Một ngày làm sinh viên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau kỳ thi kết thúc năm học, để giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, sở trường của bản thân cũng như điều kiện kinh tế gia đình, nhiều trường THCS và THPT đã tổ chức cho học sinh đi tham quan các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh.
Những ngày gần đây, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai luôn tấp nập dù đã gần đến thời điểm kết thúc năm học. Nhiều trường THCS và THPT trong tỉnh đã đăng ký để đưa học sinh đến tham quan cơ sở đào tạo, xưởng thực tập sản xuất để giúp các em hình dung rõ hơn về việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai.
Cô Nguyễn Thị Tuyết-Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Chư Pah-cho biết: “Vừa rồi, nhà trường có tham dự hội nghị phân luồng học sinh phổ thông theo tinh thần Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” tổ chức tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Sau đó, Ban Giám hiệu nhà trường có kế hoạch đưa học sinh các lớp cuối cấp đi tham quan một vài cơ sở đào tạo. Với phương châm “Trăm nghe không bằng một thấy”, việc này sẽ giúp các em có thêm cơ hội lựa chọn học nghề hoặc học tiếp THPT theo nhu cầu bản thân. Sau khi đi tham quan thực tế, khoảng 10 em đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai”.
Học sinh các trường THCS, THPT trong tỉnh tham quan Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Học sinh các trường THCS, THPT tham quan Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai. Ảnh: Tạ Ngọc Điệp
Dịp này, Trường Cao đẳng nghề Gia Lai đã trao 40 suất học bổng (200.000 đồng/suất) cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường: THPT Tôn Đức Thắng (huyện Đức Cơ); THPT A Sanh, THCS Phan Đình Phùng (huyện Ia Grai); Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Lơ Pang (huyện Mang Yang).

Bà Doãn Thị Thanh Tú-Phó Trưởng ban tuyển sinh Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai-chia sẻ: “Sau thành công của hội nghị phân luồng, Ban tuyển sinh của nhà trường đã xây dựng chương trình “Một ngày làm sinh viên” với các hoạt động như: tổ chức cho các em dự giảng một tiết học, tham quan xưởng sản xuất, thưởng thức những sản phẩm do chính các anh chị sinh viên chế biến… Đến nay, nhà trường đã đón 8 đoàn với gần 500 lượt học sinh đến tìm hiểu thực tế, qua đó giúp các em định hướng trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân, gia đình và nhu cầu của thị trường lao động, góp phần vào việc cân đối thị trường này trong những năm tới”.

Lần đầu tiên được trải nghiệm một ngày làm sinh viên, em Nguyễn Hiểu Hy-học sinh Trường THPT Tôn Đức Thắng (huyện Đức Cơ) chia sẻ: “Em đã được tận tay tháo ốc vít của xe ô tô tại xưởng sửa chữa, được trồng cây ở môi trường thủy canh. Đó là những việc em chưa được làm bao giờ nên rất thích. Em sẽ thuyết phục ba mẹ cho em theo học nghề cơ khí tại đây”.
Trò chuyện với chúng tôi, ThS. Nguyễn Minh Nhựt-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Ngoài tham quan trường, xưởng và tham gia một tiết học để trải nghiệm, các em có thể được đi thăm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để hiểu thêm về sự kết nối giữa đào tạo và giải quyết việc làm, từ đó yên tâm lựa chọn ngành nghề”.
Cũng theo ThS. Nhựt, hiện nay, các trường phổ thông đều có chương trình hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, những tiết học này chưa được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung lẫn hình thức, hơn nữa đều do giáo viên bộ môn kiêm nhiệm nên chưa đạt hiệu quả. Chính vì vậy, những chương trình trải nghiệm ngắn sẽ giúp các em có cái nhìn đa chiều về hướng nghiệp, hiểu hơn về nhu cầu và định hướng của thị trường lao động trong tương lai. Mặt khác, quá trình giao lưu, tiếp xúc, trải nghiệm văn hóa địa phương sẽ bước đầu giúp các em mở rộng tầm mắt, hiểu hơn về vùng đất mà mình đang sinh sống cũng như công việc mình sẽ lựa chọn trong tương lai.
TẠ NGỌC ĐIỆP

Có thể bạn quan tâm