(GLO)- Tuy mới xuất hiện ở Pleiku (tỉnh Gia Lai) chừng 3 năm trở lại đây, nhưng môn trượt ván thu hút khá đông bạn trẻ tham gia tập luyện. Không chỉ rèn luyện sức khỏe và sự khéo léo, môn thể thao này còn là sợi dây kết nối niềm đam mê, tạo sân chơi mới mẻ, hấp dẫn giới trẻ.
Các thành viên nhóm Pluk8 Crew tập luyện tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku). Ảnh: Phương Vi |
Khoảng 17 giờ mỗi ngày, nhóm Pluk8 Crew tập trung về khuôn viên rộng bên cạnh Quảng trường Đại Đoàn Kết để cùng nhau luyện tập. Có những bạn đang tập giữ thăng bằng trên ván, có bạn cố gắng luyện tập những kỹ thuật khó hơn.
Nguyễn Hoàng Ân là một trong những người đầu tiên khởi xướng môn thể thao này ở Pleiku. Cách đây 1 năm, Ân cùng 3 người bạn thành lập nhóm tập luyện mỗi ngày tại sân Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku và Quảng trường Đại Đoàn Kết. Thấy nhóm luyện tập, nhiều bạn trẻ tò mò đến xem và muốn thử sức. Dần dần, nhóm ngày càng có thêm nhiều thành viên gia nhập.
Ân chia sẻ: “Khi xem các clip biểu diễn ván trượt đường phố trên Youtube, mình rất thích. Cảm giác chinh phục được tấm ván, lướt trên các địa hình khó khiến mình muốn thử sức. Hơn 1 năm qua, mình đã tập luyện và thực hiện được 6 kỹ năng. Đổi lại cũng làm gãy vài chiếc ván trượt”. Hiện Ân là sinh viên Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh, song mỗi khi về thăm nhà đều tranh thủ đến tập luyện cùng mọi người trong nhóm.
Dù khá mới mẻ song môn thể thao trượt ván đã thu hút đông đảo bạn trẻ Phố núi thử sức. Ảnh: Phương Vi |
Trượt ván hay còn gọi là skateboard là môn thể thao xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 50 (thế kỷ XX) tại Mỹ, gồm 2 thể loại: trượt tự do và biểu diễn kỹ năng. Sau hơn nửa thế kỷ phát triển, trượt ván, nhất là trượt ván đường phố (street skateting) được nhìn nhận như một môn thể thao chuyên nghiệp với nhiều cuộc thi được tổ chức trên toàn thế giới. |
Hồng Kha Quân (lớp 12A11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP. Pleiku) là thành viên khá kỳ cựu của nhóm Pluk8 Crew. Những lúc rảnh rỗi, Quân lại đem ván ra tập luyện, tự mày mò thực hiện các thao tác phức tạp, nâng cao kỹ thuật.
Quân bày tỏ: “Môn ván trượt đòi hỏi người tập phải có niềm đam mê, sự kiên trì, không được nóng vội. Bởi nếu nóng vội và tập luyện không đúng kỹ thuật sẽ rất dễ bị chấn thương như trật cổ chân, vấp ngã gãy tay, gãy chân hoặc gây nguy hiểm cho người khác. Vì vậy, mỗi người chơi phải tự tập luyện nhuần nhuyễn các động tác cơ bản, làm chủ được ván trượt rồi mới tập luyện động tác nâng cao”.
Để trụ vững trên ván, người tập cũng mất vài ngày khổ luyện. Tiếp đến là vừa di chuyển vừa giữ thăng bằng trên ván. Để nhuần nhuyễn những động tác căn bản thường phải tập 1-2 tháng.
Theo Nguyễn Hoàng Ân, trượt ván là môn thể thao giúp người chơi thể hiện được sức khỏe, sự khéo léo và sức sáng tạo. Ngoài các kỹ thuật nâng cao như: trượt ván vượt chướng ngại vật, ollie (bay/bật trên ván), nollie (bật bằng mũi ván), shuvit, pop shuvit (kết hợp nhấn đuôi ván và nhảy, ván xoay 180 độ), frontside 180 độ (bật ván xoay 180 độ)… thì mỗi người sẽ có thêm những cách sáng tạo khác để biểu diễn sao cho đẹp mắt, hấp dẫn. Những người chơi chuyên nghiệp sẽ biểu diễn lướt ván trên lan can, vượt qua bậc thang hay các không gian có nhiều chướng ngại vật khác nhau.
Việc lướt như bay trên tấm ván đem lại cảm giác tự do, phóng khoáng, khỏe khoắn đã khiến môn thể thao này ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ tham gia, kể cả nữ giới. Từ một cô gái có tính cách khá rụt rè, hướng nội, Nguyễn Thị Uyên Mai (lớp 10C6, Trường THPT Lê Lợi) trở nên hòa đồng, vui vẻ và hoạt bát hơn khi tham gia nhóm Pluk8 Crew. Mai bộc bạch: “Khi tham gia nhóm, ngoài việc tập luyện nâng cao sức khỏe, em còn làm quen được nhiều bạn bè và cảm thấy tâm trạng vui vẻ hơn rất nhiều”.
Còn Đào Văn Mạnh (lớp 11A11, Trường THPT Hoàng Hoa Thám) thì tâm sự: “Càng tập luyện với mọi người, mình càng cảm thấy yêu thích môn thể thao này và sẽ kiên trì tập những kỹ thuật khó hơn. Mình cũng mong rằng, phong trào chơi ván trượt ở TP. Pleiku ngày càng lan tỏa, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia và được nâng tầm, giao lưu với các bạn trẻ cùng đam mê ở các tỉnh, thành trong cả nước”.
PHƯƠNG VI