huyện Chư Păh) kiểm tra tài sản chung của làng để ở nhà rông. Ảnh: Hoàng Ngọc
Cũng không ngẫu nhiên mà cộng đồng Kon Sơ Lăl bầu anh Yưuh đại diện cho ý chí, tinh thần của họ. Trước đó, anh từng có 2 nhiệm kỳ làm trưởng thôn, tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp một cách đầy thuyết phục nên mới nhận được sự tín nhiệm của người dân. Theo anh Yưuh, nếu trưởng thôn tham gia giải quyết việc làng dưới vai trò là “người nhà nước” thì già làng lại là “người của Nhân dân”, của luật tục. Hai vị trí này như những ngón tay trên bàn tay vậy. Anh nói: “Hồi xưa thì già làng bao quát tất cả mọi việc, vai trò già làng là lớn nhất, quan trọng nhất. Bây giờ, làng có trưởng thôn, bí thư chi bộ… mỗi người phụ trách một việc nên vai trò của già làng cũng giảm đi nhiều. Nhưng mình vẫn phải là trung tâm đoàn kết cộng đồng, hòa giải xung đột, mâu thuẫn, huy động bà con tham gia làm đường, làm nhà, giúp đỡ lẫn nhau, chủ trì các cuộc họp quan trọng của làng… Cả những việc “điếu đóm” của làng, mình cũng phải đứng ra điều hành, sắp xếp hết. Mà kinh nghiệm chưa nhiều nên mình lo lắm”.
Ngày càng trẻ hóa
Ông Thưu-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hà Tây-cho biết: Không chỉ có Kon Sơ Lăl mà ở 9 thôn, làng của xã, thế hệ già làng cũng đang dần trẻ hóa. “Già làng hiểu nôm na là những người già của làng, họ có nhiều uy tín, kinh nghiệm sống nên phân xử mọi việc thường hợp tình, hợp lý, do vậy mà ngày càng được kính trọng. So với các thế hệ già làng trước đây thường là người trên 60 tuổi thì nay thế hệ già làng ngày càng trẻ hóa, nhiều người thuộc thế hệ 8X đã được bầu làm già làng”-ông Thưu chia sẻ.
Lý giải cho việc này, ông Thưu cho biết, trước đây, già làng có vai trò trung tâm trong giải quyết mọi vấn đề phát sinh của làng. Một cá nhân khi được cộng đồng tín nhiệm bầu làm già làng sẽ giữ vai trò này cho đến khi “mắt mờ chân chậm”, không còn đủ sức đảm đương công việc nữa thì làng mới bầu người mới. Bây giờ, già làng không còn là những người “sống lâu lên lão làng” nữa mà cứ 3 hoặc 5 năm, làng lại tiến hành bầu già làng. Vì vậy, làm già làng cũng có nhiệm kỳ chứ không phải vô thời hạn như trước. “Nếu theo truyền thống, có người làm già làng 30-40 năm, có khi còn hơn nếu sức khỏe tốt. Họ có sự trải nghiệm, có kinh nghiệm nên giải quyết thấu đáo mọi vấn đề. Còn nay thì già làng làm lâu nhất cũng chưa tới 10 năm. Ở làng Kon Bah, Kon Chang và nhiều làng khác, cứ 3-5 năm lại bầu già làng nên vị trí này thay đổi liên tục, già làng cũng ngày càng trẻ hóa”-ông Thưu cho biết.
Già làng không đơn thuần là một vị trí công việc, đó còn là linh hồn của làng, làm nên sự phong phú, đặc sắc riêng có trong đời sống tinh thần của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Một nhà văn từng viết: “Những con người như vậy ta luôn có cảm giác họ không thể chết, không thể mất đi. Họ trường tồn như đất đai, như núi rừng, như Nhân dân”. Do vậy, sự hiện diện của già làng còn vẽ nên căn tính, diện mạo cho chính ngôi làng đó. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hà Tây cho hay: “Những người trẻ được bầu làm già làng đều có uy tín, làm được nhiều việc cho cộng đồng. Nhưng già làng nên là người nhiều tuổi. Chúng tôi cũng thích như vậy vì những người già như bóng cây đại thụ che chở dân làng. Giữ gìn vai trò già làng trong các cộng đồng còn là giữ gìn bản sắc văn hóa. Chúng tôi cũng đã tuyên truyền để các làng không nên bầu già làng theo nhiệm kỳ như bầu trưởng thôn mà chọn người già có sức khỏe, uy tín, nói nhiều người nghe, được mọi người tôn kính”.
Không còn những chân dung già làng hiền minh sống xuyên thời, những già làng trẻ ở Hà Tây đang viết tiếp câu chuyện về đời sống văn hóa Tây Nguyên. 
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm