Người trẻ ấp ủ một năm 2022 nhiều kỳ vọng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Trải qua một năm đầy biến động, thế hệ trẻ - những công dân của thời đại số hoá cũng chất chứa nhiều suy tư, xen lẫn những kỳ vọng, ấp ủ những dự án mới đón chào năm 2022. Họ là những làn sóng mới, quyết định văn hoá, xu hướng của xã hội trong tương lai. 
Bác sĩ Nguyễn Duy Cương (ngoài cùng bên trái, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: NVCC
Bác sĩ Nguyễn Duy Cương (ngoài cùng bên trái, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: NVCC
Một năm nhìn lại...
Khép lại năm cũ với bao cảm xúc bồi hồi, mỗi người trẻ lại dành riêng cho mình khoảng lặng, suy tư về những gì họ đã làm. Có người tích lũy vốn sống, kinh nghiệm. Có người trân trọng tình thân hơn, đặt mục tiêu tích lũy vốn vào quỹ “sức khỏe”. Cũng có người tích luỹ thêm nhiều ý tưởng, ước mơ, những dự án tiếp theo khi bước sang năm mới 2022. 
Một năm dịch bệnh COVID-19 diễn ra triền miên, việc học tập, cuộc sống của em Thái Hải Đăng (SN 2001, tỉnh Vĩnh Long) cũng bị ảnh hưởng theo tình hình chung của xã hội. Thế nhưng, trong khoảng thời gian này, Đăng nhận ra đâu mới thực sự là thứ mình cần. Việc học tập chủ yếu diễn ra theo hình thức online nên Đăng có nhiều thời gian hơn để trau dồi vốn ngoại ngữ, đọc sách, tham gia tổ chức các buổi trao đổi, chia sẻ hành trình “Sách yêu thương” cho các bạn nhỏ ở vùng nông thôn tỉnh Trà Vinh. 
Thái Hải Đăng chia sẻ: "Từ việc thay đổi phương thức học tập, nhiều kế hoạch phải tạm gác lại, em đã học được cách linh hoạt ứng biến. Ngày xưa, chưa bao giờ em nghĩ mình sẽ được học cùng với một giáo sư ở Mỹ nhưng bây giờ thì việc này hoàn toàn có thể. Môi trường học tập online giúp thu hẹp khoảng cách địa lý, kết nối sâu rộng, đa nền tảng. Bước sang năm mới, em cảm thấy biết ơn, quan tâm hơn tới những thành viên trong gia đình, trân trọng những gì mình đang có”.
Trong dịch COVID-19, đội ngũ y, bác sĩ - những "chiến binh áo trắng” thường trực ở tuyến đầu đã phải chịu nhiều vất vả, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao. Bằng tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm cộng đồng, họ không đã ngại khó, ngại khổ. Từng ngày, từng giờ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, thầm lặng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. 
“Vào những ngày đầu tháng 4.2021, khi TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam bùng dịch, Thủ đô Hà Nội cũng thực hiện lệnh giãn cách xã hội toàn thành phố. Theo tiếng gọi trái tim, tôi cũng viết đơn tình nguyện tham gia chống dịch trong khu cách ly người bệnh F1, khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội. Đây là khoảng thời gian đáng nhớ nhất, đặc biệt là những người trẻ đang theo nghề y như tôi.
Dịch COVID-19 lúc này như một nỗi sợ vô hình trong tâm trí. Trực tiếp chăm sóc người bệnh, nhiều lúc tôi cũng phải đấu tranh tinh thần khi nhận thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết vô cùng mong manh. Dù có những lúc tôi đã yếu lòng, cũng có lúc hân hoan khi bệnh nhân mình chăm sóc đã xuất viện. Năm mới sắp đến, tôi hi vọng rằng bản thân sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao, cố gắng trau dồi chuyên môn nhiều hơn nữa. Hi vọng khi bước sang năm mới nhiều điều sẽ tươi mới, ai cũng được mạnh khoẻ, bình an” - Bác sĩ Nguyễn Duy Cương (SN 1994, làm việc tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội) cho hay.

Thái Hải Đăng (SN 2001, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: NVCC
Thái Hải Đăng (SN 2001, tỉnh Vĩnh Long). Ảnh: NVCC
Những kỳ vọng mới 
Cụm từ "bỏ phố về quê" không chỉ là trào lưu xuất hiện trong năm 2021 mà nó đang trở thành xu hướng, dòng dịch chuyển việc làm và nhân công lao động. Đây vừa là cơ hội, sự thách thức, bản lĩnh vượt qua khó khăn của những người trẻ đang ấp ủ "giấc mơ" khởi nghiệp, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Anh Đỗ Mạnh Cương (SN 1991, tỉnh Gia Lai) tâm sự: "Mình sinh ra và lớn lên ở vùng nguyên liệu trồng cà phê lâu năm của huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai. Dịch COVID-19 đã tác động rất lớn đến ngành nông nghiệp nói chung. Đặc biệt là việc phong toả, cách ly khiến các chuỗi cung ứng, vận chuyển, logistic nhiều khi bị gián đoạn. Phải tạm dừng lại nhiều hoạt động, mô hình khởi nghiệp tại quê nhà nhưng trong khoảng thời gian này, mình đã nhận ra sự chuyển dịch, thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người Việt. 
Thay vì cách mua bán hàng hoá truyền thống, những kênh thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki... sẽ là một hướng tiếp cận mới, là kênh tiêu thụ ổn định cho các mặt hàng nông sản Việt. Những mô hình khởi nghiệp đã làm trước đó tuy rất hay nhưng bản thân mình muốn khai thác sâu hơn, kết hợp với văn hoá bản địa, vùng miền để tạo dựng thương hiệu trên chính mảnh đất quê hương". 
Song song với việc khởi nghiệp, bước sang năm 2022, những người trẻ đang khởi nghiệp như anh Đỗ Mạnh Cương cũng đã chuẩn bị mọi mặt về kiến thức, kinh nghiệm trong thị trường nhiều biến động. Ấp ủ nhiều hoài bão, anh Cương cũng ước mơ sẽ tạo dựng một chuỗi liên kết sản xuất, cộng đồng khởi nghiệp ở vùng sản xuất nguyên liệu. Anh hi vọng rằng, những sản phẩm nông nghiệp tại địa phương như cà phê, hồ tiêu... sẽ tiếp cận sâu rộng thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước, những thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn... Từ đó, thay đổi phương thức sản xuất truyền thống để nâng tầm chất lượng nông sản Việt trong những năm tới. 
Có thể thấy, với sự diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, con đường phục hồi và phát triển ngành du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều gian nan. Thế nhưng, đây cũng chính là chất "xúc tác" khiến ngành du lịch nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch buộc phải thích ứng với việc chuyển đổi số. Từ đó, các doanh nghiệp này sẽ tìm cách tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng mới, giảm chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian quảng bá sản phẩm, điểm đến, đem đến cho du khách những trải nghiệm số hấp dẫn...

Lê Phương Anh (SN 1998, điều hành du lịch ở Pù Luông CBT). Ảnh: NVCC
Lê Phương Anh (SN 1998, điều hành du lịch ở Pù Luông CBT). Ảnh: NVCC
Chị Lê Phương Anh (SN 1998, điều hành du lịch ở Pù Luông CBT, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) cho biết: "Dịch COVID-19 khiến nhiều doanh nghiệp hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Việc đón khách bị gián đoạn, phụ thuộc nhiều vào nhiều yếu tố. Doanh nghiệp buộc phải tìm cách xoay xở, kinh doanh một số mặt hàng thủ công để bù vào chi phí vận hành. Việc chuyển đổi số, tiếp cận khách hàng quan tâm trong thời gian này cũng được team đẩy mạnh, thu hút chọn lọc hơn. Bước sang 2022, với những dự án mới sắp triển khai... Mình cũng hi vọng bản thân và gia đình có thật nhiều sức khoẻ, dịch bệnh chóng qua để cuộc sống và công việc được ổn định hơn, trở về trạng thái bình thường". 
Dù đang hoạt động, kinh doanh ở ngành nghề, lĩnh vực nào, nhiều người trẻ trong những ngày cuối năm 2021 đều có chung kỳ vọng rằng, bước sang năm mới sẽ có thêm nhiều may mắn, khởi sắc hơn. Họ đều mong bệnh dịch chóng qua, cuộc sống, công việc nhanh chóng trở về trạng thái bình thường, mong ước được đoàn tụ, sum họp cùng gia đình ăn bữa cơm tất niên sau một năm đầy biến động và cũng ấp ủ nhiều dự án trong một năm mới với không ít kỳ vọng. 
LAN NHI (LĐO)
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/nguoi-tre-ap-u-mot-nam-2022-nhieu-ky-vong-989998.ldo

Có thể bạn quan tâm