Luôn nghĩ ra những cái mới phục vụ lợi ích cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những sáng kiến, nghiên cứu nảy sinh từ những đêm mất ngủ, những thành công được đánh đổi bằng cả máu và nước mắt… để rồi tất cả điều đó lan tỏa cảm hứng tốt đẹp đến cộng đồng và phục vụ lợi ích cho xã hội.

 Toàn cảnh buổi giao lưu ứng viên giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020- THANH HẢI
Toàn cảnh buổi giao lưu ứng viên giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020- THANH HẢI


Đó là những chia sẻ chân thành của 4 ứng viên trong danh sách 20 đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2020 trong buổi giao lưu trực tuyến tại Báo Thanh Niên sáng qua 3.3.
Phục vụ cho xã hội và cộng đồng

Trước khi có tên trong danh sách đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2020, tiến sĩ Đoàn Lê Hoàng Tân (33 tuổi), Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, ĐH Quốc gia TP.HCM, từng là một trong 10 nhà khoa học trẻ được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Quả cầu vàng năm 2020. Anh có hơn 30 bài báo khoa học công bố trên tạp chí y tế quốc tế, chủ nhiệm 4 đề tài cấp cơ sở và 1 đề tài cấp bộ, tác giả của 1 sáng chế Hoa Kỳ và 1 sáng chế trong nước và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học khác.


 

 Đoàn Lê Hoàng Tân
Đoàn Lê Hoàng Tân


Hướng nghiên cứu của tiến sĩ Hoàng Tân và nhóm là về vật liệu nano ứng dụng trong lĩnh vực y sinh như điều trị ung thư, chuyển hóa năng lượng, quan trắc môi trường…

Anh Tân cho biết: “Về điều trị ung thư có 2 phương pháp chính là xạ trị và hóa trị, nhưng có hạn chế lớn là khả năng phân phối thuốc kém dẫn đến lượng thuốc sử dụng rất nhiều gây tác dụng phụ tới bệnh nhân. Mình và nhóm nghiên cứu đã thiết kế và nghiên cứu tổng hợp các vật liệu nano, với 4 mục tiêu chính gồm mang được nhiều chất kháng ung thư khác nhau, có khả năng dẫn truyền và phân phối dược chất đúng đến các tế bào ung thư, sau đó dược chất có khả năng điều khiển được quá trình giải phóng dược chất theo như mong muốn để tối ưu hóa quá trình điều trị. Hạt nano sau đó có thể tự phân hủy và được đào thải tránh tích tụ gây nguy hiểm cho cơ thể. Ưu điểm của nghiên cứu này là tăng hiệu quả sử dụng thuốc, giảm chi phí và giảm tối đa tác dụng phụ của thuốc”.

Trong khi đó, anh Bùi Thanh Nghị, Tổ trưởng Quản lý chất lượng, Bí thư Chi đoàn Xí nghiệp bao bì An Khang, là chủ nhân của rất nhiều sáng kiến, trong đó nổi bật là sáng kiến phát triển sản phẩm mới, màng thổi đa lớp PP.EVOH được áp dụng trực tiếp vào sản xuất tại xí nghiệp, tính theo doanh thu bán được cho đơn hàng đầu tiên khoảng 307 triệu đồng và có thể áp dụng lâu dài ở các năm tiếp theo doanh thu sẽ tiếp tục tăng.

 

 Bùi Thanh Nghị
Bùi Thanh Nghị


“Sáng kiến màng thổi đa lớp PP.EVOH là dòng sản phẩm có tính ngăn cản ô xy và hơi nước, đây là tác nhân chính làm cho thời gian bảo quản sản phẩm ngắn đi, nên với màng này là để tăng thời gian bảo quản sản phẩm, đảm bảo được sức khỏe cho người tiêu dùng… Trong quá trình sáng chế, nhóm luôn tập trung vào 3 chữ R: Reduce (tiết giảm), Reuse (tái sử dụng), Recycle (tái chế)”, anh Nghị bày tỏ.

Trong thời gian qua khi dịch Covid-19 xuất hiện và kéo dài, cộng đồng được biết đến ATM gạo, ATM khẩu trang hỗ trợ cho hàng ngàn người dân khó khăn. Anh Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc công ty cổ phần Vũ Trụ Xanh, chính là “cha đẻ” của những cây ATM tuyệt vời này.

 

 Hoàng Tuấn Anh
Hoàng Tuấn Anh


Anh Tuấn Anh chia sẻ trong năm mới 2021 khi dịch Covid-19 ở Hải Dương bùng phát mạnh thì bên anh đã kết hợp với các doanh nghiệp để tài trợ 30 tấn gạo cho người dân nơi này. Anh cũng cho lắp đặt thêm các máy ATM khẩu trang ở các sân bay như một lời nhắc nhở mọi người đeo khẩu trang thường xuyên để phòng tránh dịch bệnh.

Tiếp tục lan tỏa điều tốt đẹp

Để có được những sáng kiến góp ích cho cộng đồng, để có được những thành công truyền cảm hứng cho xã hội, Nguyễn Văn Đương, vận động viên boxing của đội tuyển quốc gia, đã phải trải qua nhiều đêm mất ngủ, những năm tháng xa nhà, những buổi rèn luyện đổ máu. Để trở thành vận động viên boxing đầu tiên của Việt Nam sẽ dự Olympic vào năm nay sau hơn 30 năm Việt Nam vắng bóng tại môn thi đấu này, Đương đã có quá trình rèn luyện từ năm 13 tuổi.

 

Nguyễn Văn Đương
Nguyễn Văn Đương



Đương kể: “Từ nhỏ, mình đã rất thích võ thuật. Lúc đó, mình có người anh họ tập boxing, anh hỏi mình có thích không. Từ sau câu hỏi đó, mình đã quyết định xách ba lô theo anh họ lên Hà Nội học”.


Đương đã giành thời gian luyện tập rất nhiều. Từ một cậu bé 13 tuổi chỉ nặng 32 kg, tưởng như không thể trở thành vận động viên boxing, Đương đã hạ quyết tâm “ăn thật nhiều cho mau lớn”, rồi kiên trì rèn luyện kỹ thuật và thể lực. “Có lần đấu tập với anh em trong đội để chuẩn bị cho giải cúp các CLB toàn quốc, mình bị chấn thương gãy xương ngón áp út ở tay phải, phải bó bột 3 tuần, khi tháo bột ra thì chỉ còn một tuần nữa là thi đấu. Nguyên giải đó mình chỉ đấm bằng một tay”, Đương chia sẻ.

Còn anh Hoàng Tân và cộng sự thì miệt mài trong các phòng thí nghiệm với nhiều đêm không ngủ để tìm tòi, nghiên cứu mới có được những kết quả tuyệt vời cho việc điều trị ung thư theo hướng mới.

“Mình quan niệm là nghiên cứu phải gắn liền với thực tiễn, giúp cho xã hội, giúp cho cộng đồng những điều tốt đẹp. Nhóm mình sẽ tiếp tục phát triển nghiên cứu theo hướng ứng dụng vật liệu như chuyển hóa năng lượng nhiệt điện, vật liệu nhiệt điện hay cảm biến y sinh, cảm biến khí độc trong môi trường, khử mặn, giảm mặn nguồn nước… Ngoài ra, sẽ phát triển vật liệu nano làm nâng cao nguồn dược liệu cho Việt Nam”, anh Tân cho biết.

Về việc hỗ trợ người khó khăn trong dịch Covid-19, anh Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: “Khi làm ATM gạo, mình nhận được rất nhiều ủng hộ từ các mạnh thường quân, đây cũng là áp lực nhưng áp lực này lại tạo cho mình động lực để làm nhiều chương trình hơn. Lúc làm ATM gạo ở Hải Dương, nơi có lượng người mắc rất nhiều, cảm giác của mình là hạnh phúc vô cùng khi người dân ở vùng tâm dịch, đặc biệt những người già cô đơn, nhận được những túi gạo”, anh Tuấn Anh bày tỏ.


Hướng đến cộng đồng

Anh Bùi Thanh Nghị chia sẻ: “Mình tham gia công tác Đoàn từ thời sinh viên, đến khi đi làm thì trở thành cán bộ Đoàn, với các chiến dịch Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng. Nhớ lại một tháng Mùa hè xanh ăn ngủ cùng bà con ở các vùng quê nghèo, thì đó là khoảng thời gian rất ý nghĩa với mình. Những hoạt động này chính là động lực giúp mình luôn nghĩ ra những sáng kiến mới hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng”.

Với anh Đoàn Lê Hoàng Tân, các hoạt động Đoàn - Hội, chiến dịch Mùa hè xanh… đã thu hút anh từ thời sinh viên. “Mình còn xuống các trường phổ thông hỗ trợ các em nhỏ tập nghiên cứu khoa học. Mình thấy các hoạt động Đoàn - Hội giúp tụi mình trưởng thành hơn rất nhiều, góp phần định hướng nghề nghiệp và để lại rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ”, anh Tân thổ lộ.


Theo MỸ QUYÊN (TNO)

Có thể bạn quan tâm