Thời sự - Bình luận

Lời nhắc của thiên nhiên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hai năm qua, việc cá heo xuất hiện ở vùng biển sát bờ, chim di cư ở bán đảo Sơn Trà, các loài cò và hệ thực vật phát triển ở các bãi bồi ven sông Hàn, sông Cẩm Lệ… không chỉ làm người dân thích thú, mà còn tạo ra không khí thảo luận sôi nổi trong cộng đồng khoa học.

Còn khá sớm để kết luận từ những hiện tượng này về chất lượng môi trường, hệ sinh thái một số khu vực của TP.Đà Nẵng. Nhưng các nghiên cứu đã xác nhận số lượng loài và cá thể từng loài đã và đang tăng lên. Và việc cần làm ngay hiện nay là cần nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên trong cộng đồng, góp phần vào quá trình phát triển quần thể động vật hoang dã, bên cạnh các đề án xây dựng Đà Nẵng - TP môi trường và các dự án, chương trình của TP.

Quan trọng hơn, trong quá trình phát triển đô thị cũng cần đánh giá kỹ tác động đối với môi trường. Đơn cử như công trình vỉa hè đường Thăng Long (Q.Hải Châu), địa phương và ban quản lý dự án thi công đặc biệt thận trọng, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hệ thực vật, chim muông cư ngụ ở bãi bồi. Đây là bài học được rút ra sau khi san lấp bãi bồi cầu Trần Thị Lý xây dựng khu Đảo Xanh từ những năm 2000 mà đến nay hệ thực vật ven sông và các loài chim muông mới trở lại. TP.Đà Nẵng còn có nhiều dự án đô thị ven sông, lấn biển và trong tương lai có thể tiếp tục lấn biển, do đó cần xem xét đầy đủ những tác động có thể xảy ra đối với thiên nhiên.

Mới đây tại hội thảo về phát triển H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng), một khái niệm không mới nhưng ít khi được đề cập trong phát triển đô thị nay đã được nhắc lại, đó là phát triển phù hợp với "ngưỡng" môi trường, phục hồi hệ sinh thái trước tác động của đô thị hóa. Gần đây, người người, nhà nhà "đu trend" tìm về thiên nhiên để chữa lành. Điều đó cho thấy không chỉ thực trạng đô thị hóa bùng nổ lâu nay đã bỏ quên mảng xanh, mà còn khẳng định giá trị của thiên nhiên trong TP. Sự trở về của động vật hoang dã tại TP.Đà Nẵng là lời nhắc nhở về giá trị cốt lõi mà con người đang tìm kiếm.

Có thể bạn quan tâm