(GLO)- Thời tiết tháng 6 mưa nắng thất thường, đám trẻ chăn bò trong làng Út 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) lùa bò ra đám cỏ mênh mông giữa đồng, rồi tập trung lại cùng nhau vui chơi. Tiếng hò hét, tiếng cười vang rộn một góc làng. Lấy tay gạt mồ hôi rơi đều trên khuôn mặt đen nhẻm của mình, em Puih Lái (7 tuổi, làng Út 1, xã Ia Hrung) cười nói: “Chúng cháu đang chơi trốn tìm, vui lắm. Ngày nào chúng cháu cũng tập trung cả chục đứa ra đây, bày các trò chơi xong rồi kéo nhau đi hái xoài...”. Cũng theo lời kể của Puih Lái, hầu hết các bạn trong làng đều tự chơi như vậy, một số bạn khác thì theo bố mẹ lên rẫy, phụ giúp công việc đến tối mới về.
Gặp chúng tôi khi vừa cùng cha mẹ đi rẫy về, em Rơ Châm Lương (10 tuổi, trú cùng làng Út 1) cho biết: “ Em lên rẫy phụ giúp bố mẹ kéo ống nước tưới cà phê. Đi làm với bố mẹ, em thấy cũng mệt nhưng vui vì biết làm được nhiều việc hơn. Em có ở nhà thì cũng chơi game hoặc ra ngoài đầu làng ngồi chơi với các bạn”. Còn với em Siu Cúc (8 tuổi, làng Goong, xã Ia Púch, huyện Chư Prông) thì nghỉ hè cũng đồng nghĩa với việc quanh quẩn trông 3 đứa em cho bố mẹ lên rẫy. “Hè thì cháu chỉ ở nhà trông em, dắt em đi đá bóng. Hôm nào nóng quá thì đi ra khe suối, sông tắm, câu cá cùng các bạn cho vui. Nếu gặp mưa thì chúng cháu tắm mưa, trượt đất luôn”-Cúc bày tỏ.
Trẻ em vui chơi tại khu đất trống của làng Út 1 (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai). Ảnh: N.T |
Đây cũng là thực trạng chung của hầu hết trẻ em ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh. Hình ảnh những đám trẻ tụ tập chơi ở đầu làng, trèo cây, bơi lội dưới sông, suối... không còn xa lạ, nhất là trong dịp hè. Theo tìm hiểu của P.V, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là việc trẻ em thiếu sân chơi. Ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông-cho biết: “Xã vùng biên Ia Púch có 4 thôn, làng, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm gần 50% dân số. Hiện nay, trên địa bàn xã chỉ có một sân vận động nhưng chưa được đầu tư nhiều, thiếu các thiết bị trò chơi. Buổi chiều, các em tập trung đến đá bóng. Một số em thì theo cha mẹ lên rẫy trồng mì, làm cỏ. Còn em nào nhà có điều kiện lắp internet thì chơi game. Vì vậy, việc tổ chức sân chơi cho trẻ em trong dịp hè là vấn đề khá nan giải”.
Theo số liệu thống kê của Tỉnh Đoàn, hiện toàn tỉnh có khoảng 142.600/267.000 trẻ em trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng là người dân tộc thiểu số. Đa phần các em sau khi kết thúc năm học sẽ được giao lại cho địa phương quản lý, cùng tham gia sinh hoạt chi đoàn tại địa phương. Nhằm giúp trẻ em tại các xã vùng sâu có một mùa hè an toàn và bổ ích, trước mỗi kỳ nghỉ hè, Tỉnh Đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền đồng thời, chỉ đạo các chi đoàn tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè bổ ích cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
Trao đổi với P.V, anh Đỗ Duy Nam-Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh-cho biết: “Thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ thành lập 34 đội hình tuyên truyền Luật Trẻ em, hỗ trợ tư vấn trẻ em. Đồng thời tổ chức sinh hoạt hè, ôn tập hè, dạy bơi, kỹ năng phòng-chống tai nạn thương tích, đuối nước và xâm hại trẻ em. Tỉnh Đoàn cũng có kế hoạch xây dựng, sửa chữa 30 điểm sinh hoạt, vui chơi, giải trí cho các thiếu nhi và xây mới 10 nhà nhân ái, nhà tình nghĩa, khăn quàng đỏ, nhà bán trú…, tạo sân chơi bổ ích, giúp các em có một mùa hè sôi động, ý nghĩa”.
NGỌC THU