Kỹ sư 9X kể chuyện làm nông nghiệp qua "Hearty Plant Doctor"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Bạn có bao giờ quan tâm đến những câu chuyện của nhà nông, nơi khởi nguồn của những món ăn, thức uống xuất hiện trong căn bếp, trên bàn ăn mỗi ngày và hiểu đúng về nông nghiệp sạch là như thế nào? Nếu hứng thú với những chuyện như vậy, mời bạn nghe kênh podcast (radio trực tuyến) “Hearty Plant Doctor” của kỹ sư nông nghiệp Trần Thái Bình. Anh Bình đang làm việc tại nông trại Phú Hòa (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) thuộc Công ty TNHH Biophap-doanh nghiệp tiên phong thực hành nông nghiệp hữu cơ chứng nhận quốc tế tại Việt Nam.
“Hearty Plant Doctor” là kênh podcast đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ, hiện đang phát sóng trên các nền tảng như: Spotify, Apple podcast, Google podcast, Mây.vn, YouTube. Vượt ra ngoài một kênh thông tin, podcast này còn góp phần định hướng lối sống, cùng xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp an toàn. “Hearty Plant Doctor” từng lọt top 200 podcast được nghe nhiều nhất trên bảng xếp hạng Spotify, lọt top 70/612 trong cuộc thi Cast Camp 2021-sân chơi do Vietcetera tổ chức nhằm góp phần phát triển cộng đồng người nghe và làm podcast trong nước.
Người kể chuyện
Tốt nghiệp Đại học Tây Nguyên chuyên ngành Khoa học cây trồng, kỹ sư Trần Thái Bình về làm việc tại nông trại Phú Hòa. Anh Bình chia sẻ: “Làm nông nghiệp hữu cơ thú vị ở chỗ, tôi vừa học vừa thực hành mỗi ngày, không ngừng bồi đắp thêm kiến thức mới mẻ từ các đồng nghiệp và chuyên gia nước ngoài. Công việc còn giúp tôi ý thức sâu sắc lối sống “thuận tự nhiên”. Khi ta tôn trọng tự nhiên, tôn trọng sự tồn tại, sinh sôi nảy nở của côn trùng, của thảm thực vật để nương theo đó, nuôi dưỡng đất đai trở nên màu mỡ thì không chỉ bảo vệ đất mà còn là bảo vệ môi trường và sức khỏe con người”.
Nhiều năm làm việc trong lĩnh vực này, kỹ sư Trần Thái Bình sáng tạo kênh podcast “Hearty Plant Doctor” có nghĩa là “Bác sĩ nông nghiệp ấm áp/chân thật” với mong muốn chia sẻ kiến thức về lĩnh vực này một cách gần gũi nhất. “Nông nghiệp hữu cơ là chủ đề chưa bao giờ mờ nhạt trong đời sống hiện đại, khi tỷ lệ bệnh tật ngày càng tăng, đất đai dần thoái hóa, môi trường ô nhiễm do nông nghiệp hóa học gây nên. Với lý do đó, tôi muốn giúp thính giả hiểu tường tận về 2 từ “hữu cơ” trong nông nghiệp”-anh tâm sự.
“Hearty Plant Doctor” là kênh podcast đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ (ảnh nhân vật cung cấp).
“Hearty Plant Doctor” là kênh podcast đầu tiên tại Việt Nam về lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ (ảnh nhân vật cung cấp).
Chính thức tham gia vào cộng đồng sáng tạo nội dung trong nước, kỹ sư 9X trở thành người đầu tiên ở Việt Nam khai thác chủ đề nông nghiệp hữu cơ trên nền tảng này. Làm podcast không chỉ là nói và nghe, mà đầu tư chất xám từ khâu kịch bản, thu âm, đến sáng tạo và biên tập nội dung. Với vai trò là người kể chuyện, kỹ sư trẻ chọn lọc nhiều nội dung phong phú, hữu ích về nông nghiệp để chuyển tải giúp thính giả “bỏ túi” nhiều kiến thức hữu ích qua giọng đọc ấm áp. Anh chắt lọc những gì cơ bản, dễ hiểu để giúp người nghe phân biệt 3 loại hình canh tác: thuận tự nhiên, hữu cơ, đa dạng sinh học.
Phân tích vì sao làm trang trại thất bại nếu không hiểu tự nhiên, cách đánh giá đất thông qua sự tồn tại cỏ dại-một trong những siêu lợi ích cho trái đất. Anh cũng vạch ra “10 điều dối trá khủng khiếp về nông nghiệp” của thế giới. Người nghe còn thỏa mãn sự tò mò, hiếu kỳ lẫn những thắc mắc như: Vì sao mít bị vạt đầu, khoét cạnh cuống, chất màu trắng bôi trên phần bị khoét này là chất gì, liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe không, cách phân biệt mít chín cây tự nhiên và mít chín bằng thuốc.
Tương tự, đối với quả sầu riêng, anh giúp thính giả hiểu rõ về sầu riêng chín rụng hay chín thuốc và để có được những quả sầu riêng thơm, ngon là “nữ hoàng của các loại trái cây vùng nhiệt đới” là dễ dàng hay khó khăn. Những tranh cãi và nhầm lẫn giữa rau hữu cơ và rau an toàn cũng là chủ đề được nhiều thính giả yêu cầu và đều được kỹ sư Trần Thái Bình chia sẻ tại nông trại hữu cơ của mình. Anh hy vọng giúp thính giả có thêm thông tin để trở thành người tiêu dùng thông minh.
Đi sâu vào chủ đề nông nghiệp hữu cơ, anh còn biên tập một số chương trình dài hơi của các chuyên gia, nhà khoa học với khối kiến thức khổng lồ trở nên dễ hiểu để cung cấp cho thính giả. Để người nghe không cảm thấy nhàm chán với những kiến thức nông nghiệp thuần túy, anh thường bắt đầu bằng những câu chuyện hài hước, thực tế. Như trong chương trình nói về xu hướng giới trẻ “về quê chăn bò” hay “bỏ phố về rừng”, anh bắt đầu một cách hóm hỉnh: “Dạo này, mình lướt mạng xã hội thấy các bạn hơi stress tí lại đòi về chăn bò. Học dốt quá hay bị sếp mắng cũng bảo: “Thôi về quê chăn bò”. Các bạn cứ đòi về chăn bò vì nghĩ nó dễ, nó đơn giản. Nhưng các bạn ơi, “dắt mũi” chưa bao giờ là dễ cả. Để hiểu vì sao không dễ, mời các bạn nghe review của người đã có kinh nghiệm chăn bò từ năm 8 tuổi và được thuật lại qua giọng kể của mình”.
Hãy hiểu để yêu
Tại sao có nhiều người không học và hiểu về nông nghiệp nhưng đòi “bỏ phố về rừng”, lại có người học ngành này lại không chọn làm đúng nghề, đúng chuyên ngành. Và thực tế, nhiều bạn trẻ sinh ra từ nông thôn nhưng bằng mọi giá đi ra thành phố, thoát cảnh làm nông “chân lấm tay bùn”. Để giải quyết mâu thuẫn này, kỹ sư Trần Thái Bình đã làm series “Bỏ phố về rừng”. Anh dành nhiều tâm huyết biên tập, phân tích để người nghe nhận ra vấn đề, có cái nhìn thực tế về bức tranh nông nghiệp. Đây cũng là chủ đề anh tham gia cuộc thi Cast Camp và được lọt vào top 70/612. “Chủ đề này tuy không còn nóng nhưng vẫn là mối quan tâm lớn, là ước mơ và hoài bão mà ai ai cũng muốn hướng tới”-anh chia sẻ.
Kỹ sư 9X người Gia Lai là người mở đường sáng tạo nội dung về nông nghiệp hữu cơ (ảnh nhân vật cung cấp).
Kỹ sư 9X người Gia Lai là người mở đường sáng tạo nội dung về nông nghiệp hữu cơ (ảnh nhân vật cung cấp).
Series gồm 4 tập, đem đến những câu chuyện, những hành trình bỏ phố về vườn có thật được kể lại, đánh giá thực tế của người nông dân về nghề nông, những đúc kết từ kinh nghiệm của chính bản thân anh. “Ở Gia Lai có một số anh chị bỏ phố về vườn, thừa kế đất đai của cha mẹ và bắt tay làm nông nghiệp bền vững. Trong tương lai, tôi sẽ làm những buổi phỏng vấn trao đổi với họ để mọi người hiểu rõ về vấn đề này, những mặt trái của nó. Tôi chỉ đưa ra những câu chuyện, phân tích để mọi người tự đánh giá. Nếu làm nông nghiệp dễ dàng và đầy chất thơ, là nơi để sống an nhàn, để chill và ai cũng muốn bỏ phố để về làm nông thì Việt Nam đã trở thành một quốc gia nông nghiệp hùng mạnh từ lâu rồi, cũng không có chuyện các trường nông nghiệp khó khăn khi tuyển sinh đầu vào”-anh Bình cho hay.
Nghe đúng người, làm đúng việc
Đến nay, kỹ sư Trần Thái Bình đã sản xuất trên 40 tập podcast về nông nghiệp hữu cơ. Những thông tin hữu ích qua các tập phát sóng của anh đã được một số kênh như VOV, 365 kết nối phát lại trên các kênh sóng. Nhiều thính giả cũng có phản hồi rất tích cực qua các tập podcast. Một bạn trẻ tên Nam đã để lại lời nhắn sau khi nghe chương trình của kỹ sư Trần Thái Bình: “Tôi bị cuốn hút trước những câu chuyện và kiến thức Bình mang lại. Bản thân tôi đang làm trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần, thấy rõ việc đứt gãy kết nối với thiên nhiên có thể ảnh hưởng đến cảm xúc và tinh thần của con người, nhất là cư dân đô thị như thế nào.
Nội dung của Bình chia sẻ thực sự rất đáng quý, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới anh. Tôi hóng những tập podcast của Bình trong tương lai”. Một thính giả có tên Đinh Đại thì bày tỏ: “Nhà tôi làm nông nghiệp nhưng tôi lại theo ngành khác. Tôi nghe không sót chương trình nào của anh, những kiến thức anh truyền đạt rất hay. Tôi có thể học hỏi thêm rất nhiều để truyền đạt cho gia đình mình”. Hay một bạn sinh viên học ngành nông nghiệp chuẩn bị ra trường đã rất cảm kích khi “Nghe đúng người, làm đúng việc”: “Tôi cảm thấy khá chênh vênh trên con đường đang đi thì nghe được những chương trình về nông nghiệp của kỹ sư Trần Thái Bình. Nó không chỉ truyền động lực cho tôi bước tiếp mà còn khiến tôi vững tin vì đã lựa chọn đúng ngành”.
Kỹ sư Trần Thái Bình cùng những nông dân trong nông trại Phú Hòa (ảnh nhân vật cung cấp).
Kỹ sư Trần Thái Bình cùng những nông dân trong nông trại Phú Hòa (ảnh nhân vật cung cấp).
Kỹ sư Trần Thái Bình:“Nghề nghiệp giống như bạn đời, nếu may mắn tìm được công việc yêu thích để gắn bó suốt đời thì đó là một sự hợp duyên trọn vẹn. Đó không chỉ là làm đúng nghề nghiệp chuyên môn hay thu nhập cao mà còn mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc”.
Những tình cảm mà thính giả dành cho kênh podcast là động lực để anh Bình tiếp tục sáng tạo. “Làm podcast cho tôi nhiều năng lượng, giúp tôi không ngừng làm mới mình và trau dồi thêm kiến thức, níu tôi lại với nông nghiệp”-anh nói. Podcast là nền tảng chưa nhiều người nghe, nhưng kỹ sư trẻ 9X quan niệm, hãy cứ làm những thứ mình hiểu và yêu một cách tử tế để tạo ra giá trị cho cuộc sống.
HOÀNG NGỌC

 

Có thể bạn quan tâm