Khơi dậy đam mê sáng tạo trong thanh thiếu nhi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Số lượng, chất lượng sản phẩm được nâng lên và có tính ứng dụng cao là những điểm nổi bật của Cuộc thi sáng tạo thanh-thiếu niên, nhi đồng tỉnh Gia Lai lần thứ 8. Điều này càng khẳng định đây là sân chơi bổ ích, giúp các em trau dồi kiến thức, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo.
Tính ứng dụng cao
Giải nhất cuộc thi năm nay thuộc về sản phẩm “File mềm song ngữ (Việt-Bahnar; Việt-Jrai) ghi âm truyện, thơ, câu đố giúp nâng cao năng lực tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo người dân tộc thiểu số” của nhóm tác giả Trường THPT Trường Chinh (huyện Chư Sê).
Ý tưởng của sản phẩm bắt đầu từ một lần đi làm từ thiện tại xã Ayun, huyện Chư Sê. Chứng kiến những em nhỏ người dân tộc thiểu số rụt rè, né tránh giao tiếp, nhóm học sinh gồm: Lê Thị Hiếu, Lê Thị Mai Quỳnh và Siu Thơm không khỏi trăn trở khi nghĩ cách tăng cường tiếng Việt cho các em học sinh nơi đây.
Sau nhiều lần thảo luận, nhóm đã chuẩn bị nội dung truyện, thơ phù hợp với trẻ em; sau đó ghi âm, ghép file âm thanh các bài thơ, câu đố ở dạng song ngữ Việt-Bahnar, Việt-Jrai vào một chiếc loa “Diệu kỳ tí hon” (tương tự như một máy phát nhạc mp3). Các giáo viên mầm non có thể sử dụng file mềm song ngữ có nội dung gắn với các chủ đề học tập, biên soạn theo 35 tuần học của trẻ mẫu giáo để giảng dạy. Sản phẩm sau đó được đưa vào giảng dạy tại Trường Mẫu giáo Hoa Huệ (xã Ayun) và các em nhỏ có thể nghe mọi nơi, mọi lúc.
Em Siu Thơm chia sẻ: “Những bài thơ, câu chuyện đưa vào loa nghe này đã được nhóm chúng em tuyển chọn kỹ lưỡng. Phần đọc tiếng Jrai và Bahnar, nhóm nhờ những người phát âm chuẩn hợp tác để ghi âm, sao cho các em nhỏ dễ nghe, dễ hiểu nhất, qua đó nâng cao khả năng nghe-nói tiếng Việt”. 
 Mô hình “Chế tạo và cải tiến mô hình nhiệt phân nhựa phế thải, thu nhiên liệu dầu và xử lý khí thải” của nhóm tác giả Bùi Mai Hoàng Nguyên (bìa trái), Hoàng Hưng Thịnh (bìa phải) đến từ Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Thủy Bình
Mô hình “Chế tạo và cải tiến mô hình nhiệt phân nhựa phế thải, thu nhiên liệu dầu và xử lý khí thải” của nhóm tác giả Bùi Mai Hoàng Nguyên (bìa trái), Hoàng Hưng Thịnh (bìa phải) đến từ Trường THPT chuyên Hùng Vương. Ảnh: Thủy Bình
Trường THPT chuyên Hùng Vương là đơn vị mạnh trong nghiên cứu, sáng tạo khoa học. Năm nay, nhà trường có 5 sản phẩm tham gia và có 3 sản phẩm đạt giải. Trong đó, mô hình “Chế tạo và cải tiến mô hình nhiệt phân nhựa phế thải, thu nhiên liệu dầu và xử lý khí thải” của nhóm tác giả Bùi Mai Hoàng Nguyên, Hoàng Hưng Thịnh (giải nhì) được Ban giám khảo đánh giá cao vì tính sáng tạo và có ý nghĩa thiết thực đối với môi trường sống.
Qua quá trình thử nghiệm, khi đốt 10 kg túi ni lông sẽ thu được 9,2 kg dầu. Loại dầu này có thể bán cho các cơ sở sản xuất làm nhiên liệu đốt để vận hành các lò nung gốm sứ hoặc các máy phát điện nhỏ… Chất thải rắn sau quá trình nhiệt phân có thể xử lý để làm nhựa đường. Mô hình này thực hiện theo chu trình khép kín, giảm thiểu khí độc thải ra môi trường.
Em Bùi Mai Hoàng Nguyên cho biết: “Giá thành sản xuất 1 mô hình này là 12,5 triệu đồng. Kinh phí đầu tư sản xuất khá thấp nên dễ tiếp cận người tiêu dùng. Hiện nay, Công ty TNHH một thành viên Đức Bản đã liên hệ với nhóm chúng em để phát triển mô hình”. 
Nâng cao chất lẫn lượng
Sau khi phát động, Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 31 mô hình, sản phẩm thuộc các lĩnh vực: đồ dùng học tập; phần mềm tin học-điện tử; bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; đồ chơi trẻ em của các tác giả, nhóm tác giả đến từ 13 trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh.
Mỗi mô hình, sản phẩm tham gia cuộc thi đều có tính sáng tạo, tận dụng vật liệu sẵn có tại địa phương để tạo ra những sản phẩm hữu dụng như: “Mô hình tế bào từ chai nhựa và lon bia”, “Mái che tự động”, “Hệ thống điều khiển từ xa qua facebook messenger” (các nhóm tác giả Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, huyện Chư Sê); “Hệ thống điểm danh thông minh sử dụng cảm biến vân tay” (Trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Kbang); “Sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh cảm cúm và tiểu đường từ chế phẩm lá cây tía tô” (Trường THPT Pleiku)...
Không thua kém anh chị, các em học sinh tiểu học, THCS cũng tích cực tham gia cuộc thi với các sản phẩm: “Ngôi nhà mơ ước” (Trường Tiểu học Nam Yang, huyện Đak Đoa); “Sử dụng nguồn nguyên liệu phế thải để thiết kế đồ dùng học tập mô hình Quảng trường Đại Đoàn Kết, làm đồ dùng dạy học môn Mỹ thuật, Tập làm văn, Lịch sử” (Trường THCS Phạm Hồng Thái, TP. Pleiku). 
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo trao giải nhì cho đại diện 2 nhóm tác giả đạt giải. Ảnh: Thủy Bình
Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trao giải nhì cho đại diện 2 nhóm tác giả. Ảnh: Thủy Bình
Đánh giá về cuộc thi năm nay, PGS-TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Trưởng ban tổ chức-cho hay: Đây là năm đầu tiên cuộc thi có sự phát triển vượt bậc về số lượng và chất lượng. Các sản phẩm, mô hình tham gia tăng gấp đôi so với mọi năm. Chất lượng các sản phẩm, mô hình đều rất tốt, bám sát tiêu chí cuộc thi, thể hiện sự đầu tư nghiêm túc.
Ban giám khảo luôn công bằng, khách quan trong đánh giá, chấm điểm và đây là năm đầu tiên cuộc thi có sản phẩm đạt giải nhất. Mọi năm, Ban tổ chức chỉ chọn gửi 1-2 sản phẩm tham gia cuộc thi cấp toàn quốc nhưng năm nay đã chọn đến 4 sản phẩm đạt chất lượng. Chúng tôi tin rằng các sản phẩm này sẽ đạt giải”.
THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm