Nếu một ngày bạn không còn nhìn thấy...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cánh cửa phòng khép lại, mỗi người trong nhóm chúng tôi được gỡ miếng bịt mắt nhưng bỗng thấy hoang mang cực độ vì xung quanh tối đen như mực, không có bất kỳ ánh sáng nào dù chỉ là một vệt nhỏ nhoi.

Người tham gia được bịt mắt trước khi bước vào phòng tối mô phỏng nhà của trẻ khiếm thị
Người tham gia được bịt mắt trước khi bước vào phòng tối mô phỏng nhà của trẻ khiếm thị



Đều đặn ba năm nay, một nhóm bạn trẻ đã cho nhiều người trải nghiệm “không nhìn thấy gì” trong 20-30 phút thông qua hoạt động đặc biệt từ cách tổ chức đến cả tên gọi - Triển lãm bóng tối.

Người tham gia được ban tổ chức đeo bịt mắt, xếp hàng dọc, đặt tay lên vai người phía trước rồi chầm chậm bước lên các bậc thang, đặt giày dép ngay ngắn ở kệ phía ngoài, sau đó di chuyển vào phòng tối. Khi cửa phòng khép lại, hành trình khám phá của họ bắt đầu.

“Mời anh chị vào thế giới của em!” - câu nói ấy vang lên trong căn phòng rộng khoảng 50m2 chào đón chúng tôi bước vào thế giới của trẻ em khiếm thị.

Trần Thị Lệ Hằng, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Căn phòng mô phỏng nhà của trẻ em khiếm thị, gồm đầy đủ vật dụng như bàn ghế, giường, kệ tủ, thức ăn, chén, đĩa... được chúng mình bịt kín các nguồn sáng. Mọi hoạt động sẽ diễn ra trong im lặng”.

“Mình biết là trong phòng sẽ tối nhưng không nghĩ là tối đến mức không còn nhìn thấy gì. Ban đầu người tham gia còn vịn vai nhau, nhưng khi không gian rộng hơn, họ bắt đầu mất phương hướng rồi tản ra để mò mẫm từng vật dụng trong phòng. Nhiều người giật mình nếu bất chợt chạm phải vật nào đó” - bạn Ngọc Duyên (Q.Tân Bình, TP.HCM) kể lại.

Theo Duyên, người bình thường khi sờ thấy cạnh giường sẽ hình dung ra ngay những góc cạnh nguy hiểm còn lại của nó vì vốn dĩ họ đã biết cái giường hình thù ra sao.

Trong khi đó, người khiếm thị bẩm sinh không thể hình dung được nên trong cuộc sống, những điều bình thường đối với người sáng mắt lại có thể là những nguy cơ rủi ro tai nạn với người khiếm thị.

Thảo Trâm (22 tuổi, TP.HCM) kể: “Chỉ việc đơn giản như đi sao cho không té đã rất khó khăn. Không ai nói chuyện nên tôi có cảm giác như mình đang bị nhốt lại, rất đơn độc, muốn thoát ra nhưng không biết phải đi hướng nào.

Sau khi làm quen với không gian, chúng tôi bắt đầu khám phá mọi thứ trong căn phòng. Có người còn cầm tay người cạnh bên đặt lên cốc cà phê âm ấm mà họ vừa nhận dạng được dù chẳng biết người kia là ai”.

Triển lãm bóng tối là một phần của dự án MindLight Summer, được tổ chức thử nghiệm lần đầu năm 2015 dựa trên mô hình triển lãm bóng tối ở châu Âu. Trong ba năm tổ chức, các suất tham gia đều kín. Ban tổ chức có khi phải tăng số người/lượt hoặc bố trí thêm ngày để đáp ứng số lượng khách đăng ký.

Theo Đào Minh Thùy - người sáng lập Minds United, tổ chức phi lợi nhuận thực hiện dự án, thành viên ban tổ chức đến từ mọi ngành nghề, lứa tuổi đã cố gắng bài trí các vật dụng theo tư duy và cách nhận diện của người khiếm thị để khách tham gia cảm nhận chân thực nhất.

Bà Hà Thanh Vân-Hiệu trưởng Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Các bạn tình nguyện viên đều làm vì tấm lòng mà không cần thù lao. Họ tự chuẩn bị và sắp xếp tất cả, nhà trường chỉ phải hỗ trợ những vật dụng trưng bày đặc thù mà các bạn không thể có như dụng cụ học tập của các em học sinh.

Chúng tôi hy vọng mọi người nhận ra được những khó khăn của người khiếm thị để có sự quan tâm và sẻ chia với họ”.

Kết thúc hành trình triển lãm, chúng tôi được nghe một đoạn nhạc không lời. Khi những nốt nhạc cuối cùng thoát ra, một giọng nói trong trẻo vang lên: “Cảm ơn các cô chú đã đến thăm nhà của con. Bài nhạc vừa rồi do con đánh, con là một học sinh trường khiếm thị”.

Có tiếng vỗ tay, có người rưng rưng khóc hoặc gửi vội vài lời thăm hỏi, động viên trước khi bước ra khỏi bóng tối. Họ nhắm mắt lại theo yêu cầu của người điều phối để không bị chói rồi mở mắt ra, ngay lập tức ánh sáng quay về với họ.

Em học sinh trong bóng tối lặng lẽ chờ đón lượt tiếp theo...

Minh Khang (theo TTO)

Có thể bạn quan tâm