Người tốt-Việc tốt: Tấm lòng một nhà giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trên cương vị người đứng đầu, cô Lê Thị Loan-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Họa Mi (xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện, Gia Lai) luôn giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng những việc làm thiết thực.
Thay vì cho phép mình nghỉ ngơi dịp hè, những ngày này, cô Lê Thị Loan lại lặn lội vào những làng có học sinh trong độ tuổi đến trường sẽ nhập học ở điểm trường lẻ tại buôn Chư Knông để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình từng em. Đó là cách làm của cô trong nhiều năm qua để vận động học sinh ra lớp. “Gắn bó với vùng đất này đã hơn 30 năm nay, tôi thương bà con như anh em ruột thịt, thương lũ trẻ như con cháu trong nhà”-cô Loan tâm sự. Cũng vì thương học trò vùng khó nên từ năm học 2016-2017, cô Loan đã xin chủ trương tổ chức 4 lớp bán trú dân nuôi cho hơn 100 học sinh người dân tộc thiểu số ngay tại điểm trường lẻ-điều mà ít trường trên địa bàn tỉnh thực hiện được.
 Cô Lê Thị Loan bên các em học sinh. Ảnh: N.G
Cô Lê Thị Loan bên các em học sinh. Ảnh: N.G
Mô hình này của Trường Mẫu giáo Họa Mi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp, các ngành tại địa phương vì đã giải quyết được nhiều vấn đề như: hạn chế tối đa tình trạng học sinh nghỉ học theo mùa; hạn chế nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ; phụ huynh yên tâm đi làm; duy trì được tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần... Tuy vậy, cô Loan vẫn trăn trở khi nhìn thấy những vật dụng phụ huynh sử dụng mang cơm đến trường cho con như cặp lồng hay tô nhựa không hợp vệ sinh, không đảm bảo sức khỏe các em khi bảo quản thức ăn nóng. Vì vậy, đầu năm 2017, cô Loan đã trích gần 8 triệu đồng tiền lương để tự tay chọn mua hơn 100 chiếc cặp lồng inox về tặng cho từng em. Cô còn mua thêm các loại gia vị, nước chấm như xì dầu, tương ớt cho học sinh điểm trường sử dụng.
Đối với trẻ ở độ tuổi mầm non, những chiếc cặp lồng do cô Loan tặng chính là món quà thú vị mỗi ngày đến lớp. Với các bậc phụ huynh còn khó khăn, chưa thể lo chu đáo cho con cái thì đó là sự giúp đỡ đầy thiện chí. Chị Ksor HNhan (buôn Chư Knông) xúc động kể: “Đã 2 năm nay con tôi được ăn cơm trưa trong chiếc cặp lồng inox do cô Loan tặng. Không chỉ cháu mà cả nhà tôi đều quý món quà này. Năm nay, tôi có thêm 1 cháu 3 tuổi đến trường và cô Loan hứa sẽ tặng cho cháu 1 chiếc cặp lồng nữa. Tôi rất cảm ơn cô”. Cũng giống như chị HNhan, đa số phụ huynh ở đây đều rất cảm kích trước tấm lòng của cô Loan. Hình ảnh cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Loan quan tâm, gần gũi học trò vùng khó khiến phụ huynh càng thêm yêu quý tập thể sư phạm nhà trường.
Với sự tin yêu ấy, Trường Mẫu giáo Họa Mi đã huy động được 100% trẻ 5 tuổi ra lớp, gần 90% trẻ 3-4 tuổi đến trường; duy trì bền vững công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi... Là trường vùng khó với tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm gần 80% nhưng nhà trường đã tổ chức được 100% lớp học bán trú, tạo điều kiện cho gần 300 trẻ được học 2 buổi/ngày để nâng cao chất lượng giáo dục. Đi đầu thực hiện nhiệm vụ, nhất là giúp đỡ học sinh khó khăn, cô Loan đã lan tỏa được tình yêu thương học trò tới tập thể sư phạm nhà trường. Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Kiều Nhi bày tỏ: “Tôi may mắn khi vừa ra trường đã được cô Loan truyền cảm hứng về nhân cách của một giáo viên nhân dân. Tôi và rất nhiều giáo viên khác vẫn thường theo cô về làng, nắm bắt thực tế cuộc sống của bà con, của học sinh để chia sẻ và yêu thương các em nhiều hơn bằng những việc làm thiết thực, trong đó có việc nhận đỡ đầu học sinh khó khăn”.
Thường xuyên giới thiệu về tấm gương tận tụy của cô Hiệu trưởng Lê Thị Loan tại các buổi sinh hoạt chuyên môn toàn tỉnh, cô Nguyễn Thị Phương Huệ-Trưởng phòng Giáo dục Mầm non (Sở Giáo dục và Đào tạo) chia sẻ: “Chúng tôi rất quý trọng những tấm lòng vì học trò như cô Loan. Hy vọng hành động cao đẹp của cô Loan sẽ lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa trong tập thể sư phạm các đơn vị giáo dục, để từ đó mang lại thêm nhiều cơ hội cho học trò vùng khó, giúp các em thấy mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui”.
 NGUYỄN GIANG

Có thể bạn quan tâm