Khơi dậy trí tuệ, sức sáng tạo của tuổi trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Xây dựng Đoàn vững mạnh về tổ chức” là chủ đề công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2022. Bằng sự chủ động, sáng tạo, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Gia Lai đã không ngừng đổi mới, đa dạng hoạt động, đoàn kết, tập hợp thanh niên, vượt qua những thách thức để cống hiến sức trẻ xây dựng tỉnh nhà.

Nêu cao vai trò dẫn dắt của thủ lĩnh Đoàn

Để “xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh”, phát huy sức trẻ, lòng nhiệt tình cống hiến của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) thì vai trò của những “thủ lĩnh” Đoàn-Hội hết sức quan trọng. Thời gian qua, Gia Lai có nhiều gương cán bộ Đoàn tiêu biểu trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh biểu dương. Anh Nguyễn Như Quang-Ủy viên Ban Thường vụ Huyện Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên (LHTN) Việt Nam huyện Ia Grai là đại diện duy nhất của tỉnh nhận giải thưởng Lý Tự Trọng năm 2022 nhờ những thành tích trong công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên.

Đoàn viên, thanh niên tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy
Đoàn viên, thanh niên tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy


Để tháo gỡ những khó khăn trong công tác Đoàn, anh Quang đã không ngại bám sát cơ sở. Để tập hợp ĐVTN, anh đã đề ra giải pháp xây dựng Câu lạc bộ Bí thư chi đoàn nòng cốt, được thực hiện thí điểm tại xã Ia Sao (huyện Ia Grai). Câu lạc bộ gồm 10 thành viên là các bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt huyết và một số thành viên là đảng viên, bộ đội xuất ngũ. Câu lạc bộ tổ chức họp định kỳ hàng tháng (diễn ra trước các cuộc họp Ban Chấp hành Đoàn xã) để có sự thống nhất về chương trình, hoạt động từng tháng và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong việc triển khai công tác Đoàn-Hội-Đội tại địa phương. Nhiều ý kiến, cách làm hay, sáng tạo do các thành viên câu lạc bộ đề xuất đã góp phần đưa phong trào Đoàn đi lên. Năm 2021, Đoàn xã Ia Sao được Ban Thường vụ Huyện Đoàn Ia Grai đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, anh Quang còn triển khai Dự án “Sân chơi cho em” nhằm kéo giảm tai nạn thương tích, đuối nước ở trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua “Hộp thư măng non” do anh Quang đề xuất, các liên đội đã kịp thời nắm bắt ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của học sinh. Anh còn đề xuất giải pháp phát triển đảng viên từ “Gương người tốt việc tốt” trong ĐVTN do tổ chức Đoàn giới thiệu; xây dựng tổ chức Hội LHTN Việt Nam mạnh và mở rộng mặt trận tập hợp đoàn kết thanh niên thông qua “liên hoan câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm”… Anh Nguyễn Như Quang chia sẻ: “Cán bộ Đoàn muốn truyền cảm hứng cho ĐVTN thì bản thân họ phải năng nổ, nhiệt huyết để nêu gương. Đi đầu trong mọi hoạt động, triển khai những phong trào hay và ý nghĩa sẽ thu hút được ĐVTN tham gia”.

Giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, hết lòng vì ĐVTN là nhận xét của đồng nghiệp và ĐVTN huyện Chư Prông khi nhắc tới Bí thư Huyện Đoàn Lê Thế Đô. Muốn tập hợp ĐVTN vào tổ chức Đoàn thì phải đồng hành cùng họ trong phát triển kinh tế, giúp họ ổn định cuộc sống. Với suy nghĩ đó, ngay từ đầu năm, anh Đô cùng Ban Thường vụ Huyện Đoàn chỉ đạo các tổ chức Đoàn-Hội cơ sở rà soát, nắm bắt nhu cầu của ĐVTN để có hình thức giúp đỡ phù hợp. Từ năm 2021 đến nay, Hội LHTN Việt Nam huyện Chư Prông phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện hỗ trợ 75 con bò sinh sản cho các hộ thanh niên khó khăn với tổng kinh phí 562,5 triệu đồng. Trong tháng 3-2022, Huyện Đoàn Chư Prông đã trích kinh phí hỗ trợ 3 mô hình sinh kế trị giá 30 triệu đồng cho thanh niên khó khăn của huyện.

Bên cạnh kêu gọi nguồn vốn giúp đỡ ĐVTN, anh Đô còn được xem là người “tiếp lửa” khởi nghiệp cho ĐVTN. Từ mô hình kinh tế “Trồng sầu riêng Mongthong và Musaking xen canh theo hướng ứng dụng công nghệ cao” của bản thân cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, anh Đô đã chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế cho hàng chục ĐVTN trên địa bàn. “Tôi muốn làm điều gì đó để tạo động lực, lôi cuốn thanh niên địa phương tham gia các hoạt động Đoàn. Khi đem lại lợi ích thiết thực cho ĐVTN thì họ sẽ gắn bó, tích cực tham gia và nỗ lực đưa phong trào Đoàn ngày càng phát triển”-anh Đô chia sẻ.

Tiếp tục đoàn kết, tập hợp ĐVTN

Chủ đề công tác Đoàn năm 2022 là “Xây dựng Đoàn vững mạnh về tổ chức”, cội nguồn của mọi phong trào, hoạt động Đoàn chính là sức mạnh của ĐVTN. Câu hỏi “Làm sao để công tác Đoàn có nhiều đổi mới, sáng tạo, tạo sức hấp dẫn với ĐVTN, mang lại giá trị cho cộng đồng?” chính là trăn trở của tổ chức Đoàn các cấp. Qua từng năm, các công trình, phần việc của thanh niên ngày càng đa dạng hơn và phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Hội đồng Đội tỉnh, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh khởi công xây dựng nhà “Khăn quàng đỏ” cho em Siu Pháo (thôn Ơi HTrong, xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Ảnh: Phan Lài
Hội đồng Đội tỉnh, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh khởi công xây dựng nhà “Khăn quàng đỏ” cho em Siu Pháo (thôn Ơi H'Trong, xã Chư Mố, huyện Ia Pa). Ảnh: Phan Lài


Ngày 13-3, sau khi tìm hiểu nhu cầu của người dân địa phương, Huyện Đoàn Mang Yang đã triển khai hoạt động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới” tại làng Đê Gơl, xã Đak Djrăng. 25 ĐVTN đã tập trung tại cánh đồng làng Đê Gơl để giúp người dân nạo vét 2 km kênh mương, khơi thông dòng chảy, phát quang bụi rậm và đào đắp bờ mương để bảo đảm nguồn nước tưới phục vụ sản xuất Đông Xuân. Mặc cho thời tiết nắng nóng, mồ hôi nhễ nhại nhưng ĐVTN vẫn hăng say làm việc, ai cũng tươi vui. Anh Vi Văn Vinh-Bí thư Đoàn xã Đak Djrăng-cho biết: “Được góp sức trẻ tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, ĐVTN đều cảm thấy vui. Phần việc dù lớn hay nhỏ nhưng kết quả mang lại chính là sự gắn kết ĐVTN và mang lại lợi ích cho người dân”.

Để hoạt động Đoàn thích ứng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tổ chức Đoàn các cấp đã chú trọng làm tốt công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi. Cùng với đó, tổ chức Đoàn các cấp đã tạo nhiều sân chơi cho các bạn trẻ có cơ hội thể hiện sự sáng tạo của mình; tổ chức nhiều diễn đàn khởi nghiệp, chương trình đối thoại để phát huy tính dân chủ, tạo môi trường, cơ hội cho ĐVTN phát biểu chính kiến của mình.

Nhờ chủ động nắm bắt tâm lý, nhu cầu của ĐVTN nên các hoạt động, phong trào Đoàn đều thu hút được sự tham gia của đông đảo ĐVTN. Hình ảnh ĐVTN toàn tỉnh trong màu áo xanh tình nguyện sẵn sàng đảm nhận việc khó, việc mới, luôn hết mình vì cộng đồng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với người dân. Đặc biệt, khi tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ĐVTN đã xông pha trên mọi mặt trận phòng-chống dịch bệnh như: nấu cơm cho người dân thực hiện cách ly, hỗ trợ công tác tiêm vắc xin… đã tạo nên hình ảnh đẹp trong lòng người dân.

Trao đổi với P.V, chị Hà Thị Giang Thảo-Bí thư Tỉnh Đoàn-cho biết: “Thực tế cho thấy, ở đâu có cán bộ Đoàn giỏi chuyên môn và kỹ năng, ĐVTN gắn kết thì phong trào, hoạt động Đoàn ở đó rất nổi bật. Không phủ nhận ở một số nơi, hoạt động, phong trào Đoàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và tổ chức theo lối mòn, thiếu sự hấp dẫn với ĐVTN. Trước yêu cầu phát triển, tổ chức Đoàn các cấp trong tỉnh đã không những đổi mới, linh hoạt tổ chức các hoạt động phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương; đa số các hoạt động đều hướng về cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Các hoạt động đều đã khơi dậy tinh thần cống hiến của tuổi trẻ, tạo được dấu ấn với chính quyền địa phương và người dân”.

 

 

* Ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh: Tổ chức Đoàn các cấp cần tăng cường các hoạt động giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống lành mạnh cho ĐVTN. Bên cạnh đó, phải luôn bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, tham gia đảm nhận những việc mới, việc khó; ĐVTN lúc nào cũng phải sôi nổi và tràn đầy nhiệt huyết. Để làm được việc đó thì tổ chức Đoàn phải vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của ĐVTN.

 

 

* Ông Trần Quang Hùng-Bí thư Đảng ủy xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện): Từng tham gia công tác Đoàn nên tôi hiểu rõ vai trò của “thủ lĩnh” thanh niên. Phong trào Đoàn có phát triển một phần nhờ sự dẫn dắt, không ngừng đa dạng, đổi mới hoạt động của cán bộ Đoàn. Tôi thấy công tác tập hợp, đoàn kết thanh niên hiện nay gặp một số khó khăn như: ĐVTN đi làm ăn xa; hoạt động không có sự đổi mới nên không thu hút được ĐVTN; kinh phí ít nên gặp khó trong tổ chức hoạt động... Vì thế, ĐVTN phải được bồi dưỡng lý tưởng và niềm tin, tạo sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để ra sức phấn đấu vì mục tiêu chung.

 

 

* Anh Ngươi-Bí thư Chi Đoàn làng Đê Gơl (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang): Công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy, thanh niên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu sân chơi, cán bộ Đoàn ở một số nơi chưa mặn mà với nhiệm vụ. Tôi mong cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện về cơ chế chính sách cho đội ngũ cán bộ Đoàn, nhất là ở cơ sở; tăng kinh phí cho các hoạt động Đoàn ở địa phương.
 

PHAN LÀI

 

Có thể bạn quan tâm