(GLO)- Em Trần Kế Tuấn Vương (SN 2004, trú tại tổ 9, thị trấn Kbang) là tấm gương sáng về nghị lực vượt khó vươn lên trong học tập ở Trường THPT Lương Thế Vinh (huyện Kbang). Không chỉ học giỏi, Vương còn tìm tòi, sáng chế ra chiếc máy phơi đồ tự động để tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường.
Dù sinh ra không có bàn tay phải và hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng Trần Kế Tuấn Vương luôn nỗ lực vươn lên trong học tập. Trong 9 năm học cấp tiểu học và THCS, Vương luôn đạt danh hiệu học sinh khá, giỏi. Năm lớp 9, em là thành viên đội tuyển học sinh giỏi của huyện Kbang tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Kết thúc năm học đầu tiên ở bậc THPT (2018-2019), Vương đạt danh hiệu học sinh giỏi. “Em bị khuyết tật nên phải viết bằng tay trái. Không muốn bố mẹ phiền lòng nên em luôn nỗ lực học tập. Em phấn đấu học thật tốt để thi đậu vào Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh”-Vương bộc bạch.
Em Trần Kế Tuấn Vương và cô giáo Tạ Thị Hạnh bên chiếc máy phơi đồ. Ảnh: H.S |
Năm học 2019-2020, khi nhà trường phát động cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, Vương tham gia với đề tài máy phơi đồ tự động. Trước đó, từ năm 2018, Vương đã bắt tay vào nghiên cứu, chế tạo chiếc máy này với mong muốn phụ giúp bố mẹ phơi quần áo và một số vật dụng khác của gia đình. “Từ trước đến nay, em thích sáng chế máy móc phục vụ cuộc sống hàng ngày. Em nảy ra ý tưởng làm máy phơi đồ tự động khi thấy nhiều lần quần áo của bố mẹ phơi bị ướt mưa do đi làm xa không kịp về cất. Khi bắt tay vào sáng chế chiếc máy này, em đã dành nhiều thời gian nghiên cứu qua sách vở, mạng xã hội để tìm hiểu cách đấu nối dòng điện, thực hiện bảng mạch và tìm mua các linh kiện cảm ứng về thời tiết”-Vương chia sẻ.
Với người bình thường, việc chế tạo một thiết bị áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật không dễ, với Vương càng khó khăn gấp bội. “Biến ý tưởng thành hiện thực là một quá trình nan giải. Bàn tay phải của em khiếm khuyết nên làm khó lắm. May mắn là thầy cô, gia đình và bạn bè hỗ trợ em nhiều. Mấy bạn trong lớp thường đến giúp em hàn bộ khung sắt. Thầy cô hướng dẫn em cách đấu nối mạch hoàn chỉnh. Công đoạn khó nhất của chiếc máy là để giàn phơi tự động kéo vào khi trời mưa. Em phải thử đi thử lại mấy chục lần mới được. Có nhiều lần em bị ốm do hết dầm mưa rồi lại phơi nắng để thử nghiệm chiếc máy này”.
Cô Tạ Thị Hạnh-giáo viên môn Vật lý Trường THPT Lương Thế Vinh-cho hay: “Trong lớp, Vương là học sinh nổi trội về môn Vật lý. Nhận thấy em thích nghiên cứu các sản phẩm ứng dụng khoa học kỹ thuật, chúng tôi rất khuyến khích. Chúng tôi cũng hỗ trợ Vương nhiệt tình trong quá trình sáng chế máy phơi đồ tự động này”.
Hiện sản phẩm của Vương đã hoàn thành và được trưng bày tại Trường THPT Lương Thế Vinh để chuẩn bị tham dự cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp trường. Chiếc máy gồm có 1 giá phơi, hộp che và hệ thống cảm ứng thời tiết. Máy hoạt động theo nguyên lý cảm ứng nhiệt. Quần áo và đồ đạc khác được treo lên giá rồi đưa ra nắng phơi. Nếu ánh nắng yếu hoặc có mưa, giàn phơi tự động “thông báo” để giá tự thu vào trong phần hộp che. Khi có nắng, giá phơi lại tự động đẩy đồ ra.
Thầy Nguyễn Đình Thuận-Hiệu trưởng nhà trường-nhận xét: “Em Vương là tấm gương vượt khó vươn lên trong học tập. Dù bị khuyết 1 bàn tay, ảnh hưởng nhiều đến việc học nhưng em học rất giỏi, chăm ngoan. Chúng tôi đánh giá cao chiếc máy phơi đồ tự động của Vương. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận”.
HOÀNH SƠN