Nghị lực của chàng trai khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại bị tật nguyền nhưng bằng nghị lực và lòng quyết tâm, anh Rcom Hơn (SN 1993, tổ 3, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã vượt lên số phận, vươn lên trong cuộc sống.
Anh Hơn trải lòng: Anh sinh ra hoàn toàn khỏe mạnh. Nhưng năm 3 tuổi, sau một trận ốm nặng, sức khỏe của anh bị suy giảm, chân tay teo dần, co quắp, không đi lại được. Gia đình đưa đi khám, bác sĩ chẩn đoán anh bị khuyết tật tứ chi. Từ đó, mọi sinh hoạt trong cuộc sống đều nhờ người thân hỗ trợ. Bấy giờ, hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn. Để có tiền viện phí, bố mẹ anh phải làm thuê khắp nơi. Tuy nhiên, chi phí điều trị quá lớn nên gia đình không lo đủ. Lúc anh bị bệnh nặng, gia đình chỉ đủ tiền đưa anh đi khám ở nhà thầy lang trong làng và cơ sở y tế địa phương. Sau này, được người quen giới thiệu, một số nhà hảo tâm đã hỗ trợ để anh điều trị tại Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Quá trình điều trị tại đây, chân tay anh được phục hồi nhanh chóng. Một thời gian sau, anh sử dụng nạng tập từng bước đi.
“Năm 13 tuổi, mình mới bắt đầu học lớp 1. Tuy nhiên, những cơn đau thắt vẫn đeo bám nên có thời điểm, mình phải nghỉ học để đi điều trị khiến việc học dang dở, không kịp bạn bè. Suốt năm tháng học tập tại trường, mình được bố mẹ và các bạn thay nhau cõng hoặc chở đi. Để không phụ lòng mọi người, mình luôn kiên trì, nỗ lực và cố gắng đạt thành tích tốt trong học tập”-anh Hơn tâm sự.
Anh Rcom Hơn bên mô hình nhà rông, nhà sàn siêu nhỏ do mình chế tác. Ảnh: R’Ô PRIN
Anh Rcom Hơn bên mô hình nhà rông, nhà sàn thu nhỏ do mình chế tác. Ảnh: R’Ô PRIN
Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, trong thời gian học THCS, anh Hơn tìm việc làm phù hợp là mài dao, rựa tại cơ sở lò rèn gần nhà. “Mặc dù vất vả nhưng mỗi buổi, mình kiếm được 50-100 ngàn đồng. Số tiền này mình dùng vào việc sinh hoạt và học tập”-anh Hơn bộc bạch.
Thời gian này, anh Hơn còn học làm mô hình nhà rông, nhà sàn siêu nhỏ để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Theo anh Hơn, nhà rông và nhà sàn là kiến trúc độc đáo của người Jrai, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong gia đình, đó cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Nhà rông và nhà sàn chủ yếu được làm bằng vật liệu gỗ, tre, lồ ô, tranh hoặc tấm tôn làm mái. Vì vậy, trước khi thiết kế mô hình, anh đã mất khá nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu và thu thập các chi tiết kết cấu, bố cục để mô hình giống ngoài đời.
Để sản phẩm tăng tính thẩm mỹ, anh đã sơn lên những thanh le, tre rồi chẻ, chuốt các thanh nan sao cho đạt tỷ lệ hợp lý và thuận lợi trong quá trình làm. Sau đó, anh lắp ráp và dùng keo dính nhằm gắn kết các mối tiếp xúc để mô hình bền chắc. “Trong một lần quan sát những người thợ ở trong làng làm nhà sàn, mình thấy rất thích thú. Từ đó, mình đã có ý tưởng làm nhà rông, nhà sàn siêu nhỏ. Để hoàn chỉnh 1 mô hình, mình mất 1 tuần lễ, bán với giá 700 ngàn đồng/sản phẩm nên cũng kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Gần đây, do bận rộn việc học nên không có thời gian chế tác nữa. Tuy nhiên, nếu khách hàng có nhu cầu, mình sẽ làm”-anh Hơn bày tỏ.
Ông Nay Kit (bố của anh Hơn) cho biết: “Ở nhà, Hơn có tính ham học hỏi, cầu tiến. Ngoài biết chế tác mô hình nhà rông, nhà sàn siêu nhỏ, Hơn còn biết lắp đặt điện đèn và các việc khác trong gia đình. Tôi mong nó luôn khỏe mạnh, vui vẻ và có một công việc ổn định để tự lo liệu trong cuộc sống”.
Trao đổi với chúng tôi, chị Đặng Thị Thanh Thủy-Bí thư Đoàn phường Cheo Reo-nhận xét: Mặc dù bị khuyết tật nhưng anh Hơn đã có rất nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, anh Hơn luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn. Tháng 9-2022, anh được Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tặng bằng khen là gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu năm 2022. Anh cũng vừa tốt nghiệp loại giỏi ngành Tin học văn phòng tại Trường Cao đẳng Gia Lai. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để anh Hơn vay vốn phát triển kinh tế.
R’Ô PRIN

Có thể bạn quan tâm