Thời sự - Bình luận

Lãng phí khổng lồ từ quy hoạch treo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một bán đảo nằm ngay trung tâm thành phố lớn nhất cả nước, được ví như 'ngọc trong ngọc' nhưng treo 30 năm, lãng phí nếu quy ra tiền là bao nhiêu? Không ai có thể tính đúng tính đủ, nhưng chắc chắn đó là một con số khổng lồ.

30 năm, thời gian đủ để một đứa trẻ trở thành một người trưởng thành, người trưởng thành trôi qua thanh xuân tươi đẹp nhất của cuộc đời. Những gia đình ở bán đảo Thanh Đa (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) 30 năm trước đã có thế hệ thứ 2, thứ 3. Quãng thời gian đó, nhiều vùng đầm lầy đã biến thành các khu đô thị hiện đại, năng động bậc nhất như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm, Thảo Điền… Nhưng bán đảo Thanh Đa, nơi được ví như "ngọc trong ngọc", lại vẫn nguyên trạng và còn có phần xơ xác, xiêu vẹo hơn. Người dân nơi đây trong suốt 30 năm qua đã bao phen cứ khấp khởi mừng rồi lại hụt hẫng trước thông tin nhà đầu tư này đi, nhà đầu tư kia tới. Riết rồi họ chẳng buồn quan tâm nữa. 30 năm chờ đợi đã bào mòn niềm tin của họ về một ngày bán đảo Thanh Đa được quy hoạch, xây dựng, để họ thoát cảnh sống tạm bợ trong chính ngôi nhà, trên chính mảnh đất của mình.

Ở góc độ phát triển, 30 năm qua, kinh tế TP.HCM đã có rất nhiều thay đổi sau các công cuộc chuyển mình. Nhưng so với tiềm năng, so với lợi thế và so với kỳ vọng của chính người dân về một thành phố đã từng được ví là "hòn ngọc Viễn Đông" thì chưa. Một trong những lý do chúng ta thường nói đến là do nguồn lực hạn chế. Nguồn lực hạn chế khiến nhiều dự án trọng điểm bị ách lại, những nút thắt cổ chai chật vật không thể mở ra… Đáng nói, trong bối cảnh đó, sự lãng phí từ quy hoạch treo khổng lồ vẫn tồn tại song song, lưu cữu, dai dẳng đến không thể hiểu nổi. Bán đảo Thanh Đa là một minh chứng điển hình. Một bán đảo lớn nhất, đẹp nhất TP.HCM với diện tích lên tới 427 ha, bao quanh bởi sông Sài Gòn nếu được phát triển đúng tầm thì 3 thập niên qua đã mang về cho TP biết bao nhiêu mà kể, cả giá trị vật chất tới tinh thần? Từ bán đảo Thanh Đa nhìn rộng ra hàng loạt dự án quy hoạch treo khác, ở trung tâm có, ở ngoại thành có; lớn có, nhỏ có… thì "nguồn lực hạn chế" mà chúng ta thường nói đến như một sự biện minh cho sự phát triển chưa đúng tiềm năng liệu có thỏa đáng?

Nhìn từ nguồn lực khổng lồ bị chôn ở các quy hoạch treo, dự án treo khắp nơi trên cả nước sẽ thấu hiểu vì sao Tổng Bí thư Tô Lâm coi chống lãng phí như công cuộc chống "giặc nội xâm" và đề xuất xây dựng "văn hóa phòng, chống lãng phí" như một giải pháp mang tính căn cơ, bền vững để loại bỏ tình trạng lãng phí ra khỏi xã hội, từ đó phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

Trở lại với bán đảo Thanh Đa mà TP.HCM đang tái khởi động và đã có nhà đầu tư thực lực tâm huyết muốn tham gia, cái còn lại có lẽ là một quyết tâm chính trị thực sự từ lãnh đạo thành phố để hồi sinh dự án này nói riêng cũng như nhiều quy hoạch treo trên địa bàn nói chung. Bởi thành phố hội tụ nhiều điều kiện để bứt tốc, đặc biệt là được trung ương tin tưởng, giao quyền tự quyết nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, thậm chí chưa có tiền lệ thông qua Nghị quyết 98, nhưng thực tế tăng trưởng kinh tế mấy năm nay đã chững lại. Cơ hội để vượt lên, lấy lại ngôi đầu, để "trả nợ" cho người dân bán đảo Thanh Đa nói riêng và người dân thành phố nói chung một đô thị xứng tầm phụ thuộc rất nhiều vào bản lĩnh "dám quyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm" của chính những người đứng đầu.

Xóa quy hoạch treo nói chung và bán đảo Thanh Đa nói riêng cũng chính là hành động thiết thực cho công cuộc chống lãng phí mà Tổng Bí thư đang quyết liệt thực hiện.

Theo Nguyên Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm