Ký ức màu áo xanh tình nguyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2007, tôi được kết nạp vào Đoàn TNCS Hồ Chí Minh khi đang học tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai). Ngoài tham gia các hoạt động Đoàn tại trường, tôi còn tích cực tham gia sinh hoạt tại tổ dân phố trong dịp hè. Đến năm 2012, khi tham gia Chiến dịch Mùa hè xanh tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), tôi mới cảm nhận hết những giá trị của màu áo xanh tình nguyện. Đó là khi tôi thực sự hiểu thế nào là cống hiến cho cộng đồng.
Chúng tôi là chiến sĩ tình nguyện
Sau khi hoàn thành chương trình năm học 2011-2012, thay vì trở về quê nhà nghỉ hè thì tôi ghi danh vào đội thanh niên tình nguyện của Trường Cao đẳng Phát thanh-Truyền hình II để tham gia Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2012. Nghe tin tôi tham gia tình nguyện, mẹ tôi nửa buồn cười, nửa lo lắng vì đứa con gái út từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ phải làm việc gì nặng nhọc. Mẹ bảo: Cuốc đất còn không đứt cọng cỏ thì làm gì giúp được ai?
Thế nhưng tôi đã quyết là đi! Cái quyết định trở thành tình nguyện viên của tôi được đưa ra chóng vánh sau vài phút ghi vào tờ khai đăng ký. Tôi vẫn còn nhớ, khi được hỏi về những năng khiếu của bản thân, tôi đã đánh dấu vào hầu hết các phương án đưa ra. Đó là ca hát, nhảy múa, quản trò, nấu ăn, dọn dẹp, trồng cây, quản lý tài chính… tôi “cân” được hết. Viết đến đây, tôi tự nghĩ trong đầu: “Ồ tưởng gì, những việc này mình làm được!”. Đến đoạn những câu hỏi xử lý tình huống: Bạn đã bao giờ làm công việc nặng chưa? Bạn sẽ mất bao lâu để hòa nhập với các chiến sĩ khác? Bạn có khả năng uống rượu, bia không? Bạn có thể tham gia toàn bộ chiến dịch chứ? Nếu được giao 1 nhiệm vụ không phù hợp bạn sẽ phản ứng thế nào?... Đọc đến đây, tôi toát mồ hôi hột và có phần hoang mang. Nhưng lỡ quả quyết với mẹ rồi, không đi nữa thì… quê lắm. Vậy là tôi lại hăm hở điền vào phiếu đăng ký như thể mình sinh ra là để trở thành tình nguyện viên. Thủ tục coi như xong, tôi nhanh chóng trở về chuẩn bị hành lý.
Theo như sự định hướng của các thầy cô trong trường, hành trang mà tôi chuẩn bị khá gọn nhẹ: 1 chiếc ba lô nho nhỏ với dăm ba bộ quần áo, chủ yếu là đồ thể thao tối màu, 3 chiếc áo đồng phục dành cho tình nguyện viên, giày dép. Nắng, đen da là vấn đề mà tôi lo ngại nhiều nhất nên mũ nón và áo chống nắng được trang bị khá kỹ lưỡng. Bên cạnh đó còn có máy ảnh cá nhân, một cuốn sổ tay và cây bút. Vậy là xong, chiến sĩ lên đường!
Tác giả (thứ 2 từ phải sang) và Đội thanh niên tình nguyện. Ảnh: Hà Duyệt
Tác giả (thứ 2 từ phải sang) và Đội thanh niên tình nguyện. Ảnh: Hà Duyệt
Đội chúng tôi có 13 chiến sĩ với 6 nam và 7 nữ. Quá nửa số thành viên trong đội quê ở Tây Nguyên nên hành trình về 1 tỉnh miền Tây Nam Bộ khiến chúng tôi rất háo hức. Sau buổi tiếp đón sinh viên về thực hiện Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại UBND xã Hưng Khánh Trung B (huyện Chợ Lách), chúng tôi được Đoàn Thanh niên xã đưa về tạm trú tại 7 gia đình. Trong gần 1 tháng sinh sống và hoạt động tại đây, chúng tôi đã được gia chủ chăm lo và hỗ trợ từng bữa ăn, chỗ ngủ, được gọi “cha”, gọi “má” và xưng “con” như chính thành viên trong gia đình; được các bạn đoàn viên thanh niên quan tâm kết bạn và giúp đỡ mọi mặt trong cuộc sống; được bà con lối xóm tin yêu; cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên động viên hỗ trợ.
Dấu ấn màu áo xanh
Đến với miền Tây, việc đầu tiên mà chúng tôi phải làm đó là học cách thích nghi với môi trường sông nước. Từng ngôi nhà tại xã Hưng Khánh Trung B khi ấy bao quanh bởi những con kênh uốn lượn và cả ao cá quanh nhà. Bên cạnh giao thông đường bộ, giao thông đường thủy cũng hoạt động tấp nập với ghe thuyền rẽ sóng liên miên. Và đây chính thức trở thành “mặt trận” để những chiến sĩ tập sự như chúng tôi tập trung tinh thần “chiến đấu”, bởi hầu hết mọi nhiệm vụ đều diễn ra… nơi sông nước.
Nhiệm vụ thường xuyên nhất mà chúng tôi thực hiện đó là nạo vét kênh mương, khai hoang đồng ruộng, đắp đất san gạt đường. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng đối với những cô cậu sinh viên quanh năm tay cầm bút, mắt trông giảng đường thì việc xắn quần lội sình, tay trần mò mẫm từng nắm đất… quả không phải dễ dàng. Và chỉ sau 5 ngày, tất cả 13 chiến sĩ đồng loạt bị “viêm da dị ứng” (hay nói chính xác là bệnh ghẻ). Ngay cả những bạn quê ở miền Tây cũng không là ngoại lệ. Ngay khi nhận được thông tin, Trạm Y tế xã tức tốc cung cấp những tuýp kem điều trị mà chúng tôi gọi là “thuốc 7 màu”. Câu chuyện dở khóc dở cười ấy khiến đội thanh niên tình nguyện đỏ mặt mà các cô chú ở chính quyền địa phương cũng có phần… ái ngại. May thay vài ngày sau đó, không biết vì “thuốc 7 màu” hiệu nghiệm hay vì đã quen với môi trường sống mà chúng tôi lành bệnh rất nhanh. Khi những vết chốc lở đan xen những trầy trụa, bầm dập trên da thịt mờ dần đi cũng là lúc những công trình, phần việc thanh niên bắt đầu lên hình định dáng.
Trong cái nắng oi ả của những ngày hè tháng 7, dòng người mang màu áo xanh tình nguyện và thanh niên địa phương lại tràn xuống từng xóm ấp, len lỏi vào những con đập, dòng kênh mang sức mình góp phần gỡ khó cho vùng nông thôn nghèo ấy. Từ ấp Phú Hưng qua ấp Thanh Xuân, Phú Hòa, Trung Hiệp… những bước chân của thanh niên tình nguyện đi đến đâu lại thu hút thêm các bạn trẻ và bà con lối xóm nơi đó cùng tham gia góp sức. Cho nên có những công việc dự kiến phải mất 1-2 ngày để thực hiện thì được chúng tôi hoàn thành trong 1 buổi. Phần thời gian còn lại dành cho những phút nghỉ ngơi đung đưa võng mắc bên ao cá, các giác quan thay nhau khám phá những hoa thơm quả ngọt mà bà con hái tặng chúng tôi. Măng cụt, chôm chôm, dừa xiêm hay bưởi năm roi… món nào cũng mát lành, ngọt lịm. Ngọt thật sự từ trong hương vị và ngọt ngào bởi chính ân tình thân thương.
Gần 1 tháng hoạt động tình nguyện tại Hưng Khánh Trung B, đội thanh niên tình nguyện chúng tôi còn phối hợp với chính quyền xã thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa khác như: tổ chức Tết Trung thu cho các cháu thiếu nhi với trên 50 cây đèn ông sao được làm thủ công; phối hợp làm hàng trăm chiếc đèn lồng để thắp nến tri ân tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Chợ Lách và tổ chức đêm giao lưu văn nghệ nhân Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7; tham gia trồng cây xanh trục đường xã thuộc ấp Phú Hưng; đến từng nhà dân để tuyên truyền phòng-chống bệnh sốt xuất huyết và hoạt động truyền thông dân số-kế hoạch hóa gia đình… Những ngày tham gia chiến dịch là những ngày được học tập và trải nghiệm quý báu để chúng tôi có thêm kỹ năng sống và hiểu biết hơn về công tác xã hội ở cơ sở.
Hưng Khánh Trung B đã vươn lên trở thành xã nông thôn mới nâng cao từ năm 2021. Diện mạo nông thôn đã khang trang đẹp đẽ hơn xưa rất nhiều. Ở thời điểm 10 năm về trước khi là một tình nguyện viên, tôi chỉ nhận nhiệm vụ và thực hiện chứ chưa bao giờ nghĩ rằng những đóng góp nhỏ nhoi của mình sẽ trở thành một phần của thành công lớn. Càng không nghĩ rằng sau khi hoàn thành Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại Bến Tre năm đó, tôi sẽ có thêm nhiều lần trở về.
Câu chuyện nhỏ của tôi
Tôi viết những dòng này không nhằm chia sẻ lại những kỷ niệm của cá nhân trong Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh được xem là “lịch sử” ấy. Điều mà tôi muốn nói là: Bạn sẽ không bao giờ biết mình sẽ nhận được những gì sau một lần hoạt động tình nguyện đâu. Riêng tôi, có thêm bạn bè, rất nhiều trải nghiệm, vô vàn kỷ niệm và có thêm 1 gia đình.
Ngôi nhà “chú Sáu Khừ” mà tôi từng sinh sống trong mùa hè năm ấy đã thực sự trở thành gia đình của tôi, khi tôi được cha nhận làm con chỉ bằng ly rượu cay cay sau những ngày cưu mang nuôi dưỡng. 10 năm sau Chiến dịch Mùa hè xanh năm đó chưa bao giờ tạo được khoảng trống giữa những con người xa cách nhau gần 700 cây số. Cha lên Tây Nguyên và có mặt khi tôi làm đám cưới; cha lên thăm cháu khi con đầu lòng của tôi tròn 1 tuổi; cha sợ tôi quên hương vị quê nhà Bến Tre nên vẫn thường xuyên gửi những thùng trái cây, đặc sản lên cho tôi; mọi sự kiện lớn trong gia đình cha đều thông báo cho đứa con gái ở nơi xa được biết… Tất cả những “quả ngọt” mà tôi có được ấy là thành quả của một phần thanh xuân tươi trẻ, thanh xuân mang dấu ấn của màu áo xanh tình nguyện.
HÀ DUYỆT

Có thể bạn quan tâm