Nghị lực của cô gái khuyết tật

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Dù bị câm điếc từ nhỏ nhưng chị Phan Đặng Tú Hậu (34 tuổi, 86 Nguyễn Trung Trực, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn không ngừng nỗ lực tìm kiếm cho mình một lối đi để hòa nhập với mọi người.
Không khí buổi học viết thư pháp tại nhà chị Hậu do anh Trần Ngọc Dũng (85/17 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) truyền dạy nhẹ nhàng, bình lặng. Bên bàn viết, chị Hậu nắn nót tập cách “vận” bút sao cho đúng. Mỗi lần chị viết sai, anh Dũng lắc đầu, cầm lấy cây bút làm mẫu lại cho cô học trò đặc biệt. Ánh mắt chị sáng lên sau mỗi lần được thầy hướng dẫn tận tình. Lớp học cứ thế nhẹ nhàng, chỉ có âm thanh sột soạt của những tờ giấy.
Chăm chú theo dõi con gái tập từng nét chữ, bà Đặng Thị Vinh chầm chậm kể: “Tôi sinh Hậu bình thường như bao đứa trẻ khác. Khi gần 3 tuổi mà con chưa biết nói, tôi đưa đi khám thì bác sĩ nói Hậu bị viêm tai giữa nặng dẫn đến mất thính giác nên không thể tập nói”. Mấy năm ròng, biết ở đâu có thể chữa bệnh, bà Vinh đều đưa Hậu đến khám. Tuy nhiên, kết quả vẫn là sự thất vọng. Tuổi thơ chị Hậu chỉ có thể giao tiếp với người nhà bằng ánh mắt, cử chỉ. Muốn con có thể hòa nhập, giao tiếp với xã hội như bao người, năm 6 tuổi, bà Vinh cho Hậu theo học tại Trường Câm điếc Lái Thiêu (nay là Trung tâm Giáo dục Trẻ khuyết tật Thuận An, tỉnh Bình Dương). Một thời gian, chị có thể “nghe và nói” bằng những động tác, ký hiệu ngôn ngữ thân thể do Viện Điếc Viataal và Ủy ban II Hà Lan hướng dẫn. Chị Hậu còn học chữ nhằm diễn đạt ý của mình bằng ngôn ngữ viết. Sau 5 năm theo học, chị Hậu đã có thể giao tiếp thuận lợi với mọi người trong gia đình.
Chị Phan Đặng Tú Hậu thực hành viết thư pháp trên đá, gốm sứ. Ảnh: Phương Vi
Chị Phan Đặng Tú Hậu thực hành viết thư pháp trên đá, gốm sứ. Ảnh: Phương Vi
Không được học nghề nhưng chị Hậu vẫn muốn kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Theo dõi mạng xã hội, chị thấy nhiều người yêu thích sen đá nên đã nuôi ý tưởng trồng và nhân giống để bán. Hơn một năm nay, sau khi nhập lứa sen đá đủ các loại từ Lâm Đồng về, chị Hậu tỉ mẩn làm đất, vào chậu cho từng cây sen. Mỗi cuối tuần, chị lại đem cây bày bán ở cạnh Trường Tiểu học Cù Chính Lan (phường Hội Thương, TP. Pleiku). Tùy từng loại và kích thước của sen mà chị bán giá khác nhau, thường từ 30.000 đến 100.000 đồng/chậu. Dịp lễ, Tết, chị còn “thiết kế” tiểu cảnh bằng sen đá bán làm quà tặng. Không dừng lại ở đó, chị Hậu tìm đến lớp học thư pháp của anh Dũng để có thể tự mình viết chữ và vẽ trang trí lên từng chậu sen đá. Chị tin làm như thế khiến chậu cây đẹp và thu hút hơn.
Anh Dũng chia sẻ: “Hậu là học trò đặc biệt nhất từ trước đến nay mà tôi từng nhận. Bởi dạy thư pháp cho một người bình thường đã khó, dạy cho người câm điếc càng khó bội phần”. Những buổi đầu lên lớp, vì không cùng ngôn ngữ giao tiếp nên chị Hậu rất rụt rè. Anh Dũng phải nhờ một bạn gái học cùng tiếp xúc, làm quen, hướng dẫn. Dần dần, chị mở lòng và thể hiện mình nhiều hơn. “Hậu có năng khiếu thẩm mỹ. Dù khá vất vả để giảng cho Hậu hiểu cách cầm bút, vận bút, cách sử dụng lực tay trong từng đường nét nhưng bù lại, em rất chăm chỉ, cố gắng tập luyện. Một xấp giấy dày tôi cho lúc mới vào học, em đã tập viết gần hết. Hiện tại, Hậu đã có thể viết một số nét đại tự cơ bản và có thể thực hành viết trên một số mẫu như đá, gốm sứ…”-anh Dũng cho hay.
Để chứng minh, anh Dũng viết mẫu chữ “Lộc” theo kiểu thư pháp lên một mặt của viên đá cuội rồi đưa cho chị Hậu xem. Rất nhanh chóng, chị Hậu cũng khéo léo viết một chữ tương tự lên hòn đá khác, mặt chị rạng rỡ niềm vui khi được thầy khen. Anh Dũng nói: “Trước mắt, tôi sẽ dạy cho Hậu viết đại tự để có thể viết, vẽ lên chậu cây như mong muốn. Sau đó, tôi sẽ dạy các kỹ thuật cao hơn để Hậu có thể vẽ, viết lên các sản phẩm bán vào các dịp lễ, Tết, sự kiện. Tôi mong sau khi thành thạo, Hậu là cầu nối để đưa nghệ thuật thư pháp đến nhiều người cùng hoàn cảnh, tạo cho họ cơ hội có việc làm phù hợp”.
6-6 Chị Hậu (bìa phải) theo dõi bạn cùng lớp hướng dẫn cách vận bút trong thư pháp-ảnh P.V
Chị Hậu (bìa phải) theo dõi bạn cùng lớp hướng dẫn cách vận bút trong thư pháp. Ảnh: Phương Vi
Sự nỗ lực và năng khiếu của chị Hậu khiến nhiều bạn học ngưỡng mộ và khâm phục. Chị Trương Thị Mỹ Sen-giáo viên Trường Tiểu học số 2 thị trấn Đak Đoa cũng là một học viên lớp thư pháp của thầy Dũng-bày tỏ: “Tôi rất cảm phục cô gái này. Với người bình thường như tôi, học đã thấy rất khó nhưng Hậu vẫn quyết tâm chinh phục. Đó là nghị lực đáng quý. Ở trên lớp, dù không biết dùng ngôn ngữ ký hiệu bằng tay, song tôi vẫn cố gắng giao tiếp với Hậu bằng ánh mắt, điệu bộ, khẩu hình để giúp bạn học tốt hơn. Hậu có năng khiếu nghệ thuật và tiếp thu cũng rất nhanh”.
Khi được hỏi sẽ làm gì sau khi làm chủ nghệ thuật thư pháp, chị Hậu vui vẻ giơ 4 ngón tay lên ý nói: Chị có 4 người bạn cũng bị câm điếc. Chị sẽ dạy họ biết viết thư pháp như mình.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm