(GLO)- Những tâm tư, nguyện vọng và vướng mắc về công tác Đoàn tại địa phương được các cán bộ Đoàn chủ chốt, đoàn viên tiêu biểu nêu ra tại chương trình đối thoại với Bí thư Tỉnh Đoàn. Qua chương trình, nhiều khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh trong thời gian tới.
Chương trình đối thoại được tổ chức vào sáng 23-9, kết nối trực tuyến từ điểm cầu Tỉnh Đoàn đến điểm cầu 22 Huyện Đoàn, Thị Đoàn, Thành Đoàn và các tổ chức Đoàn trực thuộc với sự tham gia của hơn 590 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Trong không khí gần gũi, cởi mở, dân chủ, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo đã lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và giải đáp thắc mắc của ĐVTN. Anh Sâp-Bí thư Đoàn xã Đê Ar (huyện Mang Yang) phát biểu: “Luật Thanh niên năm 2020 đã có hiệu lực, tuy nhiên, việc triển khai hiện nay vẫn còn lúng túng, khó khăn, thiếu đồng bộ, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan. Tỉnh Đoàn có những giải pháp nào để triển khai Luật Thanh niên từ tỉnh đến địa phương được tốt hơn?”.
Liên quan đến vấn đề “đầu ra” của cán bộ Đoàn, Bí thư Đoàn xã Kon Thụp (huyện Mang Yang) Nguyễn Cảnh Bá nêu câu hỏi: “Tỉnh Đoàn đã có kế hoạch hay đã làm việc với các cấp, ngành để bố trí công tác cho cán bộ Đoàn, nhất là các đồng chí làm tốt, có cống hiến lâu năm đã gần hết tuổi làm công tác Đoàn?”.
Giải đáp các ý kiến, thắc mắc của cán bộ Đoàn, Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo cho rằng: Việc ban hành Luật Thanh niên có ý nghĩa chính trị, pháp lý sâu sắc trong điều kiện mới; bảo đảm tiếp tục thực hiện quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của thanh niên; quy định trách nhiệm của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Để triển khai hiệu quả Luật Thanh niên, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền trong ĐVTN, các cấp bộ Đoàn cần chủ động tham mưu, đăng ký thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ do cấp ủy, chính quyền phân công; khẳng định vai trò Đoàn là cánh tay phải của Đảng tại địa phương. Định kỳ tham mưu tổ chức các buổi tiếp xúc, đối thoại với cấp ủy, chính quyền địa phương để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh tại cơ sở.
Quang cảnh chương trình đối thoại. Ảnh: Phan Lài |
Về vấn đề công tác cán bộ Đoàn, chị Hà Thị Giang Thảo thông tin: Hiện tại, công tác cán bộ Đoàn các cấp vẫn thực hiện theo Quyết định số 289-QĐ/TW, ngày 8-10-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trong đó quy định tiêu chuẩn đối với cán bộ Đoàn các cấp cũng như các nội dung liên quan đến công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, nhận xét, đánh giá, luân chuyển, điều động…
Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đều tiến hành rà soát, tổng hợp danh sách cán bộ Đoàn hết tuổi chưa bố trí được công tác mới và có văn bản gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy đề nghị quan tâm bố trí giải quyết “đầu ra” đối với cán bộ Đoàn. Điều quan trọng nhất là mỗi cán bộ Đoàn phải tự học tập, hoàn thiện trình độ, tiêu chuẩn theo yêu cầu chức danh, chức vụ tương đương để thuận tiện cho cấp ủy bố trí, sắp xếp công tác khi hết tuổi. Trong nhiệm kỳ tới, Ban Chấp hành Tỉnh Đoàn dự kiến xây dựng và triển khai Nghị quyết về một số giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn chuyên trách giai đoạn 2022-2027; trong đó tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng, trình độ, năng lực của cán bộ Đoàn các cấp, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo tiêu chuẩn của các vị trí công tác khác, từ đó có cơ sở để kiến nghị với cấp ủy các cấp bố trí đầu ra cho cán bộ Đoàn khi hết tuổi.
Tăng tính tương tác
Tại chương trình đối thoại, ĐVTN đã nêu nhiều ý kiến, tập trung vào các vấn đề liên quan đến gìn giữ, phát huy giá trị, di sản văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay; giải pháp hỗ trợ việc làm cho thanh niên địa phương, đặc biệt là quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự; vốn vay cho thanh niên phát triển kinh tế; giải pháp nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn ở cơ sở… Nhiều ĐVTN bày tỏ mong muốn tổ chức Đoàn quan tâm hơn nữa đến việc trang bị kỹ năng mềm, đổi mới tổ chức sinh hoạt chi đoàn; thêm nhiều chương trình hỗ trợ cho ĐVTN. Từng câu hỏi đặt ra đã được Bí thư Tỉnh Đoàn tiếp thu, giải đáp thẳng thắn, trách nhiệm.
Bí thư Tỉnh Đoàn Hà Thị Giang Thảo (bìa phải) trả lời câu hỏi của thanh niên tại chương trình đối thoại. Ảnh: Phan Lài |
Để chuẩn bị cho chương trình đối thoại, từ đầu tháng 8-2022, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các tổ chức Đoàn cơ sở lấy ý kiến rộng rãi trong ĐVTN. Các ý kiến, đề xuất đưa ra rất đa dạng, liên quan đến nhiều vấn đề xuất phát thực tiễn tại cơ sở... khiến cho chương trình đối thoại thêm sôi nổi. Đề xuất có thêm nhiều chương trình đồng hành, hỗ trợ thanh niên của anh Rơ Lan Tứ-Bí thư Đoàn xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) được nhiều người quan tâm. “Sau khi nhận được giải đáp của Bí thư Tỉnh Đoàn, ngoài các sàn giao dịch việc làm, mình biết thêm về ứng dụng chuyển đổi số vào công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho ĐVTN thông qua triển khai ứng dụng số i-HR, giúp kết nối liên tục 24/7 trực tiếp giữa 3 nhóm đối tượng là người lao động-cơ sở giáo dục nghề nghiệp-doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ số. Mình hy vọng những buổi đối thoại như thế này sẽ được tổ chức nhiều hơn nữa để ĐVTN có thể bày tỏ ý kiến, đề xuất những giải pháp hay về công tác Đoàn”-anh Rơ Lan Tứ bày tỏ.
Theo chị Hà Thị Giang Thảo: Chương trình đối thoại là cơ hội để Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của ĐVTN nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của tổ chức, nhất là ở cơ sở. Đồng thời, tạo điều kiện để ĐVTN đóng góp ý kiến, hiến kế xây dựng, phát triển Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi toàn tỉnh trong thời gian tới. “Những ý kiến tại chương trình đối thoại rất chính đáng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế và tình hình ở các địa phương. Các tổ chức Đoàn cơ sở cần xây dựng kế hoạch, định kỳ đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN tạo cơ hội để tuổi trẻ đóng góp tiếng nói của mình, giúp công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi đạt hiệu quả trong thời gian tới”-Bí thư Tỉnh Đoàn nhấn mạnh.
PHAN LÀI