Một thời thanh xuân sôi nổi: Nhớ mãi bài hát 'Hát trên công trình tuổi trẻ'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trước mặt tôi là bài hát Hát trên công trình tuổi trẻ in trên giấy ố vàng, quay bằng rô-nê-ô, với giai điệu trầm hùng, khí chất do tôi sáng tác trên công trường tuyến phòng thủ ở Hóc Môn năm 1979, cách đây 42 năm.
 
Nhạc sĩ Trần Tấn Ngô (cầm đàn) và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên trong chuyến hành trình về nguồn của Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn tại Đắk Lắk ẢNH: NVCC
Nhạc sĩ Trần Tấn Ngô (cầm đàn) và nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên trong chuyến hành trình về nguồn của Ban Liên lạc cựu cán bộ Đoàn tại Đắk Lắk ẢNH: NVCC
Bản nhạc gợi lên kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời làm cán bộ Đoàn của tôi. Lời bài hát như thúc giục khí thế thanh niên sôi nổi lên đường bảo vệ Tổ quốc: Ngàn ngàn lời ca ta hát vang vui lên đường/Chào mừng anh em vai sánh vai ra tiền tuyến/Đuốc thiêng vẫn gọi sống trong tim dòng máu Lạc Hồng/Bước nối bước lên đường ta hăng hái tiếp bước lên đường...
Và tôi như sống lại giai đoạn hào hùng không thể nào quên của một thời thanh niên sôi nổi. Đó là vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Đất nước vừa thống nhất, niềm vui hạnh phúc dâng trào chưa được bao lâu thì xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam do bọn phản động Pôn Pốt - Yêng xa ri gây ra. Tội ác của bọn Pôn Pốt khiến mọi người căm giận. Nhiều lá đơn viết bằng máu tình nguyện ra chiến trường bảo vệ Tổ quốc. Lúc đó, tôi đang công tác tại Công ty phát hành sách TP.HCM, là Bí thư Đoàn và Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn khối Sở Văn hóa thông tin TP.HCM). Bầu nhiệt huyết tuổi trẻ, với tinh thần cách mạng sôi nổi, chúng tôi háo hức chờ nhận lệnh của cấp trên để sẵn sàng xung phong đi mọi mặt trận, kể cả ra chiến trường chiến đấu. Nhưng nhiệm vụ của thành phố lúc đó là vận động đoàn viên, thanh niên lên đường tham gia xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ biên giới Tây Nam. Thế là 150 đoàn viên, thanh niên do Thành đoàn phát động lên đường đi xây dựng tuyến phòng thủ bảo vệ Tổ quốc tại H. Hóc Môn.
 
Hát trên công trình tuổi trẻ đã qua 42 năm
Hát trên công trình tuổi trẻ đã qua 42 năm
Anh em chúng tôi xây dựng lán trại, đào công sự, lao động cật lực với tinh thần “Tất cả vì Tổ quốc, vì biên giới Tây Nam”. Trời mưa tầm tã, áo quần ướt sũng bụi bùn, cơm ăn độn, lán trại bằng tre nứa, lợp trong đơn sơ giữa nông trường bát ngát cỏ dại, hoa mắc cỡ, cào cào, châu chấu từng đoàn... Đâu đâu cũng có tiếng dế kêu, tiếng côn trùng nỉ non, đom đóm lập lòe, tiếng gió hú đập vào vách phên, khiến cho khung cảnh hoang dại càng thêm kỳ bí, làm tôi nhớ lại một thời chiến tranh của các thế hệ lãnh đạo đi trước lúc còn ở chiến khu...
Những anh em đoàn viên, thanh niên chúng tôi thời này ai cũng hào hứng, sôi nổi, không sợ gian khổ, dù nhiều người quen với công việc văn phòng, ít trải nắng, dầm mưa... Tay chân bỏng rộp, da đen sạm vì nhiễm nước phèn. Nhưng tất cả mang trong mình hình ảnh của Pa-ven Coóc-sa-ghin và lời bài ca Thanh niên sôi nổi: Lòng ta hằng mong muốn và ước mơ/Bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ...
Sau những ngày lao động mệt nhọc, tối về chúng tôi lại ôm đàn hát. Tôi vốn là dân đánh ghi ta nghiệp dư, nhưng nhiệt tình hòa cùng đồng đội. Tập thể 150 cán bộ Đoàn là bản hùng ca đầy hào khí... và ý tưởng phải viết một bài hát tập thể để hun đúc tinh thần anh em đã có trong tôi.
Và ước mơ đã trở thành hiện thực, vào ngày 7.1.1979, lúc anh em vừa kẻng, vừa cuốc ra công trường thì được Trung tâm chỉ huy công trường thông báo “Campuchia vừa được giải phóng anh em ơi”. Thế là ai có cuốc dùng cuốc, ai có kẻng dùng kẻng, ai có xoong nồi cứ thế mang ra đánh rền vang cả công trường. Tôi được chỉ huy công trường “lệnh”, anh Ngô phải cầm ghi ta lên trung tâm chỉ huy gấp, và tôi “tuân lệnh” - tiếng ghi ta vang lên, 150 tiếng hát cùng hòa vang bài Thanh niên sôi nổi (nhạc Liên Xô) và Nối vòng tay lớn (nhạc của Trịnh Công Sơn). Mọi người hát như chưa được hát bao giờ, những tiếng nói cười rộn rã, những âm thanh một thời của tuổi trẻ sôi nổi như vang lên “Chúng tôi sẵn sàng khi Tổ quốc cần”.
Nguyên đêm ấy về lán trại, anh em chúng tôi không sao ngủ được. Những tiếng nói, những tiếng cười rộn rã, những câu chuyện tiếu lâm luyên thuyên suốt đêm, tiếng cốc “dzô dzô” đã xuyên thủng màn đêm, không niềm vui nào tả nổi... Lòng tôi suy nghĩ phải làm điều gì cho chiến thắng vang dội này. Thế là suốt đêm, tôi cầm cây ghi ta và tờ giấy trắng học trò ghi từng nốt nhạc, và bài hát Hát trên công trình tuổi trẻ ra đời trong lúc nửa đêm.
Hôm sau, ban chỉ huy công trình làm tổng kết mừng chiến thắng. Tôi được vinh dự ôm đàn và cất tiếng ca bài hát mình mới sáng tác, thú vị nhất là viết ngay tại công trình tuổi trẻ mà mình đóng góp bằng mồ hôi và sức lao động. Tôi hát bằng cả trái tim, tôi hát bằng cả tấm lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, mọi người vỗ tay rào rào, khiến tôi vô vùng xúc động. Đồng chí Trương Tấn Sang (nguyên Chủ tịch nước), lúc đó là Giám đốc Nông trường Phạm Văn Hai trong đoàn lãnh đạo của thành phố dự tổng kết, vỗ vai tôi thân mật: “Ngô viết bài hát rất kịp thời, rất hay, có hồn lắm”... Tôi chỉ cười cười mà lòng rộn rã niềm vui.
Sau này, tôi gửi bài hát Hát trên công trình tuổi trẻ tham gia cuộc thi sáng tác Vì thành phố tôi yêu do Báo Tuổi Trẻ, thuộc Thành đoàn TP.HCM phát động và được giải ba... Bài hát đã ghi lại dấu ấn một thời tuổi trẻ sôi nổi của tôi, một cán bộ Đoàn. Dù sau này ra công tác, giữ nhiều nhiệm vụ quan trọng của nhà nước giao cho như Giám đốc Công ty sách miền Nam, Tổng giám đốc Tổng công ty sách Việt Nam (Bộ Văn hóa - Thông tin) nhưng ký ức về thời thanh niên sôi nổi mãi in đậm trong tâm hồn tôi. Lời bài hát như thôi thúc: Ơi thanh xuân ta ơi, mau sẵn sàng đáp lời Đảng gọi/Đi bất cứ nơi đâu dù hiểm nguy gian khó/Làm bất cứ việc gì cho Tổ quốc mến yêu.
Và tôi tự nhủ lòng mình: Hãy sống xứng đáng với những gì mình tâm nguyện. Nhớ không quên một thời sôi nổi. Để tâm hồn mãi tuổi thanh xuân.
Theo Trần Tấn Ngô (TNO)

Có thể bạn quan tâm