Khơi gợi tình yêu biên giới trong học đường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mỗi tháng 1 lần, vào giờ chào cờ đầu tuần, các em học sinh tiểu học và THCS ở xã biên giới Ia Nan (huyện Đức Cơ) dành khoảng 20-25 phút để tìm hiểu về biên giới, chủ quyền lãnh thổ. Người truyền đạt kiến thức là những người lính “quân hàm xanh”.
Lý thú, bổ ích
Kết thúc giờ chào cờ sáng thứ hai, thay vì sắp xếp lại ghế để vào lớp, các em học sinh Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Nan) ngồi lại và chăm chú hướng ánh nhìn lên màn hình lớn để xem những hình ảnh về cổng quốc môn và mốc quốc giới ở Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh; cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Nan đang căng mình tuần tra, kiểm soát dọc các đường mòn để đấu tranh, ngăn chặn hoạt động xuất-nhập cảnh trái phép; bám các chốt phòng-chống dịch Covid-19 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh… Kèm theo đó là những nội dung mà người lính khéo léo lồng ghép để chuyển tải thông điệp ý nghĩa về vai trò, vị trí của đường biên, cột mốc, chủ quyền lãnh thổ.
Kết thúc phần tuyên truyền, các thầy-cô giáo có cuộc kiểm tra nhanh và thật bất ngờ khi có rất nhiều cánh tay giơ lên. Trả lời câu hỏi: “Em hiểu thế nào là biên giới quốc gia?”, em Rơ Châm H’Xanh-học sinh lớp 6B-tự tin: “Thưa cô, biên giới quốc gia là ranh giới xác định quốc gia”. Rồi những câu hỏi kế tiếp như: Mốc quốc giới là gì? Những người nào được cư trú ở khu vực biên giới? Các hành vi nào bị nghiêm cấm trên khu vực biên giới?... Tất cả đều được các em học sinh trả lời chính xác. Em Nguyễn Ngọc Hiệp-học sinh lớp 6C-bộc bạch: “Những giờ học như thế này rất thú vị, chúng em ngồi nghe hoài không chán. Có nhiều chú bộ đội thỉnh thoảng em vẫn gặp ở làng nhưng qua hình ảnh này em mới hiểu thêm cuộc sống, công việc của các chú. Em cũng có thêm nhiều kiến thức bổ ích về chính mảnh đất mình đang sinh sống”. Còn em Rơ Mah Săk-học sinh lớp 9A thì chia sẻ: “Nhờ được xem các hình ảnh, video mà em càng hiểu và thêm yêu những người lính. Em sẽ cố gắng học thật tốt để mai này được là người lính bảo vệ biên giới, bảo vệ quê hương”.
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan truyền đạt kiến thức về biên giới cho các em học sinh. Ảnh: Phương Dung
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan truyền đạt kiến thức về biên giới cho các em học sinh. Ảnh: Phương Dung
Lan tỏa tình yêu biên giới
Việc tuyên truyền về biên giới, chủ quyền lãnh thổ được Đồn Biên phòng Ia Nan phối hợp với các đơn vị trường học trên địa bàn xã thực hiện từ nhiều năm nay. Ở mỗi trường, đơn vị áp dụng những hình thức, nội dung tuyên truyền phù hợp với trình độ và nhận thức của các em. Với học sinh mầm non, đơn vị cử cán bộ, chiến sĩ trực tiếp xuống phối hợp cùng nhà trường tổ chức giờ học ngoại khóa, chủ yếu là giới thiệu với các cháu về quân tư trang của người lính. Còn học sinh tiểu học, THCS thì kết hợp giữa tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua các tờ gấp và trình chiếu hình ảnh, video về tuyến biên giới tỉnh nói chung, đoạn biên giới do Đồn Biên phòng Ia Nan quản lý nói riêng. Sau mỗi buổi tuyên truyền, những người lính không quên nhắn nhủ với các em: “Khi về nhà, các em hãy nói với cha mẹ, người thân của mình về những điều mình được nghe, được thấy”.
Đại úy Phan Trung Tình-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Nan-cho hay: “Mong muốn của chúng tôi là trang bị thêm những kiến thức về đường biên, cột mốc, an ninh biên giới nhằm giúp các em học sinh hiểu rõ, hiểu đúng về chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Qua đó, các em yêu quê hương, đất nước và sẽ là “tuyên truyền viên” truyền tải những thông điệp đến bạn bè, người thân để cùng chung tay bảo vệ phên giậu biên cương”.
Chia sẻ về hiệu quả công tác phối hợp tuyên truyền, thầy Trịnh Xuân Giáp-Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu-khẳng định: “Qua các buổi tuyên truyền, các em học sinh sẽ ghi nhớ những kiến thức trực quan về chủ quyền lãnh thổ, về biên giới quốc gia”. Còn cô Trần Thị Nhung-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kpă Klơng thì cho hay: “Nhà trường và Đồn Biên phòng Ia Nan thường xuyên phối hợp để tuyên truyền, cung cấp thêm cho các em những kiến thức về biên giới, về công tác phòng-chống dịch Covid-19, Luật Giao thông Đường bộ... Nội dung sinh động, hình thức phong phú nên trong các buổi tuyên truyền không chỉ thu hút các em học sinh mà các thầy-cô giáo cũng chăm chú lắng nghe, tìm hiểu”.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm