Lan tỏa tình yêu thành phố...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng hôm qua (30.4), trong không khí vô cùng mát mẻ và thoải mái, giới trẻ đã có nhiều lựa chọn vui chơi trong ngày nghỉ lễ.
“Là công dân trẻ, sống trong một thành phố hiện đại, tôi sẽ cố gắng đóng góp sức trẻ của mình vào từng công việc cụ thể, sống có trách nhiệm, tuân thủ luật lệ và chia sẻ năng lượng tích cực lan tỏa tình yêu thành phố cho mọi người”. Đó là lời bộc bạch của chị Trương Thị Bảo Trân khi tham quan Dinh Độc lập vào sáng 30.4.2022.
Sáng hôm qua (30.4), trong không khí vô cùng mát mẻ và thoải mái, giới trẻ đã có nhiều lựa chọn vui chơi trong ngày nghỉ lễ. Tham quan Dinh Độc lập (TP.HCM) là một trong nhiều nơi mà giới trẻ lựa chọn trong kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5.
Khoảng 9 giờ, trước Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc lập) tập trung rất đông người đến tham quan. Nhiều gia đình dẫn theo con cái, bạn trẻ thay phiên xếp hàng chờ đến lượt mua vé.
Tại đây, nhiều người phải xếp thành 2 hàng, kéo dài từ cổng phụ đến cổng chính.
Phía xung quanh cổng chính cũng có rất nhiều người tìm đến. Nhiều nhóm nhỏ bạn trẻ đi bộ, đạp xe đến đây để chụp ảnh kỷ niệm. Đến hơn 10 giờ, số lượng người đến đây ngày càng đông hơn.
Bạn trẻ đạp xe đạp ngắm cảnh thành phố trong ngày nghỉ lễ
Bạn trẻ đạp xe đạp ngắm cảnh thành phố trong ngày nghỉ lễ
Góp sức trẻ để thành phố năng động hơn
Có mặt tại Dinh Độc lập, chị Trương Thị Bảo Trân (28 tuổi), nhân viên ngành hàng không, làm việc tại Q.Tân Bình, TP.HCM, bày tỏ về ngày 30.4 như là ngày đánh dấu sự kiện thống nhất đất nước, là cột mốc đáng nhớ hai miền Nam - Bắc không còn chia cắt. Là người của thế hệ trẻ, mỗi năm chị Trân được xem lại những thước phim, hình ảnh về sự kiện lịch sử này. Chị thấy biết ơn sự hy sinh của chiến sĩ, đồng bào đã nằm xuống để giờ đây các thế hệ sau được sống trong hòa bình và chứng kiến thành phố ngày càng phát triển.
Cũng như bao công dân trẻ khác, chị Trân không mong gì hơn sẽ nhìn thấy một thành phố trẻ, năng động nhất cả nước hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch, có sự kết nối với thế giới và tiếp tục là đầu tàu về hội nhập kinh tế, văn hóa, giáo dục và xã hội.
Còn Hồ Ngọc Phương Uyên (23 tuổi), nhân viên lễ tân làm việc tại Q.3, TP.HCM, chia sẻ đã biết đến ngày 30.4 lịch sử từ những năm học phổ thông, lớn hơn lại được xem tin tức trên báo và truyền hình nên Uyên càng thêm vinh dự, tự hào khi sống và làm việc ở thành phố mang tên Bác. Nhìn về những giá trị lịch sử đó, Uyên càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, tự do để có được cuộc sống vui vẻ như ngày hôm nay. Qua đó, cô gái này cũng cảm thấy rất biết ơn các bậc cha chú đã chiến đấu hy sinh để đất nước thống nhất.
Bạn trẻ đến Hội trường Thống Nhất trong ngày 30.4
Bạn trẻ đến Hội trường Thống Nhất trong ngày 30.4
“Thời gian qua, TP.HCM đã hứng chịu nhiều mất mát do đại dịch nhưng cũng đã phục hồi một cách thần kỳ. Ngay cả chính tôi cũng không thể hình dung được TP.HCM của hiện nay với vài tháng trước đã thay đổi nhiều đến chừng nào. Có thể nói sức sống của thành phố nơi mình đang sống có một ý chí vươn lên rất mãnh liệt, xứng đáng là nơi để người trẻ chúng tôi đóng góp công sức của mình”, Uyên nói.
Là một người con sinh ra và lớn lên ở vùng đất Tây nguyên nhưng mỗi khi nhắc đến sự kiện lịch sử 30.4 của thành phố, La Bửu Huy, sinh viên Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM, không khỏi bồi hồi xúc động. Huy bày tỏ dù không sống qua thời kỳ lịch sử đó nhưng qua những hình ảnh đã xem, cậu luôn nhắc nhở bản thân phải biết trân trọng những gì thuộc về lịch sử. Do đó, mỗi năm những ngày này với Huy luôn mang một giá trị to lớn, như sống lại thời điểm hào hùng của cha ông đi trước.
Là một người trẻ, Huy luôn mong muốn đời sống tinh thần của giới trẻ TP.HCM ngày càng được nâng cao, sống trong môi trường tiện nghi, văn minh, cởi mở; Luôn luôn là một thành phố trẻ, tạo cơ hội, điều kiện cho những người trẻ như Huy phát triển vượt bậc; Đặc biệt còn có thể cho các bạn trẻ ở địa phương khác cùng chung tay góp phần tạo nên một thành phố hiện đại.
Nhiều bạn check-in Bưu điện Thành phố. PHẠM HỮU
Nhiều bạn check-in Bưu điện Thành phố. PHẠM HỮU
Check-in để “sống ảo”
Ở khu vực xung quanh như công viên 30.4, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố cũng tấp nập người check-in “sống ảo”. Những quán cà phê bệt, góc bóng mát ở công viên luôn là điểm dừng chân của bạn trẻ.
Vừa đạp xe vừa ngắm cảnh thành phố, Đặng Thị Kim Trang (27 tuổi), nhân viên kế toán làm việc tại Q.7, cho biết năm nay cô và nhóm bạn quyết định không đi chơi xa mà ở lại thành phố vui chơi.
Trang cùng nhóm bạn thuê xe đạp rồi cùng nhau vi vu trên các con đường trung tâm. Hành trình của cô và nhóm bạn sẽ đi trong ngày từ Q.1, sau đó sẽ đến Q.7 và TP.Thủ Đức. Kết thúc chuyến đi sẽ ăn uống tại một quán ăn nào đó ở ngoại thành.
“Tôi đạp xe chơi lễ có 2 mục đích, thứ nhất là đạp xe để cảm nhận không khí thành phố trong những ngày lễ, thứ 2 tôi đạp xe để muốn tìm bạn trai”, Trang cười vui và nói.
Tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1), bạn trẻ đi dạo dọc con đường, chụp ảnh lưu niệm. Một số bạn trẻ khác tìm đến các trạm xe đạp công cộng để thuê xe, đạp cùng bạn của mình.
Nguyễn Minh Khang, sinh viên Trường ĐH Tài chính - Marketing, chia sẻ kỳ nghỉ lễ lần này anh không về quê mà ở lại để khám phá TP.HCM. Khang còn dự định sẽ đi những nơi ở ngoại thành và sẽ cắm trại ở đâu đó.
Trong khi đó, các quán cà phê cũng thu hút lượng lớn giới trẻ tìm đến, từ quán cà phê bệt đến quán sang trọng. Tuy vậy, một số bạn trẻ khác lại chọn những quán cà phê có nét cổ xưa để vừa nhâm nhi cà phê vừa nói chuyện với bạn bè. Không khí trở nên thoải mái và vui vẻ trong ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5.
Theo Phạm Hữu (TNO)

Có thể bạn quan tâm